Rút ngắn thời gian ban hành Luật

Ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi đã thiết kế bảo đảm chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, đẩy nhanh tiến độ ban hành luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Sáng 19-2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4, Luật vừa được Quốc hội thông qua gồm chín chương và 72 điều, giảm 101 điều so với luật hiện hành.

Thông qua dự thảo Luật tại một kỳ họp

Một nội dung đáng chú ý, Luật quy định Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết tại một kỳ họp. Trường hợp dự thảo luật, nghị quyết chưa được thông qua, Quốc hội xem xét, quyết định lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại.

Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, hồ sơ dự án luật, nghị quyết và báo cáo thẩm tra phải được gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Theo luật hiện hành, Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại một hoặc hai kỳ họp Quốc hội; trường hợp dự án luật lớn, nhiều điều, khoản có tính chất phức tạp thì Quốc hội có thể xem xét, thông qua tại ba kỳ họp.

 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trước khi các đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo, báo cáo trước Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho hay có ý kiến đề nghị quy định dự án luật cần được xem xét, thông qua tại hai kỳ họp như quy định của Luật hiện hành.

Ý kiến này cho rằng không nên bó hẹp việc xem xét, thông qua tại một kỳ họp mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định căn cứ vào tính chất của từng dự án; bổ sung tiêu chí áp dụng đối với dự án thông qua theo quy trình một kỳ họp hay nhiều kỳ họp.

Nêu quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng quy trình lập pháp theo dự thảo Luật đã được thay đổi theo hướng cơ quan trình chủ động xây dựng, trình dự án ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Trường hợp sau khi xem xét, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng dự án luật đã được chuẩn bị kỹ, có chất lượng tốt, có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp Quốc hội thì mới sắp xếp đưa vào Chương trình kỳ họp.

“Trường hợp dự án còn nhiều vấn đề, chưa đạt yêu cầu để trình Quốc hội thông qua thì chưa đưa vào Chương trình kỳ họp để các cơ quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện” - ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Thanh Tùng, đối với dự thảo luật, nghị quyết dự kiến được thông qua tại một kỳ họp nhưng chưa được thông qua thì theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại.

Đánh giá dự thảo Luật đã thiết kế “bảo đảm chặt chẽ”, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc đổi mới theo hướng này nhằm bảo đảm chất lượng của việc soạn thảo các dự án trình Quốc hội. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, đẩy nhanh tiến độ ban hành luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Bổ sung quy định về tham vấn chính sách

Một nội dung đáng chú ý khác, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi quy định cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tổ chức hội nghị tham vấn Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với chính sách liên quan trực tiếp thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách trong quá trình xây dựng chính sách.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết tham vấn chính sách là quy định mới được bổ sung vào quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm bảo đảm chính sách của dự án được xây dựng có chất lượng, giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Việc này hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành, sớm đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

“Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, việc tổ chức thực hiện cần được quy định hợp lý để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan và không làm ảnh hưởng đến tính khách quan, độc lập của cơ quan thẩm tra” - ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng như trên; cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm mời các chủ thể, như đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, đại diện tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học… tham dự hội nghị tham vấn theo yêu cầu của cơ quan được tham vấn.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/rut-ngan-thoi-gian-ban-hanh-luat-post834967.html
Zalo