Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản 2025 nhấn mạnh quan hệ bền chặt với Hoa Kỳ
Sách Xanh Ngoại giao 2025 nêu rõ Tokyo sẽ trao đổi chặt chẽ với Washington về nhiều vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt và nỗ lực đóng góp thiết thực.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 8/4, Nhật Bản đã công bố Sách Xanh Ngoại giao 2025, trong đó tóm tắt tình hình quốc tế và hoạt động ngoại giao của nước này trong năm ngoái, cũng như thể hiện quan điểm của Tokyo về tình hình khu vực, thế giới.
Sách Xanh nhấn mạnh an ninh ở châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có mối liên hệ chặt chẽ. Nhật Bản cam kết sẽ nỗ lực củng cố quan hệ đối tác với Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) và các nước có cùng chí hướng nhằm duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền.
Đề cập đến chủ trương ngoại giao khu vực, trong đó nhấn mạnh đến Đông Nam Á, Nhật Bản nhấn mạnh sự ổn định và thịnh vượng của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chốt chặn của Ấn Độ Dương-hái Bình Dương, cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản và toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với các hoạt động tiếp cận Đông Nam Á thông qua Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các nỗ lực như mở rộng các dự án hợp tác trong nhiều lĩnh vực trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI) và kỹ thuật số, năng lượng và phát triển nguồn nhân lực, Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác với Đông Nam Á, vì đây là một trung tâm vận tải biển quan trọng và là trung tâm tăng trưởng toàn cầu.
Sách Xanh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực của Tokyo nhằm xây dựng mối quan hệ bền chặt và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sách Xanh Ngoại giao 2025 nêu rõ Tokyo sẽ trao đổi chặt chẽ với Washington về nhiều vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt và nỗ lực đóng góp thiết thực.
Về Trung Quốc, Sách Xanh nhắc lại chính sách của chính phủ Nhật Bản là thúc đẩy "mối quan hệ cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung" với nền kinh tế số hai thế giới, một cụm từ được nhắc lại trong báo cáo năm ngoái sau 4 năm vắng bóng.
Đề cập đến Ấn Độ, Tokyo khẳng định đây là đối tác quan trọng với Nhật Bản, có chung các giá trị cơ bản và lợi ích chiến lược, trong việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP).
Vì cùng là các quốc gia dân chủ ở châu Á, Nhật Bản và Ấn Độ cùng có trách nhiệm to lớn đối với hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới.
Sách Xanh cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân với các quốc gia khác, cũng như phát triển mạnh mẽ ngoại giao văn hóa và tập trung vào việc thúc đẩy sự hiểu biết về Nhật Bản.
Đối với ngoại giao kinh tế, Nhật Bản cam kết sử dụng Viện trợ phát triển chính thức (ODA) và Hỗ trợ an ninh chính thức (OSA). Về ODA, Sách Xanh cho biết Nhật Bản sẽ tạo ra các cơ chế mới, chẳng hạn như thúc đẩy huy động vốn tư nhân./.