Sacombank chưa chốt mua công ty chứng khoán nào, nhà đầu tư 'vồ hụt' SBS

Lãnh đạo Sacombank khẳng định, sẽ không mua lại cổ phần của công ty chứng khoán SBS, cũng không mua BOS mà khi Ngân hàng Nhà nước cho phép sẽ tìm công ty phù hợp.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đãthông qua tờ trình về kế hoạch góp vốn hoặc mua cổ phần của công ty chứng khoán với giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu trên 50%.

Điều này đồng nghĩa với việc sau thương vụ này, công ty chứng khoán sẽ trở thành công ty con của Sacombank.

Theo lý giải của HĐQT, động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân cao cấp, gia tăng năng lực cạnh tranh cho Sacombank. Đồng thời, hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng.

“Theo quy định, việc góp vốn mua cổ phần hoặc thành lập công ty chứng khoán là thẩm quyền do cổ đông quyết định nên Sacombank trình việc này ra đại hội”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank nói.

Đến thời điểm hiện tại, chưa rõ mục tiêu Sacombank nhắm đến là công ty chứng khoán nào. Tuy nhiên, Sacombank đang là cổ đông lớn nhất tại Công ty CP Chứng khoán SBS (SBS) với tỷ lệ sở hữu gần 13,8%. SBS hiện có vốn điều lệ gần 1.500 tỷ đồng và vốn hóa thị trường khoảng 700 tỷ đồng.

SBS tiền thân là Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, được thành lập ngày 29/9/2006. Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 28/01/2010.

Tuy nhiên, kể từ năm 2011, Sacombank không còn giữ vai trò công ty mẹ của công ty chứng khoán này và bắt đầu quá trình thoái vốn.

Cuối tháng 7/2021, Sacombank công bố kế hoạch thoái hết vốn góp tại công ty chứng khoán nhằm tái cơ cấu các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả cao và cải thiện nguồn thu. Công ty chứng khoán này đổi tên thành SBS vào năm 2022.

Ngay sau khi Sacombank công bố thông tin sẽ mua một công ty chứng khoán, cổ phiếu SBS đã bất ngờ tăng trần ngay trong phiên. Tuy nhiên, ngay sau khi lãnh đạo Sacombank khẳng định chưa chốt mua công ty chứng khoán nào, cổ phiếu SBS lại giảm sàn.

Tính đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của SBS ở mức 286 tỷ đồng, giảm 44% so với đầu năm. Tại ngày 31/3/2025, SBS có vốn chủ sở hữu 228 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 1.490 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông, bà Diễm khẳng định sẽ không mua lại cổ phiếu đã thoái ở SBS. “Chúng tôi sẽ lựa chọn công ty chứng khoán tốt để đầu tư”, bà Diễm nói.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank cũng nói thêm: “Có cổ đông hỏi tôi không mua SBS thì có mua Công ty CP Chứng khoán BOS không? Tôi khẳng định sẽ chờ Ngân hàng Nhà nước duyệt, tất cả đều có quy trình, sau đó sẽ lựa chọn công ty chứng khoán phù hợp”.

“Nút thắt” cuối cùng để hoàn thành đề án tái cơ cấu

Theo bà Diễm, trong năm 2024 Sacombank đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng giá trị nợ xấu đã xử lý lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó thuộc Đề án tái cơ cấu là 76.695 tỷ đồng.

Các khoản tồn đọng thuộc đề án giảm 80,5% về quy mô và giảm 25,7% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện còn chiếm 2,4% tổng tài sản.

Trong đó, đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so nghĩa vụ nợ của khách hàng.

Đến nay, Sacombank đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi đầy đủ trong năm 2025.

Đối với các khoản nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan, Sacombank đã trình các phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý II/2022. Tuy nhiên, việc xét duyệt để Sacombank xử lý cổ phiếu cũng như ghi nhận hoàn thành tái cơ cấu cần có thêm thời gian.

Cũng trong năm qua, Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro và sử dụng 2.061 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro (trong đó xử lý rủi ro tín dụng là 756 tỷ và xử lý trái phiếu VAMC là 1.305 tỷ).

Đồng thời, ngân hàng đã hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên 25.689 tỷ đồng.

Tổng giám Sacombank cho biết, đến nay chỉ còn “nút thắt” cuối cùng là chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án xử lý lô cổ phiếu STB theo đề án tái cơ cấu.

“Năm 2025, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra và quyết tâm đẩy mạnh tiến trình làm việc với Ngân hàng Nhà nước để chính thức công bố hoàn tất đề án tái cơ cấu sau sáp nhập”, bà Diễm nói.

Năm 2025, mục tiêu tổng tài sản của Sacombank tang thêm 10%, lên 819.800 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 14% lên 614.400 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ.

Nguồn vốn huy động dự kiến tăng 9% lên 736.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả đạt được trong năm 2024.

Trước khi diễn ra đại hội cổ đông, Sacombank bổ sung tờ trình, trong đó bao gồm nội dung phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn của ngân hàng, từ đó tăng vốn điều lệ.

Đại hội đã thông qua tờ trình này, nhưng việc Sacombank có được chia cổ tức hay không phải chờ được Ngân hàng Nhà nước duyệt.

Năm gần nhất cổ đông Sacombank nhận cổ tức là năm 2015, nếu Ngân hàng Nhà nước không phê duyệtthì sẽ là chuỗi nối 10 năm liên tiếp nhà băng này không chia cổ tức.

An Nhiên

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/sacombank-chua-chot-mua-cong-ty-chung-khoan-nao-nha-dau-tu-vo-hut-sbs-d39899.html
Zalo