Sabeco, Habeco vượt khó
Cả 2 ông lớn sản xuất bia là Sabeco và Habeco đều ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý III. Riêng Habeco đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm sớm 1 quý.
Theo báo cáo tài chính quý III/2024, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.670 tỷ đồng trong quý gần nhất, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023.
Bất chấp việc giá vốn hàng bán tăng nhẹ, Sabeco vẫn báo lãi sau thuế hơn 1.161 tỷ đồng, tăng 8%.
Lãi tăng nhờ cắt giảm chi phí
Lý giải kết quả tích cực quý vừa qua, ông chủ thương hiệu bia Sài Gòn cho biết trong bối cảnh các đối thủ vẫn cạnh tranh gay gắt và Nghị định 100 tiếp tục được thực thi nghiêm ngặt, việc tăng giá sản phẩm và nền kinh tế nhìn chung đã cải thiện đóng góp đáng kể lên hoạt động kinh doanh của tổng công ty.
Bên cạnh đó, việc Sabeco tiết giảm hàng loạt chi phí cũng giúp giảm một phần tình trạng sụt giảm thu nhập từ lãi tiền gửi và lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết.
Thực tế cho thấy phần lãi từ nhóm công ty liên kết của sabeco đã giảm 34% trong quý vừa qua. Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng thu hẹp 34%.
Mặt khác, chi phí bán hàng và chi phí tài chính đều đã được tiết giảm lần lượt 22% và 36%. Duy nhất chi phí quản lý tăng 10%.
Trong cơ cấu chi phí của Sabeco, hoạt động phục vụ bán hàng tiêu tốn nhiều nguồn lực nhất, đặc biệt là các chi phí quảng cáo và khuyến mãi.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của "ông lớn" ngành bia này tăng 5% lên 22.940 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng tương ứng 7% đạt 3.288 tỷ đồng.
So với kế hoạch đề ra đầu năm là doanh thu thuần gần 34.400 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.580 tỷ đồng, Sabeco đã hoàn thành lần lượt 67% và 72% chỉ tiêu.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của Sabeco đã giảm hơn 5% xuống 32.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty này đang có hơn 22.400 tỷ đồng (tương đương 70% tổng tài sản) tiền gửi ngân hàng. Khoản tiền gửi khổng lồ này cũng đem về 780 tỷ đồng lãi tiền gửi sau 9 tháng cho Sabeco.
Mới đây, HĐQT Sabeco đã chốt ngày chào mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,2% vốn của CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây - Sabibeco (UPCoM: SBB) trong giai đoạn 31/10-25/12 nhằm mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Với giá mua 22.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 20% so với thị giá SBB, Sabeco dự kiến bỏ ra hơn 800 tỷ đồng cho thương vụ này. Nếu thành công, Sabeco sẽ trở thành công ty mẹ của Sabibeco, sở hữu trực tiếp 59,6% vốn.
Ngoài thương vụ thâu tóm Sabibeco, Sabeco cũng dự kiến mua thỏa thuận hơn 2 triệu cổ phiếu CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (UPCoM: WSB) nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 70,55% lên 84,46%.
Ông chủ bia Hà Nội cán đích sớm 1 quý
Một đối thủ của Sabeco là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (HoSE: BHN) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý vừa qua.
Quý III, doanh thu thuần của Habeco đạt 2.335 tỷ đồng, cũng tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của hãng lại tăng vọt 30% lên hơn 138 tỷ đồng, bất chấp doanh thu tài chính giảm 24% và phần lãi trong công ty liên kết giảm 48%.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Habeco đã cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp từ 26% lên 27,5%. Ngoài ra, các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp hay chi phí tài chính đều được kiểm soát theo hướng tiết giảm.
Tương tự Sabeco, ngân sách cho quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ cũng là chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động bán hàng của Habeco. Trong quý III, chủ thương hiệu bia Hà Nội đã chi ra gần 200 tỷ đồng cho hoạt động này.
Ban lãnh đạo Habeco cũng đánh giá tình hình tiêu thụ các sản phẩm đang dần cải thiện khi kinh tế trong nước ổn định hơn so với năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Habeco tăng 8% lên 5.948 tỷ đồng. Mặt khác, lãi sau thuế lại quay đầu giảm nhẹ 2% còn gần 273 tỷ đồng do tăng chi phí bán hàng.
Năm nay, Habeco đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh tương đối thận trọng với doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính dự kiến đạt 6.543 tỷ đồng và lãi sau thuế 202 tỷ đồng, đều thấp hơn kết quả thực hiện năm trước.
Như vậy, sau 3 quý hoạt động, nhà sản xuất bia lớn nhất thị trường phía Bắc đã hoàn thành 91% chỉ tiêu doanh thu và vượt mục tiêu lợi nhuận 35%.
Tính đến ngày 30/9, quy mô tài sản của Habeco đạt gần 7.500 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền gửi ngân hàng của hãng cũng tăng thêm 730 tỷ đồng so với đầu năm lên hơn 4.600 tỷ đồng.