Rút tiền tại cây ATM, bay sạch tài khoản vì dính chiêu lừa này
Các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đặc biệt là tình trạng đánh cắp dữ liệu thẻ ngân hàng qua máy ATM. Nếu không cẩn thận, bạn có thể trở thành nạn nhân và mất tiền ngay cả khi thẻ vẫn còn trong ví.
Skimming - Thủ đoạn cũ nhưng chưa lỗi thời
Skimming là phương thức đánh cắp thông tin thẻ ATM phổ biến nhất hiện nay. Kẻ gian gắn các thiết bị skimming vào khe đọc thẻ tại máy rút tiền tự động (ATM) hoặc các thiết bị thanh toán thẻ (như POS) để sao chép dữ liệu từ dải từ của thẻ. Đồng thời, chúng có thể lắp đặt camera siêu nhỏ hoặc bàn phím giả để ghi lại mã PIN của nạn nhân. Sau khi thu thập đủ thông tin, chúng tạo ra thẻ giả và dễ dàng rút tiền từ tài khoản của chủ thẻ.
Thực tế, nhiều vụ mất tiền qua ATM do skimming đã xảy ra trong thời gian gần đây. Một số khách hàng thức dậy và bàng hoàng nhận thấy tài khoản của mình bị trừ hàng chục triệu đồng dù không thực hiện giao dịch nào. Điều này thường xảy ra vào ban đêm hoặc cuối tuần, khi ngân hàng không hoạt động, khiến nạn nhân không thể xử lý kịp thời.

Skimming là phương thức đánh cắp thông tin thẻ ATM phổ biến nhất hiện nay. (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Chị Đ.A.T (Hà Nội) cho biết, khi chị bật điện thoại thì nhận được 4 tin nhắn về loạt giao dịch trên tài khoản thẻ ATM của Ngân hàng với tổng giá trị 9 triệu đồng. Linh tính mách bảo, chị lập tức kiểm tra lại thì thẻ vẫn còn trong ví. Vào thời điểm đó chị vừa ngủ dậy, không thực hiện bất cứ giao dịch nào, chị T đoán ngay đã bị kẻ gian lợi dụng đánh cắp tiền trong tài khoản. “Ngay lập tức tôi liền báo Ngân hàng khóa tài khoản và họ hẹn thứ hai đầu tuần lên làm việc để xử lý”, chị Đ.A.T nói.
Theo nhận định của các ngân hàng, bước đầu xác định nguyên nhân do ATM bị tội phạm tấn công skimming. Đây là hành vi tội phạm lắp đặt các thiết bị đánh cắp dữ liệu của chủ thẻ phía bên ngoài ATM tại các khu vực đầu đọc thẻ và xung quanh khu vực bàn phím ATM.

Kẻ gian gắn các thiết bị skimming vào khe đọc thẻ tại ATM hoặc POS để sao chép dữ liệu từ dải từ của thẻ. (Ảnh: VTV)
Trước đó, chị M.H cùng hơn 10 đồng nghiệp khác (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bị kẻ gian rút mất hàng chục triệu đồng vào ban đêm.
Nhận định về chiêu thức lừa đảo này, ông Triệu Mạnh Tùng, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công An cảnh báo: “Những trường hợp khách hàng mất thông tin về tài khoản, liên quan đến hoạt động chiếm đoạt tài sản gần đây xảy ra rất nhiều. Kẻ gian có thao tác khiến cho người bị hại thực hiện việc đăng nhập tên người dùng và mật khẩu, qua đó mất thông tin về tài khoản internet banking của mình, hơn nữa có nhiều đối tượng còn sử dụng nhiều phương pháp tinh vi hơn.”
Chiêu thức tinh vi của kẻ gian tại cây ATM
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội thẻ Việt Nam cho biết, khi cung cấp các dịch vụ và tiện ích ngân hàng, đại diện ngân hàng công nghệ, các ngân hàng luôn luôn phải tính đến những rủi ro có thể xảy ra đối với khách hàng và cả đối với ngân hàng.
