Sắc màu tết Bunpimay trên đất Việt: Hòa quyện hai nền văn hóa

Tết là lúc mọi người cùng nhìn lại năm cũ đã qua và hướng tới khởi đầu hạnh phúc. Không ngoại lệ, với người Lào, Tết Bunpimay cũng chính là dịp để cầu bình an, sung túc. Dù đi xa, cứ độ tháng Tư hàng năm, những người con 'xứ sở Triệu Voi' học tập tại Việt Nam vẫn tổ chức Tết cổ truyền như một cách để nhớ về nguồn cội, cũng như thắt chặt tình hữu nghị hai dân tộc Việt - Lào.

Tết Bunpimay, hay còn gọi là Tết Lào, diễn ra vào vào 13 - 16/4 dương lịch hàng năm, là một trong những lễ hội quan trọng bậc nhất trong văn hóa, phong tục tập quán Lào. Khác với Tết Nguyên đán tại Việt Nam, đây là Tết theo Phật lịch vì đạo Phật đã trở thành tôn giáo chính thức của quốc gia này. Tết Bunpimay có ý nghĩa mang lại sự phồn vinh, sung túc, mát mẻ, hạnh phúc và bình an cho mọi người.

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn là ngôi nhà thứ hai ấm áp của nhiều thế hệ người Lào. Việc tổ chức Tết Bunpimay tại Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa về mặt văn hóa, mà càng thêm tô thắm cho tình đoàn kết của hai dân tộc anh em.

Những nét riêng biệt của Tết Bunpimay trên đất Việt

Tuy có những điểm khác biệt nhằm phù hợp với điều kiện thực tế, Tết Bunpimay của người Lào ở Việt Nam vẫn giữ được những nét đặc sắc nhất của lễ hội này. Anh Phetthavy Pidchavong, cán bộ Sở Nội vụ tại tỉnh Phongsaly, CHDCND Lào, đồng thời là Trưởng đoàn lưu học sinh Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: “Tết Bunpimay ở Lào có nhiều hoạt động như tắm Phật, té nước, xây tháp cát, buộc chỉ cổ tay, đi chùa. Tuy nhiên ở Việt Nam, do điều kiện khách quan, các hoạt động chính của lễ Bunpimay bao gồm té nước, buộc chỉ cổ tay và dành cho nhau những lời chúc năm mới.”

Để trải nghiệm những điều mà anh Pidchavong đã đề cập, trưa ngày 14/4, tại sân Ký túc xá E4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhóm chúng tôi đã có cơ hội tham gia lễ Tết Bunpimay do đoàn sinh viên Lào tổ chức trong không khí vui tươi, đầm ấm. Buổi lễ bao gồm bữa ăn thân mật, hoạt động té nước cầu mong sự mát mẻ theo phong tục người Lào. Trong tiếng nhạc vang lên, toàn thể lưu học sinh Lào và giảng viên, sinh viên Việt Nam tham gia cùng nhau múa điệu Lamvong thể hiện sự đoàn kết và tình yêu thương.

Buổi lễ Bunpimay diễn ra trong không khí ấm áp, vui vẻ. Ảnh: Hoàng Anh

Buổi lễ Bunpimay diễn ra trong không khí ấm áp, vui vẻ. Ảnh: Hoàng Anh

Từ Bunpimay đến tình hữu nghị Việt - Lào: Sợi chỉ đỏ gắn kết tình anh em

Từ lâu, lịch sử đã khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào – hai quốc gia “tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” - là một minh chứng điển hình cho tình đoàn kết quốc tế chân thành, gắn bó. Vượt lên trên khuôn khổ của quan hệ láng giềng thông thường, mối quan hệ ấy đã trở thành một mô hình mẫu mực trong lịch sử quan hệ giữa các dân tộc.

Tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày nay tiếp tục được củng cố và phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là các hoạt động giao lưu văn hóa giàu ý nghĩa, tiêu biểu như lễ hội Tết cổ truyền Bunpimay của đất nước Lào anh em – đã được tổ chức ở nhiều nơi trên khắp dải đất hình chữ S. Dư âm để lại không chỉ là dịp để cộng đồng người Lào tại Việt Nam gìn giữ bản sắc văn hóa quê hương; mà hơn hết, là tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Lào – Việt đã phần nào được tô đậm thông qua sự kiện này.

Chúng tôi đã có một trải nghiệm đáng nhớ khi tham gia lễ hội Tết Bunpimay do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức dành cho các lưu học sinh Lào đang học tập tại trường. Sự kiện không chỉ tạo điều kiện để các bạn Lào sống lại những nét văn hóa truyền thống quê hương mà còn góp phần lan tỏa thông điệp về sự gắn bó, đoàn kết giữa hai quốc gia anh em.

PGS, TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khẳng định - Học viện luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho lưu học sinh Lào; đồng thời thầy nhấn mạnh ý nghĩa sâu sắc của Tết Bunpimay về cả văn hóa và quan hệ hợp tác của hai quốc gia.

