Sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn gây thiệt hại 1.168 tỷ đồng và kiến nghị lấp lỗ hổng pháp lý
Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Vĩnh Long đã không kịp thời phát hiện những sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn, các công ty, đơn vị liên quan để xử lý kịp thời...

Ảnh minh họa.
Ngày 29/4/2025, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 41 bị can trong vụ án xảy ra ở Tập đoàn Phúc Sơn và nhiều địa phương liên quan. Các bị cáo bị truy tố về các tội: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa - Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Trong đó, Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu "Pháo"), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, bị truy tố về 3 tội: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Có 9 bị can bị truy tố về tội Nhận hối lộ. Bị can Đặng Trung Hoành (cựu Chánh văn phòng huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) bị truy tố tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Ngoài ra, còn 17 bị can bị truy tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 5 bị can bị truy tố tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo buộc, trong quá trình thực hiện các dự án, gói thầu tại tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Nguyễn Văn Hậu đã trực tiếp thực hiện, chỉ đạo cấp dưới hoặc cấu kết với các đơn vị khác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về kế toán, đấu thầu.
Hành vi sai phạm của ông Hậu và các đồng phạm gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước với tổng số tiền 1.168 tỷ đồng.
Trong đó, thiệt hại từ hành vi vi phạm kế toán là 504 tỷ đồng, từ việc xác định lại giá đất là 204 tỷ đồng và từ hành vi vi phạm đấu thầu là 459 tỷ đồng. Hành vi sai phạm của ông Hậu dẫn đến hàng loạt cán bộ ở các địa phương nêu trên bị xử lý kỷ luật, làm giảm niềm tin của nhân dân, gây bức xúc dư luận.
Ngoài ra, ông Hậu còn lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với các cá nhân có chức vụ, quyền hạn để những cá nhân này thực hiện theo yêu cầu của Hậu, tạo điều kiện cho cho các công ty thuộc hệ sinh thái Phúc Sơn trúng thầu, thực hiện các dự án, gói thầu, hưởng lợi bất hợp pháp, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước. Tổng cộng ông Hậu đã đưa hối lộ hơn 132 tỷ đồng cho nhiều cán bộ ở các địa phương.
Ở giai đoạn điều tra, công an đã thu giữ hơn 41,5 tỷ đồng; 534 lượng vàng SJC; hơn 1,1 triệu USD. Các bị can, người liên quan nộp hơn 118 tỷ đồng và 900.000 USD. Ở giai đoạn truy tố, các bị can và đối tượng liên quan đã khắc phục hơn 66,9 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, truy tố đối với vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận thấy còn có sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, thuế, định giá tài sản. Đây là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can.
Theo Viện kiểm sát, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Vĩnh Long đã không kịp thời phát hiện những sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn, các công ty, đơn vị liên quan để xử lý kịp thời.
Do đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động xây dựng, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, triển khai thi công thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo đúng thời hạn, hoạt động chuyển nhượng đất dự án có kê khai đúng giá trị mua bán và thực hiện đúng nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, hoạt động định giá tài sản, kiểm toán đúng quy định pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật còn thiếu sót, sơ hở; kiến nghị các cơ quan hữu quan có thể chế, chính sách, giải pháp để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan tố tụng đã làm rõ hành vi "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại dự án Chợ đầu mối.
Với dự án Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc, dự án Đê tả sông Hồng và dự án đường nội thị thị trấn Vĩnh Tường, cơ quan tố tụng xác định các bị can đã "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo cáo buộc, ông Hậu và đồng phạm đã vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến 4 dự án bất động sản, gồm: Chợ đầu mối, Khu đô thị Tứ Trưng, Khu trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn giai đoạn 1, 2.
Ở tỉnh Quảng Ngãi, ông Hậu và các bị can khác có hành vi "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại 2 gói thầu thuộc dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1.
Tại tỉnh Phú Thọ, cơ quan tố tụng xác định 4 gói thầu của dự án Trung tâm lễ hội và dự án Phòng chống cháy rừng có "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến Hậu và một số bị can khác.