“Các ngân hàng luôn luôn đầu tư các hệ thống, cũng như các biện pháp bảo mật tối đa để đảm bảo an toàn cho khách hàng và cho chính mỗi ngân hàng. Các rủi ro xảy ra trong thời gian vừa qua thường xuyên là rủi ro ngân hàng điện tử, thẻ ATM”, ông Tuấn nhận định.
Để bảo mật tài sản của mình, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên với những khách hàng đang sử dụng thẻ và tài khoản ngân hàng, đó là việc bảo mật mật khẩu. “Mật khẩu thẻ, tài khoản ngân hàng không thể chia sẻ với bất cứ ai. Nếu khách hàng chỉ có 1 tài khoản nhưng muốn nhiều người sử dụng, cần yêu cầu ngân hàng phát hành nhiều thẻ. Đặc biệt trên thẻ tín dụng, mặt sau có 3 số cuối nếu bị lộ kẻ xấu có thể dùng thông tin đi vào tất cả trang mạng lợi dụng lấy tiền và gây thiệt hại cho mình”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ.
Chi hội Thẻ Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) mới đây đã có văn bản gửi các ngân hàng thành viên đề nghị tăng cường an ninh, an toàn hoạt động ATM để đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt, đặc biệt trong các dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

Các ngân hàng cần tăng cường biện pháp bảo vệ ATM, ngăn chặn hành vi phá hoại và đánh cắp dữ liệu thẻ để đảm bảo an toàn cho khách hàng. (Ảnh: Hiệp hội ngân hàng Việt Nam).
Chi hội Thẻ Ngân hàng cho biết, thời gian vừa qua, một số ngân hàng hội viên bị đối tượng xấu đập phá máy ATM đế chiếm đoạt tiền hoặc dùng các thủ đoạn mới, phức tạp để lắp đặt thiết bị skimming ăn cắp dữ liệu thẻ giao dịch tại ATM nhằm làm thẻ giả rút tiền...
Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước về việc giới hạn và/hoặc yêu cầu các Ngân hàng từ chối các giao dịch được thực hiện sử dụng dữ liệu trên dải băng từ, không loại trừ các nhóm đối tượng này sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động rút tiền bằng các dữ liệu thẻ đã lấy cắp được trong suốt các khoảng thời gian trước đó.
Vì vậy, Chi Hội Thẻ đề nghị các ngân hàng hội viên thực hiện nghiêm túc đảm bảo hoạt động hệ thống ATM thông suốt. Đồng thời thực hiện rà soát hoạt động ATM tuân thủ quy định nội bộ của từng Ngân hàng và quy định, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo ATM hoạt động liên tục 24/7. Bố trí cán bộ trực sự cố, thường xuyên cập nhật thông tin ATM qua các công cụ giám sát nội bộ của từng Ngân hàng để xử lý sự cố, tiếp quỹ cho máy ATM đảm bảo ATM hoạt động liên tục, thông suốt, đáp ứng nhu cầu giao dịch của Khách hàng.
Bên cạnh đó, các Ngân hàng hội viên cần tăng cuờng cảnh giác với nguy cơ phá hoại ATM/ATM skimming đế chiếm đoạt tiền và ứng xử kịp thời với nhóm đối tượng phá hoại. Bởi mục tiêu nhắm tới của các đối tượng phá hoại là các ATM đặt tại các vị trí vắng người, ít phương tiện qua lại vào đêm tối, không có bảo vệ 24/7.
Chi hội Thẻ cho biết, các đối tượng thường dùng keo dán/băng dính để che camera không cho ghi lại hình ảnh và tiến hành đập phá thân máy hoặc dùng dụng cụ khò cửa trả tiền/két tiền của máy ATM nhằm phá hoại máy ATM và chiếm đoạt tiền ở trong máy và/hoặc lắp đặt thiết bị skimming ăn cắp dữ liệu thẻ giao dịch tại ATM để làm thẻ giả rút tiền tại chính địa bàn ăn cắp hoặc lân cận. Trường hợp đã ăn cắp được dữ liệu thẻ trước đó, đối tượng sử dụng hàng loạt thẻ đã được làm giả để rút tiền liên tục tại các ATM trên cùng một cung đường di chuyển.
