Sách giáo khoa, sách tham khảo áp đảo thị phần xuất bản

Theo Thống kê xuất bản phẩm lưu chiểu, năm 2023 số đầu sách và bản sách giáo khoa, sách tham khảo chiếm tỷ trọng lớn.

 Ảnh minh họa: Điệp Chelsea.

Ảnh minh họa: Điệp Chelsea.

Theo Thống kê xuất bản phẩm lưu chiểu, năm 2023 số tựa và bản in xuất bản phẩm giấy giảm trong khi số tựa và lượng truy cập xuất bản phẩm điện tử tăng so với năm 2022.

Sách in giảm, sách điện tử tăng

Năm 2023, tổng xuất bản phẩm lưu chiểu là: 37.487 xuất bản phẩm với 536,1 triệu bản in/lượt truy cập (giảm 1,4% về xuất bản phẩm và giảm 10,5% về bản so với năm 2022).

Trong đó có 31.208 xuất bản phẩm dạng sách in với 496,9 triệu bản (giảm 4,4% về cuốn và giảm 14,6% về bản so với năm 2022); 4.000 xuất bản phẩm điện tử với 36 triệu lượt truy cập (tăng 19,4% về xuất bản phẩm và tăng 11% về lượt truy cập so với năm 2022); 2.279 xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại…) với 39,2 triệu bản (tăng 12% về xuất bản phẩm và tăng 48% về bản so với năm 2022).

Sách giáo khoa, tham khảo chiếm gần 80% bản in, lượt truy cập

 Biểu đồ số lượng xuất bản phẩm theo 7 mảng đề tài.

Biểu đồ số lượng xuất bản phẩm theo 7 mảng đề tài.

Theo đó, có tổng cộng 35.208 sách in và xuất bản phẩm điện tử. Mảng chiếm số lượng xuất bản phẩm áp đảo với hơn 30% đầu sách là Giáo khoa - giáo trình - tham khảo. Trong số này, có 1.567 sách giáo khoa/bài tập/giáo viên, 2.295 sách giáo trình, 7.020 sách tham khảo, kỹ năng.

 Biểu đồ số lượng bản in/lượt truy cập theo 7 mảng đề tài.

Biểu đồ số lượng bản in/lượt truy cập theo 7 mảng đề tài.

Sách giáo khoa - giáo trình - tham khảo chiếm đến 78,08% tổng số lượng 496,9 triệu bản in/lượt truy cập. Theo đó trung bình mỗi tựa xuất bản phẩm thuộc mảng này có khoảng 35.000 bản in/lượt truy cập, trong khi con số này với các mảng khác dao động chỉ từ 3.400 đên 6.000 bản in/lượt truy cập.

So sánh với mảng sách này vào năm 2022, năm 2023 số tựa sách in/xuất bản phẩm điện tử giảm 7,94%, sổ bản in/lượt truy cập giảm 16,64%. Năm 2023 cũng đã xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa.

Theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 12/2/2024, từ năm 2024 sẽ trao quyền chọn sách giáo khoa cho các trường. Điểm mới có thể sẽ dẫn đến những biến chuyển trong công tác xuất bản, phát hành sách giáo khoa trên cả nước.

Đến nay sau hơn 5 năm thực hiện lộ trình xóa bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa, cả nước có 6 nhà xuất bản (NXB) được cấp phép xuất bản sách giáo khoa: NXB Giáo dục, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Vinh và NXB Đại học Huế.

Tuy nhiên dường như NXB Giáo dục Việt Nam vẫn chiếm thị phần áp đảo. Với các đầu sách chính là sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo, trong năm 2023 doanh thu của NXB Giáo dục Việt Nam đạt 4.105,35 tỷ đồng, chiếm đến gần 65% doanh thu toàn ngành. (Nhân sự làm việc tại NXB Giáo dục Việt Nam cũng chiếm đến 52% nhân sự tại tổng 57 NXB).

Một số nền xuất bản trên giới, tỷ trọng sách giáo khoa, giáo trình không áp đảo đến vậy.

Xuất bản châu Âu và xuất bản Mỹ các năm qua lần lượt chiếm khoảng trên 20% và 25% tổng doanh thu xuất bản toàn cầu. Theo WorldRated, năm 2022 sách giáo khoa - giáo trình chiếm 31,87% tổng doanh thu xuất bản tại thị trường Mỹ (tăng từ 27,4% từ năm 2021, nhưng xấp xỉ 31,9% năm 2013). Theo The Voice of European Publishers, tại thị trường châu Âu mảng sách này chiếm 18% tổng doanh thu ngành vào năm 2022 (xấp xỉ 17,4% vào năm 2021).

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/sach-giao-khoa-sach-tham-khao-ap-dao-thi-phan-xuat-ban-post1466216.html
Zalo