Sắc xanh quay lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch hôm qua (11/7), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa. Tuy nhiên, sắc xanh chiếm áp đảo trên bảng giá hầu hết các nhóm hàng kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,37% lên 2.268 điểm.

Đáng chú ý, thị trường kim loại chứng kiến giá bạc bật tăng hơn 2%, tiến gần mốc đỉnh 11 năm thiết lập hồi tháng 5. Sau phiên điều chỉnh giảm bất ngờ trong ngày giao dịch trước, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục neo ở vùng cao kỷ lục lịch sử.

Sắc xanh quay lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Sắc xanh quay lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Sau báo cáo lạm phát Mỹ, giá kim loại quý tăng mạnh

Khép lại ngày giao dịch 11/7, dù thị trường kim loại diễn biến trái chiều nhưng lực bán vẫn chiếm ưu thế. Đối với kim loại quý, sau khi liên tục biến động trong biên độ hẹp vào các phiên đầu tuần, giá bạc và giá bạch kim đã trải qua phiên giao dịch khởi sắc. Chốt ngày, giá bạc bật tăng hơn 2% lên 31,67 USD/oz, tiến gần mốc đỉnh 11 năm thiết lập hồi cuối tháng 5. Giá bạch kim cũng tăng 0,8% lên 1.014,4 USD/oz.

Thị trường hôm qua hướng chú ý đặc biệt đến báo cáo lạm phát của Mỹ. Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo và là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023. Đáng chú ý, chỉ số CPI tháng 6 giảm 0,1% so với tháng trước đó, trái ngược với dự báo tăng 0,1% của thị trường và đánh dấu lần giảm đầu tiên sau 4 năm. Loạt dữ liệu này đã xác nhận lạm phát tại Mỹ vẫn đang trên đà hạ nhiệt, qua đó giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến gần hơn đến kịch bản hạ lãi suất vào tháng 9 tới.

Những thông tin này ngay khi công bố đã khiến đồng USD đã lao dốc mạnh, kéo chỉ số đô la Mỹ chốt ngày giảm 0,58% xuống 104,4 điểm, mức thấp nhất hơn một tháng. Điều này đã tạo cơ hội tăng giá tốt cho kim loại quý, mặt hàng vốn nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ.

Giá cà phê về lại vùng cao lịch sử

Sau phiên điều chỉnh giảm bất ngờ, giá hai mặt hàng cà phê tăng trở lại, lần lượt 2,21% với Robusta và 0,53% với Arabica. Sự suy yếu của đồng USD và tình trạng ùn tắc tàu chở hàng đã tạo hỗ trợ kép đẩy giá cà phê tăng cao và tiếp tục neo ở vùng giá kỷ lục.

Sau báo cáo lạm phát của Mỹ ngày hôm qua, chỉ số đô la Mỹ giảm, kéo theo tỷ giá USD/BRL đánh mất gần 1%. Chênh lệch tỷ giá giữa đồng tiền của quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu số một thế giới bị thu hẹp. Điều này khả năng đã khiến nông dân Brazil hạn chế bán ra, nguồn cung thế giới eo hẹp hơn, từ đó hỗ trợ giá đi lên.

Thêm vào đó, báo cáo của Hiệp hội Những nhà xuất khẩu cà phê (CECAFE) và công ty khởi nghiệp ElloX Digital cho biết tháng 6, có khoảng 254 container, tương đương 62% tổng số tàu xuất khẩu cà phê đã bị trì hoãn hoặc thay đổi cảng tại Brazil. Đặc biệt, cảng Santos, nơi xuất khẩu cà phê chính của Brazil, có tới 118 container, chiếm 82% tổng số tàu đang bị ách tắc trong quá trình cập bến. Tàu cập bến chậm ảnh hưởng đến lượng hàng xuất khẩu của Brazil, khiến cho nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu.

Ngoài ra, CECAFE dự báo sản lượng cà phê tại Brazil vào năm 2024 có thể thấp hơn so với dự kiến do năng suất cây trồng giảm mạnh. Trong đó, sản lượng cà phê Robusta có thể thấp hơn khoảng 10%, cà phê Arabica có thể giảm khoảng 5%.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (12/7), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng đồng pha với giá thế giới, hiện dao động quanh 126.600 - 127.200 đồng/kg.

P.L

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/sac-xanh-quay-lai-thi-truong-hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-153466.html
Zalo