Sai phạm có hệ thống diễn ra như thế nào?
Với 2 dự án bệnh viện này, đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế...

Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Ảnh: INT
Giá trị lãng phí được phát hiện qua thanh tra tại 2 dự án: Đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức tại tỉnh Hà Nam được xác định lên đến hàng nghìn tỷ đồng, cao gấp rất nhiều lần so với số tiền thiệt hại tạm tính khoảng 100 tỷ đồng…
Sai phạm, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng
Ông Nguyễn Văn Cường - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đây là cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mà trực tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải ban hành Kết luận thanh tra trước ngày 31/3/2025 với tiến độ và chất lượng cao.
Cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại TP Phủ Lý (Hà Nam) được khởi công xây dựng, kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Với 2 dự án bệnh viện này, đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế. Hai bệnh viện có quy mô 1.000 giường/bệnh viện; diện tích 100.000m² sàn/bệnh viện. Tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng/bệnh viện.
Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao, Thanh tra Chính phủ đã khẩn trương thực hiện công bố quyết định thanh tra. Trong đó, thời gian thanh tra ngắn, thời kỳ thanh tra rất dài (2014 - 2024). Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật có rất nhiều thay đổi, nhiều quy định được bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, áp dụng chuyển tiếp.
Đoàn Thanh tra đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, trong đó có việc kiểm tra, đánh giá gần 3.000 đầu mục tài liệu, đối chiếu với hàng nghìn quy định cũ mới khác nhau. Với những nỗ lực, cố gắng, kết luận thanh tra với chất lượng cao đã được ban hành chỉ sau 59 ngày làm việc.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, kết quả thanh tra cho thấy những sai phạm trong quá trình triển khai 2 dự án có tính hệ thống, vi phạm sau có nguyên nhân từ vi phạm trước. Đồng thời có yếu tố chủ quan xảy ra ở hầu hết các khâu, từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư; từ phê duyệt chủ trương, kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó là tổ chức đấu thầu, lựa chọn, ký kết và thực hiện các gói thầu.
Hợp đồng xây dựng ký kết không rõ ràng, không tuân thủ bất kỳ quy định nào tại các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Vừa ký hợp đồng xong thì 8 ngày sau đã phải đề nghị điều chỉnh thiết kế cơ sở. Thi công khi chưa có thiết kế kỹ thuật, chưa có bản vẽ thiết kế thi công và chưa có cả dự toán.
Đặc biệt, giá trị lãng phí được phát hiện qua thanh tra tại 2 dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng, cao gấp rất nhiều lần so với số tiền thiệt hại tạm tính khoảng 100 tỷ đồng. Điều này cho thấy Tổng Bí thư Tô Lâm đã sớm nhận diện rất chính xác và đã cảnh báo toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vấn nạn này qua bài viết với tiêu đề “Chống lãng phí” vào tháng 10/2024.
Hiện tượng “lãng phí” tại các dự án nói trên diễn ra rất phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng, có hệ lụy về vật chất như: Suy giảm nguồn lực, tăng gánh nặng chi phí do quản lý, sử dụng tài sản công không hiệu quả; có hệ lụy phi vật chất như: Lãng phí cơ hội khám chữa bệnh của nhân dân; gây nhức nhối trong dư luận xã hội; làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước.

Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Ảnh: INT
Đề nghị xử lý trách nhiệm, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an
Theo kết luận, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Bộ trưởng, Thứ trưởng được phân công phụ trách các dự án nói trên theo từng thời kỳ liên quan đến các vi phạm, sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ, tài liệu vụ việc có dấu hiệu vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015 đến Bộ Công an để xem xét, điều tra xử lý theo quy định đối với 2 nội dung.
Cụ thể, đối với 4 gói thầu tư vấn cố ý vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu xây dựng trong việc trình phê duyệt chủ trương thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập dự án khi chưa rõ về khả năng đáp ứng của đơn vị tư vấn trong nước theo quy định, sử dụng đề xuất tài chính, chi phí tư vấn lập dự án kiến trúc do nhà thầu được chỉ định thầu lập để thẩm tra là trái quy định.
Tiếp đó là quá trình đấu thầu ký kết hợp đồng đối với gói thầu thiết bị y tế Bạch Mai 01 có nhiều vi phạm, đặc biệt có dấu hiệu vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu, có sự sai khác trong nội dung yêu cầu của hồ sơ mời thầu…
Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin để Bộ Công an xem xét, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nội dung có nhiều vi phạm pháp luật đấu thầu, xây dựng và các quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường đề nghị quá trình thực hiện Kết luận thanh tra, các đơn vị được thanh tra trực tiếp ngoài các nội dung công việc theo thẩm quyền, cần chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung tại kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo quy định.
Đồng thời, đề nghị Cục 5, Thanh tra Chính phủ (đơn vị được giao thực hiện chức năng đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra) chủ động thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ hy vọng sau thanh tra, Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ quản lý, điều hành, song song với quá trình tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra, tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt thực hiện các biện pháp sớm đưa 2 bệnh viện đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường, hình ảnh 2 bệnh viện to lớn, sừng sững được Nhà nước đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng vẫn để bỏ hoang cỏ mọc vì không sử dụng được trong 10 năm qua gây xót xa trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nó là điển hình của sự lãng phí trong đầu tư công. Việc làm rõ giá trị lãng phí là một yêu cầu rất mới trong thanh tra dự án đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, nhưng là một yêu cầu cấp thiết của xã hội đặt ra trong tình hình mới, nhằm phá tan những rào cản phát triển kinh tế, xã hội, để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.