Sách Trắng: Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào chuyển đổi năng lượng
Sách Trắng vừa được Trung Quốc công bố hôm 29/8 nhấn mạnh việc quốc gia này đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào chuyển đổi năng lượng, góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Sách Trắng có tiêu đề "Chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc", nhấn mạnh việc đầu tư của nền kinh tế số 2 thế giới vào chuyển đổi năng lượng đã đạt 676 tỷ USD trong năm 2023, trở thành nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.
Cụ thể, Trung Quốc đã tăng gấp đôi nỗ lực đổi mới công nghệ để nâng cấp công nghệ năng lượng mới với tốc độ nhanh hơn, đóng góp lớn vào việc giảm mạnh chi phí điện gió và điện mặt trời trên toàn thế giới.
Trước đó, Trung Quốc đã hợp tác với hơn 100 quốc gia và khu vực về các dự án năng lượng xanh, trong khi ngành công nghiệp năng lượng mới của nước này đã bổ sung vào nguồn cung năng lượng toàn cầu, giảm bớt áp lực lạm phát toàn cầu và đóng góp vào nỗ lực nhằm chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh.
Xuất khẩu điện gió và sản phẩm quang điện của Trung Quốc đã giúp các quốc gia khác giảm lượng khí thải CO2 khoảng 810 triệu tấn trong năm 2023. Quốc gia này cũng cam kết đạt mức không phát thải ròng vào năm 2060.
Sách Trắng cho biết tỷ lệ "năng lượng sạch" trong tổng mức tiêu thụ quốc gia đã tăng từ 15,5% lên 26,4% trong thập kỷ qua, công suất điện gió và điện Mặt trời đã tăng gấp 10 lần cũng trong giai đoạn này.
Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, nói với Global Times rằng, trong thập kỷ qua, "Trung Quốc đã dẫn đầu quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, không chỉ ở tốc độ chuyển đổi mà còn ở việc mở rộng các cơ hội mới". Dựa trên đà phát triển đó, các quan chức Trung Quốc và những người trong ngành đã bày tỏ sự tin tưởng rằng Trung Quốc, nước khai thác và tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, có năng lực và đang vững bước hướng tới mục tiêu "carbon kép" là đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060.
Những người trong ngành nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi năng lượng thành công của Trung Quốc đóng vai trò mẫu mực cho các nước đang phát triển và tạo ra một mô hình toàn cầu. Cao Heping, một nhà kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, nói với Global Times hôm 29/8 rằng đây cũng là một bài học cho các nước phát triển khác, trong bối cảnh thiếu năng lượng toàn cầu trong vài năm qua, đã cho thấy sự thoái lui nhất định trong các mục tiêu khí hậu của họ.
Động cơ cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu
Báo cáo lưu ý rằng sự phát triển năng lượng xanh của Trung Quốc đã trở thành động lực cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và ngành năng lượng mới của nước này cũng đã bổ sung nguồn cung năng lượng toàn cầu và giảm bớt áp lực lạm phát toàn cầu.
Sách Trắng trích dẫn dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết từ năm 2014 đến năm 2023, tỷ trọng nhiên liệu không hóa thạch trên toàn cầu trong tiêu thụ năng lượng đã tăng từ 13,6% lên 18,5%, trong đó Trung Quốc đóng góp 45,2% vào mức tăng này.
Trong thập kỷ qua, chi phí trung bình trên mỗi kilowatt giờ của các dự án điện gió toàn cầu đã giảm hơn 60% và các dự án điện mặt trời giảm hơn 80%. Việc cắt giảm phần lớn là nhờ nỗ lực của Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, Sách Trắng đã đưa ra một phản bác mới đối với "chiến dịch bôi nhọ" của phương Tây đối với ngành năng lượng mới của Trung Quốc, ngành mà họ cho rằng được kích thích bởi các khoản trợ cấp.
Ông Cao nói: "Rõ ràng là thuật ngữ "dư thừa năng lực" do phương Tây đặt ra đối với các ngành công nghiệp Trung Quốc không có căn cứ và được thúc đẩy bởi tư duy bá chủ".
Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nước phương Tây đang có kế hoạch áp thuế đối với hàng xuất khẩu năng lượng mới của Trung Quốc dưới danh nghĩa "dư thừa công suất công nghiệp". Nó cảnh báo họ rằng việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế này sẽ "cản trở nặng nề quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu, cản trở việc tối ưu hóa cơ cấu năng lượng và trì hoãn các nỗ lực biến đổi khí hậu", Giám đốc Lin nói.
Sách Trắng nhấn mạnh việc Trung Quốc phản đối mọi hình thức chủ nghĩa đơn phương hoặc chủ nghĩa bảo hộ. Nó kêu gọi các nước lớn "tập trung nhiều hơn vào tương lai của trái đất và nhân loại, đồng thời hành động có trách nhiệm bằng cách đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu, thúc đẩy phát triển xanh và duy trì trật tự thị trường".