PGS, TS. Lưu Văn Quảng phát biểu tại lễ Tết Bunpimay năm 2025 do HVBC&TT tổ chức. Ảnh: Linh Nhi

PGS, TS. Lưu Văn Quảng phát biểu tại lễ Tết Bunpimay năm 2025 do HVBC&TT tổ chức. Ảnh: Linh Nhi

Nét không khí đầm ấm, thân tình của một sự kiện giao lưu văn hóa mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt, với sắc màu rực rỡ của những vòng hoa tươi, những lá cờ truyền thống và tháp hoa được bài trí công phu. Đoàn sinh viên Lào đón tiếp những giảng viên, sinh viên tham gia với những khuôn mặt rạng rỡ cùng cử chỉ chắp tay với lời chào “Sabaidee” thật gần gũi và tình cảm.

Trong khuôn khổ lễ hội, các nghi thức truyền thống như buộc chỉ cổ tay, quàng khăn, đeo vòng hoa… đã được tổ chức trong bầu không khí ấm cúng. Đặc biệt, hình ảnh các lưu học sinh Lào kính cẩn quàng khăn, đeo vòng hoa cho các thầy cô và cán bộ Học viện đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho những người tham gia. Từng ánh mắt, cử chỉ đều toát lên vẻ chân thành của một người học trò dành cho người thầy, người cô của mình.

Lưu học sinh Lào đeo khăn và vòng hoa cho các thầy cô của Học viện. Ảnh: Linh Nhi

Lưu học sinh Lào đeo khăn và vòng hoa cho các thầy cô của Học viện. Ảnh: Linh Nhi

Dù đến từ hai quốc gia, mang hai nền văn hóa khác biệt, trong khoảnh khắc ấy, chúng tôi đều có cảm giác mọi ranh giới dường như tan biến, chỉ còn lại sự kết nối giữa những trái tim đồng điệu trong tình hữu nghị bền chặt. Giây phút ấy, chúng tôi tin rằng hai dân tộc đã thực sự hòa làm một.

Cô Trần Thị Hồng, cán bộ công tác tại Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khẳng định: “Việc tổ chức Tết Bunpimay không chỉ giúp lưu học sinh Lào thêm gắn bó với quê hương, mà còn là cầu nối giao lưu văn hóa ý nghĩa, góp phần củng cố tình hữu nghị Việt – Lào ngày càng sâu sắc.”

Những ngày Bunpimay trên mảnh đất hình chữ S - cầu nối hướng về quê hương cho những người con Lào xa xứ

Tết Bunpimay - lễ hội năm mới truyền thống của “đất nước Triệu Voi”, không chỉ là dịp để các bạn lưu học sinh Lào nhớ về quê hương, gia đình và những phong tục tập quán thiêng liêng, mà còn là cơ hội để họ chia sẻ những nét đẹp văn hóa độc đáo này với bạn bè Việt Nam và cộng đồng sở tại. Các hoạt động trong ngày lễ: té nước, buộc chỉ cổ tay, thưởng thức những món ăn truyền thống, v.v. tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc ngay giữa lòng thủ đô.

Sự kiện này chính là một minh chứng điển hình cho sự quan tâm của Việt Nam đối với sinh viên Lào. Trong đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi có bề dày truyền thống về đào tạo nguồn nhân lực báo chí cho nước bạn. Từ mái trường này, những năm 90 của thế kỷ trước đã có hàng trăm học viên Lào tốt nghiệp ngành báo chí, giờ đây đã trở thành trụ cột của nền báo chí của nước nhà. Có thể thấy rằng, tấm lòng mà Việt Nam hướng tới Lào đã có từ rất lâu và cũng trở thành kim chỉ nam trong các hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng như ở nhiều trường đại học khác trên khắp cả nước, các bạn sinh viên Lào luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ nhà trường, thầy cô và bạn bè Việt Nam. Việc tổ chức Tết Bunpimay chính là một ví dụ điển hình, cho thấy sự tôn trọng và tạo không gian để các bạn thể hiện bản sắc văn hóa của mình, đồng thời cảm nhận được sự ấm áp và thân thiện như ở chính quê hương.

Tết Bunpimay, qua lăng kính của những sinh viên Lào tại Việt Nam, không chỉ là một lễ hội truyền thống mà còn là sợi dây kết nối văn hóa, là biểu tượng của tình hữu nghị bền chặt. Trong bối cảnh chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Lương Cường tới Lào, hoạt động tổ chức Tết Bunpimay tại Việt Nam càng khẳng định thêm tầm quan trọng của việc giao lưu văn hóa trong việc củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia. Đây chính là những viên gạch vững chắc xây dựng nên một tương lai hợp tác và phát triển thịnh vượng cho cả Việt Nam và Lào.

Như dòng Mekong cuộn chảy hiền hòa, tình hữu nghị Việt - Lào cũng bền bỉ và sâu lắng, được bồi đắp qua bao thế hệ. Từ những trang sử hào hùng đến nhịp sống hiện đại, tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia ngọt bùi luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mối quan hệ keo sơn này. Dư âm Tết Bunpimay trên đất Việt để lại sẽ càng khẳng định thêm sự gắn bó sâu sắc, mở ra một tương lai tươi sáng, nơi tình đoàn kết của “đất nước Champa - đất nước Tiên Rồng” tiếp tục đơm hoa kết trái.

Tố Nga - Hoàng Anh - Linh Nhi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sac-mau-tet-bunpimay-tren-dat-viet-hoa-quyen-hai-nen-van-hoa-312311.html
Zalo