Sacombank nhẹ áp lực trích lập dự phòng rủi ro
Quý I/2025, Sacombank trích 195 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, giảm khoảng 71% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của VCBS, năm nay, áp lực trích lập dự phòng của ngân hàng ở mức thấp nhờ đã trích lập hầu hết cho trái phiếu VAMC. Cùng đó là chất lượng danh mục cho vay ổn định với các khoản nợ quá hạn và nợ tái cơ cấu giảm dần, rủi ro tập trung và nợ liên đới qua CIC ở mức thấp.
Lợi nhuận quý I tăng 38% khi áp lực trích lập nhẹ đi
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 mà Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) vừa công bố, trong quý, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.674 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ trong bối cảnh giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro.
Trong quý đầu năm, Sacombank ghi nhận thu nhập lãi thuần vượt 6.863 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Bên cạnh mảng tín dụng khởi sắc, lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 26% đạt gần 728 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối duy trì ổn định ở mức khoảng 308 tỷ đồng, tương đương với kết quả cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh khác ghi nhận khoản lỗ 103 tỷ đồng.
Sự gia tăng tích cực của các mảng thu nhập lãi và ngoài lãi đã bù đắp việc chi phí hoạt động tăng lên, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý của Sacombank vẫn ghi nhận mức tăng 16% lên 3.869 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm, ngân hàng trích 195 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, giảm khoảng 71% so với cùng kỳ. Điều này góp phần khiến lợi nhuận trước thuế quý I năm nay tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhóm nghiên cứu Chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm nay, áp lực trích lập dự phòng của Sacombank ở mức thấp nhờ đã trích lập hầu hết cho trái phiếu VAMC. Cùng đó, chất lượng danh mục cho vay ổn định với các khoản nợ quá hạn và nợ tái cơ cấu giảm dần, rủi ro tập trung và nợ liên đới qua CIC ở mức thấp.

Ảnh: VCBS
Đối với các khoản nợ thuộc KCN Phong Phú từng được Sacombank bán đấu giá thành công sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023 với giá bán là 7.934 tỷ đồng, ngân hàng cho biết hiện đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi đầy đủ trong năm 2026.
Đối với các khoản nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan, Sacombank đã trình các phương án xử lý và đang chờ NHNN phê duyệt. Sacombank cũng đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý II/2022.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra, ban lãnh đạo Sacombank thông tin trong năm qua đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng giá trị nợ xấu đã xử lý lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó 76.695 tỷ đồng thuộc Đề án tái cơ cấu. Các khoản tồn đọng thuộc đề án giảm 80,5% về quy mô và hiện chỉ còn chiếm 2,4% tổng tài sản.
Bên cạnh đó, ngân hàng đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro và sử dụng 2.061 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro (trong đó xử lý rủi ro tín dụng là 756 tỷ và xử lý trái phiếu VAMC là 1.305 tỷ). Đồng thời, hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên 25.689 tỷ đồng.
Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, Sacombank đã hoàn thành 25% kế hoạch kinh doanh cả năm (kế hoạch lợi nhuận năm là 14.650 tỷ đồng).
Năm nay, VCBS đánh giá triển vọng khả quan cho thu nhập lãi và ngoài lãi của Sacombank. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng đạt 14% với động lực đến từ 2 phân khúc cho vay chính (bán lẻ phục vụ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp SME) đang trên đà hồi phục tốt, qua đó thúc đẩy thu nhập lãi thuần. Với mảng thu nhập ngoài lãi, thu nhập từ phí dự báo sẽ nối tiếp đà tăng trưởng với động lực từ hoạt động thanh toán, thẻ, bảo hiểm. Thu nhập từ thu hồi nợ cũng kỳ vọng tích cực khi thị trường bất động sản khởi sắc và được tăng cường hỗ trợ về mặt pháp lý.
Theo đó, nhóm phân tích dự phóng tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng năm nay có thể đạt khoảng 34.800 tỷ đồng, tăng 21,3% so với mức thực hiện của 2024 trong khi lợi nhuận trước thuế vượt 15.800 tỷ, cao hơn khoảng 8% so với mục tiêu lợi nhuận mà ban lãnh đạo Sacombank đặt ra cho năm nay.
Tỷ lệ nợ xấu nhích lên
Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của ngân hàng đạt 757.093 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 564.327 tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tăng 3,3%, đạt 585.569 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/03/2025, tổng dư nợ xấu (bao gồm nợ nhóm 3,4,5) của Sacombank đạt 14.151 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Đáng chú ý, trong khi nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm nhẹ thì là nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) ghi nhận tăng 5% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại ngân hàng do đó đã tăng từ 2,4% lên 2,51%.

Tính đến 31/12/2024, tỷ lệ nợ xấu tại STB là 2,4%, thấp hơn mức 2,51% tại thời điểm hết quý I/2025. Ảnh: VCBS
Diễn biến nợ xấu, đặc biệt nợ nhóm 5 tăng đáng kể đã xuất hiện trên BCTC của Sacombank từ năm 2024, đồng thuận với xu hướng chung của hệ thống ngân hàng. Các chuyên gia từ VCBS trong báo cáo cập nhật giữa tháng 4 vừa qua cũng cảnh báo rủi ro nợ xấu có thể gia tăng, kéo chi phí dự phòng của ngân hàng tăng nhanh khi thị trường bất động sản chậm phục hồi hơn dự kiến và nền kinh tế chịu nhiều biến động ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, đặc biệt với một số khoản vay có dư nợ lớn của các doanh nghiệp trong diện tái cơ cấu.
Tuy vậy, tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra, trả lời cổ đông về vấn đề nợ nhóm 5 tăng vọt, Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm khẳng định chất lượng tín dụng tại ngân hàng đang được kiểm soát.
“Nợ nhóm 5 tăng là do được chuyển từ nợ nhóm 3, 4. Việc nợ quá hạn phát sinh tăng chúng tôi vẫn kiểm soát được. Tăng nợ xấu là xu hướng chung của toàn ngành trong năm qua, khi thị trường bất động sản chậm phục hồi.
Trong năm 2025, mục tiêu của ngân hàng đặt ra là duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức 2%, cùng đó xử lý những khoản nợ tồn đọng cuối cùng theo đề án”, bà Diễm cho hay.