Sacombank sắp chia cổ tức sau 8 năm
Lần đầu tiên sau 8 năm, Sacombank dự kiến chia cổ tức cho cổ đông và thưởng cổ phiếu cho nhân viên, sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại hơn 25.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã xử lý gần 104.000 tỷ đồng nợ xấu, tiến gần mục tiêu hoàn tất tái cơ cấu.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tại Sacombank. Ảnh: Sacombank
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB) ngày 21/4 đã cập nhật tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, bổ sung tờ trình về kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Sacombank dự kiến phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên theo chính sách lựa chọn của ngân hàng. Nguồn thực hiện lấy từ phần lợi nhuận sau thuế hợp nhất lũy kế còn lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2024.
Năm 2024, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 12.720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ theo quy định, ngân hàng còn lại 7.013 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại từ các năm trước, tổng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế là 25.352 tỷ đồng.
HĐQT Sacombank sẽ xây dựng phương án chi tiết sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, bao gồm tỷ lệ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và tỷ lệ cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, trước khi lấy ý kiến cổ đông.
Như vậy, nếu được phê duyệt, cổ đông Sacombank sắp được nhận cổ tức sau 8 năm chờ đợi.
Cũng theo tài liệu cổ đông 2025, Sacombank đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong năm qua, nâng tổng lũy kế xử lý lên 103.988 tỷ đồng, trong đó riêng phần thuộc Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập là 76.695 tỷ đồng. Nhờ đó, các khoản tồn đọng thuộc Đề án đã giảm gần 81% về quy mô và 26% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện chỉ còn chiếm 2,4% tổng tài sản ngân hàng.
Đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán 7.934 tỷ đồng, cao hơn so nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến thu hồi đầy đủ trong năm 2025.
Đối với các khoản nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan, Sacombank cho biết đã trình các phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu này, đồng thời thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý 2/2022.
Ngân hàng cũng thông báo, việc xét duyệt để Sacombank xử lý lô cổ phiếu nói trên, cũng như ghi nhận hoàn thành quá trình tái cơ cấu cần thêm thời gian. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh hiện tại, Sacombank tự tin có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả và gia tăng giá trị cho cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và đối tác.
Về trích lập dự phòng rủi ro, năm 2024, Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro và sử dụng 2.061 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro (trong đó, xử lý rủi ro tín dụng 756 tỷ đồng và xử lý trái phiếu VAMC 1.305 tỷ đồng). Hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng tại ngân hàng lên 25.689 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Sacombank dự kiến được tổ chức vào ngày 25/04 tại TP HCM.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức ngày 26/4/2024, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh cho biết, năm 2017, ngân hàng có lãi dự thu lớn hơn vốn chủ sở hữu, tức bản chất là âm vốn chủ sở hữu. Thời điểm đó, NHNN cho Sacombank tái cơ cấu nên mới có thể giữ được tài sản, cổ đông giữ được cổ phần.
Sau 7 năm tái cơ cấu, vốn chủ sở hữu đã hơn 45.700 tỷ đồng, tổng tài sản và dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng qua các năm. Vào thời điểm bắt đầu tái cơ cấu, nợ xấu và tài sản ngưng đọng khoảng 94.000 tỷ đồng trên dư nợ 222.000 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 42% hiện còn gần 7%.
"Sacombank là ngân hàng đặc thù, thuộc diện tái cơ cấu nên chưa thể chia cổ tức. Hiện ngân hàng còn vấn đề liên quan đến 32% cổ phần của ông Trầm Bê. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu khi đó Sacombank mới được chia cổ tức," ông Dương Công Minh cho biết.
Về phương án xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê và người liên quan, Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng thông tin, đề án tái cơ cấu đã trình NHNN, do yếu tố khách quan nên cần thời gian nghiên cứu kỹ hơn. NHNN cơ bản đã đồng ý chủ trương của Sacombank và sẽ trình Chính phủ. Số cổ phiếu này sẽ đưa đấu giá công khai, đảm bảo minh bạch, đảm bảo khả năng thu hồi nợ cho ngân hàng.