Sắc xuân tươi mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ngoài các chính sách mà đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi, thì chính sách về nhà ở đối với hộ nghèo là một chủ trương đúng. Hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới đã tạo nên một sắc xuân tươi mới, ngập tràn ở vùng dân tộc.

Cuộc sống dù vất vả, nhưng người dân một lòng theo Đảng và hy vọng vào tương lai tươi sáng. Ảnh: Thúy Hạnh
Từ trước đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn luôn là khu vực có xuất phát điểm thấp hơn so với cả nước, do những khó khăn từ địa hình, khí hậu và bị cản trở bởi các tập tục lạc hậu đã ăn sâu, từ đời này sang đời khác. Mặc dù tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,7% tổng dân số cả nước, tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số lại chiếm tới 61,29% trong số hộ nghèo cả nước. Theo thống kê, đến thời điểm năm 2020, có khoảng 118 chính sách dân tộc và một số nội dung chính sách dân tộc có hiệu lực đã hình thành nên hệ thống chính sách dân tộc tương đối toàn diện, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Những năm qua, cấp ủy cùng chính quyền các cấp đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân, nhất là việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần chăm lo toàn diện tới đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp cả nước. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thụ hưởng nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước trong nhiều nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục thực hiện. Thứ nhất, là tỷ lệ đói nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, là các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn chiếm tỷ lệ rất cao. Thứ hai, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng còn khó khăn, vì phải chịu nặng nề của biến đổi khí hậu, rồi thiên tai bất thường. Thứ ba, đây cũng là nơi mà đồng bào dân tộc thiểu số cũng chưa phát huy được hết tính tự lực, tự cường của mình. Các chính sách đã triển khai đến địa phương, vùng, miền, nhưng những nơi được triển khai đến vẫn còn những khó khăn, bất cập, cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới. Đó là, những điều hết sức trăn trở đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp. Trong công tác giảm nghèo, chính sách về nhà ở đối với hộ nghèo là một chủ trương đúng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam đối với người nghèo, hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân tộc hướng về cơ sở, góp phần cải thiện đời sống cho người dân, trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhiều hộ dân là người dân tộc thiểu số nghèo có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận nhà mới. Điển hình là nơi hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Lào Cai là thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc và thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà. Nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, tất cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cùng người dân đã chung sức đồng lòng, khẩn trương hồi sinh những mảnh đất đầy mất mát, đau thương, trở nên đẹp hơn, an toàn và đáng sống.
Thực hiện kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo, các xóm bà con dân tộc Chăm và Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam trong tỉnh An Giang đã tổ chức khởi công xây dựng nhiều căn nhà trao tặng cho bà con, giúp họ có căn nhà vững chãi để vui Xuân, đón Tết. Ông Ah Mah, ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú là một trong những hoàn cảnh khó khăn, vất vả, bôn ba khắp nơi, làm đủ mọi nghề để mưu sinh kiếm sống, nhưng chưa từng có một ngôi nhà thực sự. Ông đã được chính quyền địa phương và Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang, cùng với các mạnh thường quân phối hợp xây dựng một căn nhà Đại đoàn kết, trị giá 90 triệu đồng trong dịp cuối năm 2024. Căn nhà này là ước mơ của cả đời của ông Ah Mah, giờ đã trở thành hiện thực, ông phấn khởi nói: “Chính quyền địa phương rất quan tâm đến hộ gia đình nghèo và hỗ trợ cho tôi có được một căn nhà mơ ước để đón Tết. Tôi rất cảm ơn”.

Sức sống mới trên khu tái định cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thúy Hạnh
Ngoài hộ gia đình ông Ah Mah, có thêm 3 căn nhà được trao cho bà con nghèo gặp khó khăn tại xã Khánh Hòa. Mỗi khi có hộ dân nào gặp khó thì Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh lại phối hợp cùng chính quyền địa phương chăm lo vận động hỗ trợ cho người dân, nhất là hộ nghèo, hộ khó khăn, để giúp họ có thể an cư và tập trung thoát nghèo bền vững. Tết Nguyên đán tuy không phải là Tết của người Chăm, nhưng mỗi khi Tết đến, Xuân về, mai vàng khoe sắc thì ở các làng Chăm của tỉnh An Giang cũng rộn ràng không khí đón xuân sang với nhiều hoạt động thắm tình đoàn kết. Cụ thể, đầu năm 2025, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang hỗ trợ tỉnh An Giang 4 tỷ đồng để thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Chương trình bao gồm quà Tết, học bổng cho học sinh nghèo và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, gia đình khó khăn.
Mùa xuân mới đang hiện diện trên khắp dải đất hình chữ S. Sắc xuân tươi mới len lỏi đến từng ngôi nhà, góc phố, đường quê, được thể hiện qua khắp các nẻo đường cờ hoa rực rỡ, với những ngôi nhà mới khang trang đã cho thấy nhiều đổi thay. Trên các bản làng vùng cao, đâu đâu cũng thấy ngập tràn khí xuân. Sắc xuân làm ấm bản làng vùng dân tộc. Sắc xuân trên những bộ trang phục truyền thống và nụ cười e ấp trên khuôn mặt của những cô gái. Điều này càng khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội. Đây chính là động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở khắp mọi miền của Tổ quốc ngày càng tích cực thi đua, lao động sản xuất, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và cùng nhau đón một mùa xuân mới của dân tộc Việt Nam.