Sai lầm thường gặp của phụ huynh trước thềm năm học mới

Với Chương trình GDPT mới, phụ huynh cần tập trung phát triển kỹ năng, phẩm chất cho con thay vì gây áp lực học tập.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa năm học 2024-2025 sẽ chính thức bắt đầu, hiện tại nhiều trường đã tổ chức cho học sinh tựu trường, nhận lớp và làm quen với thầy cô giáo, bạn bè. Thời điểm này phụ huynh cũng cần có sự đồng hành để giúp con không "ngại", lo âu khi chuẩn bị đi học.

Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, để tạo cảm hứng cho năm học mới bố mẹ hãy xây dựng những hoạt động chuẩn bị cho việc học tập cùng con.

"Phụ huynh và các con cùng nhau chuẩn bị sách vở, quần áo, đồ dùng học tập để tạo sự hào hứng cho trẻ. Hoạt động đơn giản nhất là gia đình có thể đi nhà sách, đưa ra những thử thách như lập kế hoạch mua gì, mua như thế nào trong khoản quỹ nhất định cho năm học mới", bà Diễm Quyên đưa ra tư vấn.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên.

Về kiến thức, chuyên gia cũng bày tỏ bố mẹ nên khuyến khích trẻ đọc và viết ra tên các chương lớn của mỗi môn học ra tờ giấy lớn. Khi học đến đâu sẽ cập nhật kiến thức vào trong sơ đồ để tạo cho con có cảm giác chủ động được kiến thức, tổng hợp được những gì đã học đây cũng là phương pháp giảm áp lực, tránh bị "ngợp" khi phải học nhiều môn cùng một lúc.

Cùng với đó, cha mẹ nên cùng thi đua với con trong việc gói và bọc sách vở, để học sinh rự lên thời gian biểu học tập.

Trước băn khoăn có nên phụ huynh đặt mục tiêu về thành tích cho con hay không, bà Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ: "Mục tiêu duy nhất của trẻ là hơn chính các em của ngày hôm qua, không nên tạo áp lực với những thành tích quá cao cho con mà chỉ nên động viên, cổ vũ, khen ngợi con thay đổi từ những điều nhỏ nhặt".

Còn TS.Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng cha mẹ không nên quá lo lắng, áp lực về việc học tập của con trước thềm năm học mới, tinh thần và năng lực của con sẽ được lấy lại sau thời gian ngắn đến trường, gặp gỡ thầy cô, bè bạn.

Phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho con trước khi bắt đầu năm học mới (Ảnh: Hữu Thắng).

Phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho con trước khi bắt đầu năm học mới (Ảnh: Hữu Thắng).

Điều quan trọng, phụ huynh và nhà trường nên tập trung chuẩn bị năng lực cho học sinh, ông Lâm chia sẻ: "Với Chương trình GDPT 2018 yêu cầu đặt ra đối với người học là đáp ứng năng lực, phẩm chất không chỉ gói gọn vào kiến thức như trước kia. Điều này cha mẹ cũng cần thay đổi tư duy, suy nghĩ về việc học để tránh tạo áp lực cho con trẻ, bây giờ không phải học ghi nhớ mà để phát triển bản thân".

Ông Tùng Lâm cho rằng gia đình nhìn nhận, đánh giá con em mình có khả năng gì để phát huy thế mạnh đồng thời khắc phục điểm yếu.

"Không phải chỉ có học chữ, làm Toán, viết Văn mới là học mà cuộc sống cần gì thì các em học cái đó, khám phá thế giới xung quanh, tiếp thu đa dạng các kiến thức từ nhiều môn học khác nhau", ông Lâm cho hay.

Theo quy định, Chương trình GDPT 2018 được thực hiện theo lộ trình như sau: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Mục tiêu chính là giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, theo phương thức dạy những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ và chú trọng thực hành, để học sinh biết vận dụng những điều đã học vào thực tế. thế giới. Chương trình sẽ dần dần trở nên khác biệt hơn đối với những học sinh ở các lớp dưới và tích hợp hơn cho những học sinh ở các lớp trên, tùy thuộc vào mức độ thành tích của các em.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sai-lam-thuong-gap-cua-phu-huynh-truoc-them-nam-hoc-moi-204240802100558125.htm
Zalo