Sai phạm hóa đơn, Giám đốc công ty đất hiếm nói do dịch Covid-19

Công ty Đất hiếm Việt Nam mua tới 3.500 tấn đất hiếm với Công ty Thái Dương nhưng chỉ xuất hóa đơn hơn 760 tấn, tại tòa lãnh đạo công ty này đỗ lỗi do dịch Covid-19.

Đổ lỗi do dịch Covid-19 và pháp luật chưa rõ ràng

Ngày 13/5, TAND Tp.Hà Nội tiếp tục xét xử 27 bị cáo vụ án liên quan đến việc khai thác, vận chuyển và tiêu thụ trái phép đất hiếm tại Yên Bái của Công ty Thái Dương.

Trong số các bị cáo, Đặng Trần Trí - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hợp Thành Phát bị truy tố về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị can được xác định có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ Yên Phú (xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) của Công ty Thái Dương.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Tại tòa, Trí khai có quen biết với Đoàn Văn Huấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thái Dương thông qua hoạt động vận tải.

Từ cuối năm 2019, ông Trí bắt đầu ký hợp đồng nguyên tắc mua quặng sắt từ mỏ đất hiếm của Côngty Thái Dương. Hàng hóa được giao nhận nhiều đợt, với tổng khối lượng gần 47.500 tấn, trị giá khoảng 47 tỷ đồng.

Hàng được vận chuyển từ mỏ ra bãi tập kết và bán lại cho một số đơn vị, trong đó có Công ty Hòa Phát (tỉnh Hải Dương). Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận đã không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) đầy đủ, với lý do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và sự chủ quan trong quản lý giấy tờ.

Cáo trạng xác định có khoảng 34.000 tấn quặng, trị giá 64 tỷ đồng, không được kê khai thuế, dẫn đến hành vi trốn khoảng 6 tỷ đồng thuế doanh nghiệp và hơn 2 tỷ đồng thuế VAT.

Tại phiên tòa, bị cáo Trí thừa nhận sai phạm, bày tỏ sự ăn năn và cho biết đã khắc phục gần 9,5 tỷ đồng, đồng thời nộp thêm 500 triệu đồng để bồi thường thiệt hại.

Nhóm bị cáo Công ty Đất hiếm Việt Nam, trong số các bị cáo có Lưu Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty Đất hiếm Việt Nam bị truy tố về tội Buôn lậu.

Từ năm 2019 - 2023, Công ty Đất hiếm Việt Nam đã mua hơn 3.500 tấn quặng đất hiếm từ Công ty Thái Dương, tổng giá trị thanh toán hơn 142 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai bên chỉ xuất 3 hóa đơn cho hơn 765 tấn hàng, thấp hơn nhiều so với thực tế.

Bị cáo Lưu Anh Tuấn.

Bị cáo Lưu Anh Tuấn.

Tại phiên tòa, bị cáo Lưu Anh Tuấn thừa nhận phần lớn số hàng còn lại không có hợp đồng, hóa đơn và không được ghi chép trong sổ sách kế toán.

Bị cáo Lưu Anh Tuấn đã chỉ đạo nhân viên thực hiện thủ tục xuất khẩu với tổng trị giá hơn 379 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Tuấn thừa nhận hành vi vi phạm, nhưng "đổ lỗi" cho văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương không rõ ràng, việc truy tố theo các quy định này là chưa thuyết phục.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Lưu Anh Tuấn nhiều lần khẳng định tờ khai hải quan điện tử là bằng chứng cho thấy không có gian dối trong thủ tục khai báo và khẳng định chưa từng làm việc trực tiếp với cơ quan hải quan do tất cả đều thực hiện qua hệ thống điện tử.

Bị cáo cho rằng hàng hóa đã khai đúng chủng loại, mô tả, và đây là mặt hàng được khuyến khích xuất khẩu, được miễn thuế theo quy định.

Dù thừa nhận vi phạm, bị cáo cho rằng việc truy tố cần cân nhắc trong bối cảnh đây là hoạt động gắn với định hướng quốc gia về khai thác, chế biến đất hiếm, trong điều kiện pháp lý còn nhiều bất cập.

Cũng trong phiên tòa, bị cáo Trương Thị Hiền - Kế toán Công ty Đất hiếm Việt Nam khai, từ cuối năm 2020 đến tháng 2/2022 chỉ xuất 2 hóa đơn, không thể hiện đầy đủ số lượng hàng hóa đã mua.

Cụ thể, hóa đơn năm 2021 do chính bà Hiền liên hệ phía Thái Dương theo chỉ đạo của ông Tuấn. Sau khi đối chiếu với kế toán bên bán, phát hiện thiếu số lượng so với thực tế, bà Hiền đã báo lại với ông Lưu Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty Đất hiếm Việt Nam và được yêu cầu trao đổi với Giám đốc Công ty Thái Dương.

Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Huấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Dương trả lời rằng "đã trao đổi, thống nhất trước đó với ông Tuấn". Sau đó, bà Hiền cho biết không được cung cấp thêm thông tin.

Không hiểu rõ pháp luật Việt Nam

Tại tòa, Lưu Vũ (Liu Yu, quốc tịch Trung Quốc) - Giám đốc Công ty TNHH HUYHUANG, bị đưa ra xét xử về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

Vũ khai, bản thân nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 2018 và thành lập công ty tại Hà Nội. Vũ quen biết Đoàn Văn Huấn - Giám đốc Công ty Thái Dương thông qua một người quen, mục đích trao đổi kỹ thuật chứ không liên quan đến giao dịch mua bán.

Tuy nhiên, từ năm 2020, bị cáo bắt đầu tham gia mua đất hiếm do ông Huấn cung cấp, theo đề nghị của một cổ đông tên Quách Hải Ba.

Theo lời khai, ông Huấn yêu cầu thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt. Tổng cộng gần 200 tấn đất hiếm đã được giao dịch, trị giá khoảng 70 tỷ đồng, trong đó bị cáo đã thanh toán 59 tỷ đồng.

Lưu Vũ thừa nhận do giao dịch tiền mặt nên không nhận được hóa đơn, chứng từ từ bên bán và giải thích rằng do không hiểu rõ pháp luật Việt Nam nên tin tưởng vào ông Huấn.

Bị cáo Vũ cho rằng mình chỉ đóng vai trò trung gian giữa người mua và người bán.

Đặng Thủy - Quỳnh Chi

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sai-pham-hoa-don-giam-doc-cong-ty-dat-hiem-noi-do-dich-covid-19-204250513142354507.htm
Zalo