Rút kinh nghiệm từ bản án sơ thẩm bị hủy do vi phạm tố tụng, đánh giá chứng cứ
TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm trong vụ án 'Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất' tại tỉnh Q, do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ. VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm, yêu cầu VKSND các địa phương trong khu vực tăng cường công tác kiểm sát tương tự.
Sơ thẩm tuyên vượt yêu cầu, vi phạm nghiêm trọng tố tụng
Vụ án có nguồn gốc từ việc tặng cho đất trong nội bộ gia đình. Thửa đất số 273, tờ bản đồ số 6, diện tích 1.310m² tại xã G, huyện N, tỉnh Q ban đầu thuộc quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng ông Phạm Văn Đ, bà Hoàng Thị T, được UBND huyện N cấp Giấy chứng nhận ngày 18/3/1994. Sau đó, ông Đ, bà T lần lượt tặng cho các con, trong đó có ông Phạm Thanh T, bà Ngô Thị H – nguyên đơn trong vụ án – một phần diện tích gồm hai thửa, có tổng chiều dài tiếp giáp Quốc lộ 1A là 10,07m.
Ông T, bà H cho rằng thửa đất số 213 do ông Trần Tiến V, bà Lê Thị B đứng tên (được nhận chuyển nhượng từ ông Phạm Xuân P, bà Nguyễn Thị Y – cũng là người thân trong gia đình) đã lấn sang phần đất hợp pháp của mình. Họ khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận cấp cho ông V, bà B và đề nghị buộc bị đơn trả lại phần diện tích đất bị lấn chiếm khoảng 113m².

VKSND cấp cao tại Đà Nẵng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị chuyên đề nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về đất đai thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự (ảnh minh họa).
Tuy nhiên, TAND tỉnh Q tại Bản án sơ thẩm số 84/2024/DS-ST ngày 16/9/2024 đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Đáng chú ý, Tòa không chỉ tuyên giữ nguyên Giấy chứng nhận của bị đơn, mà còn tuyên hủy luôn Giấy CNQSDĐ mang tên nguyên đơn – ông T, bà H – do Sở TN&MT tỉnh Q cấp từ năm 2018. Đồng thời, Tòa còn buộc nguyên đơn tháo dỡ 8,96m hàng rào và trả lại 3,4m² đất cho bị đơn, dù nội dung này không hề có trong yêu cầu khởi kiện, bị đơn cũng không phản tố, và không có đương sự nào đưa ra yêu cầu độc lập.
Theo VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, đây là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tự định đoạt của đương sự được quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tòa án không được tự ý mở rộng phạm vi giải quyết vượt quá những gì các bên yêu cầu.
Chưa dừng lại ở đó, quá trình giải quyết vụ án, Tòa cấp sơ thẩm cũng không thực hiện ủy thác tư pháp để lấy lời khai đối với ông Phạm Xuân P, bà Nguyễn Thị Y – là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp trong vụ án, dù họ có địa chỉ rõ ràng trong hồ sơ. Việc bỏ sót lời khai của người có liên quan là vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 105 BLTTDS 2015.
Đối với Giấy CNQSDĐ cấp cho nguyên đơn, Tòa chỉ căn cứ vào một kết luận giám định chữ ký tại “Đơn đề nghị cấp đổi” không phải của ông Phạm Thanh T để tuyên hủy Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, không có đương sự nào yêu cầu hủy giấy này, hồ sơ cấp đổi còn nhiều yếu tố chưa làm rõ, và Sở TN&MT tỉnh Q cũng chưa có ý kiến chính thức về giá trị pháp lý của giấy này. Như vậy, việc Tòa sơ thẩm tuyên hủy giấy chứng nhận là chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng.
Đánh giá thiếu toàn diện về mốc giới và nguồn gốc đất
Vấn đề cốt lõi trong vụ án là tranh chấp về ranh giới đất giữa các thửa tách ra từ cùng một nguồn gốc. Từ phần đất ban đầu của ông Phạm Văn Đ, bà Hoàng Thị T, gia đình đã chia, tách thành nhiều thửa và tặng cho các con: ông Trần Văn P, ông Trần Tiến V, ông Phạm Xuân P và ông Phạm Thanh T. Trong đó, mỗi thửa đều có phần tiếp giáp với Quốc lộ 1A.
Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không đo đạc thực địa, không kiểm tra lại mốc giới gốc, không đối chiếu hồ sơ địa chính, dẫn đến không làm rõ được sự biến động về ranh giới và diện tích giữa các thửa đất. Sơ đồ hiện trạng kèm theo biên bản thẩm định tại chỗ cũng cho thấy, thông số các thửa đất không khớp với các Giấy CNQSDĐ đã cấp, nhưng Tòa lại không xác minh thêm để làm rõ nguyên nhân.

Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. (Ảnh minh họa).
VKSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận định, việc đánh giá chứng cứ không toàn diện, không khách quan trong hoàn cảnh nhiều thửa đất có nguồn gốc liên quan đến nhau, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định đúng quyền sử dụng đất của các đương sự. Chính vì vậy, tại phiên phúc thẩm ngày 20/02/2025, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và giao hồ sơ về TAND tỉnh Q để giải quyết lại vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Qua vụ án, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đánh giá, Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm chưa kịp thời phát hiện vi phạm của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Trong khi đó, tại cấp phúc thẩm, Kiểm sát viên của VKSND cấp cao đã chủ động nghiên cứu, phát hiện các sai sót nghiêm trọng, từ đó đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, được Tòa án chấp nhận.
Từ vụ án, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng yêu cầu VKSND các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên rút kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ án tương tự.