Cụ thể, các Ngân hàng cần chủ động thực hiện truyền thông đa kênh đến Khách hàng của Ngân hàng các biện pháp đảm bảo an toàn khi giao dịch tại ATM để tăng cường nhận thức quản trị rủi ro chủ động của Khách hàng. Rà soát hiện trường toàn bộ các ATM thuộc quản lý của Ngân hàng, đảm bảo vị trí lắp đặt ATM được trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn an ninh, đặc biệt là camera (bao gồm cả đầu quét và bộ lưu trữ hình ảnh, báo động, báo cháy,...), điều chỉnh góc quay camera giám sát ATM, đảm bảo bao quát được các vị trí bao gồm khu vực đầu đọc thẻ, bàn phím nhập mã PIN làm cơ sở giám sát từ xa của ngân hàng đối với an ninh, an toàn của ATM.
Bố trí cán bộ trực, rà soát hình ảnh camera tại ATM đặc biệt đối với địa điểm đặt máy không có lực lượng bảo vệ để kịp thời phát hiện các trường họp nghi ngờ đối tượng lắp đặt thiết bị đánh cắp dữ liệu/sử dụng thẻ gian lận và/hoặc các trường hợp nghi ngờ/thực hiện phá hoại ATM. Tăng cường rà soát thực địa định kỳ toàn bộ ATM trong đó chú ý khu vực đầu đọc thẻ, bàn phím, thiết bị bảo vệ bàn phím (nếu có), vỏ ốp xung quanh màn hình ATM, camera ATM để kịp thời phát hiện thiết bị lạ được dán, ốp, kết nối bất thường với ATM và/hoặc các mũi khoan nhỏ đế lắp đặt thiết bị/camera siêu nhỏ...
Khi phát hiện ATM có dấu hiệu bất thường như có vết băng keo, thiết bị che bàn phím bị mất hoặc có dấu hiệu từng bị tháo ra lắp lại,... cần kiểm tra chéo, rà soát lại hình ảnh camera tại ATM để xác định dấu hiệu nghi ngờ skimming. Đặc biệt, các đối tượng có hành vi lạ, nghi ngờ thực hiện lắp thiết bị skimming như có thiết bị lạ, giao dịch bằng thẻ có màu sắc, logo, biểu tượng lạ,...
Chi Hội Thẻ - Hiệp hội Ngân hàng khuyến nghị các Ngân hàng hội viên tăng cường các biện pháp phòng, chống ATM skimming thông qua: (i) các giải pháp phần cứng - phối họp với đối tác cung cấp thiết bị, đối tác bảo trì, bảo dưỡng để lắp thiết bị phòng chống ATM; ưu tiên các địa bàn, khu vực đã được khuyến nghị có nguy cơ ATM skimming cao theo các kỳ họp thường kỳ của Tiểu ban Quản lý rủi ro; (ii) các giải pháp hạn chế/chặn giao dịch fallback theo các tiêu chí khung giờ, ngưỡng khẩu vị rủi ro, kênh giao dịch, v.v... để hạn chế tổn thất do ATM skimming nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả phục vụ Khách hàng.
Tội trộm cắp tài sản đối mặt mức phạt nào?
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, mục đích của việc lắp đặt thiết bị skimming để đánh cắp dữ liệu thẻ hoặc phá hủy máy là để chiếm đoạt tiền. Trong trường hợp này hành vi nêu trên là hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối
Hành vi trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản một cách trái pháp luật của người khác, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết.
Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự quy định về Tội trộm cắp tài sản thì người phạm tội sẽ chịu mức hình phạt bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến mức cao nhất là 15 năm. Tùy theo hành vi thực tế của người phạm tội, hậu quả hành vi phạm tội gây ra; các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì áp dụng khung hình phạt theo quy định pháp luật. Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 173 người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Tội trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng có thể chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng theo Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an ninh an toàn xã hội.
Công nghệ càng phát triển, thủ đoạn lừa đảo càng tinh vi. Để bảo vệ tài sản của mình, mỗi khách hàng cần nâng cao nhận thức, cẩn trọng hơn khi sử dụng thẻ ngân hàng, đặc biệt là khi giao dịch tại ATM. Một chút đề phòng có thể giúp bạn tránh khỏi những tổn thất đáng tiếc.