Rượu trôi nổi vẫn được bán trên thị trường

Sau khi 8 người uống rượu chứa methanol bị ngộ độc làm 2 người tử vong ở TP Hồ Chí Minh còn khiến dư luận chưa hết bàng hoàng thì mới đây lại xảy ra vụ việc tương tự tại tỉnh Bến Tre khiến 3 người thiệt mạng.

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh phía Nam gia tăng các vụ ngộ độc rượu có methanol làm nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch và tử vong. Tại phía Bắc, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai hầu như tuần nào cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu.

Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định điều trị trường hợp ngộ độc rượu. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định điều trị trường hợp ngộ độc rượu. Ảnh minh họa.

Hiện tình trạng kinh doanh rượu ngâm tại nhà hàng, quán ăn, quán cơm bình dân diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, nguồn gốc rượu thì khách hàng không biết. Tại nhiều quán tạp hóa nhỏ lẻ ở vùng ven, rượu trắng được đóng trong những can 10 lít, 20 lít, khách hàng mua lẻ rót ra chai nhỏ 0,5 lít, hoặc 1 lít, giá thành rẻ và hầu như không rõ nguồn gốc.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội: Rượu trôi nổi, không nguồn gốc thường bán ở các khu công nghiệp, vùng giáp ranh giữa nông thôn và thành thị, nơi có mật độ dân cư cao, nhiều công nhân, chủ yếu là người có thu nhập thấp tìm mua. Với người lao động không có tiền mua rượu có nguồn gốc rõ ràng, khi tìm tới các quán này, người ta thường không quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc của rượu. Trên thực tế, đã có nhiều người phải đánh đổi tính mạng khi uống loại rượu không rõ nguồn gốc này.

Trong 3 ngày giữa tháng 8, Đội QLTT số 1 ra quân kiểm tra 5 nhà hàng, thu giữ hơn 1.000 lít rượu trắng và rượu ngâm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại 3 nhà hàng ở quận Long Biên, khi lực lượng QLTT vào kiểm tra, phát hiện trong kho cất giữ nhiều can rượu 20 -30 lít không có nhãn mác. Có chủ nhà hàng bao biện rằng: "Đây là rượu do khách gửi, mỗi lần tới ăn nhậu khách lấy ra uống, còn mình chỉ bán bia và nước ngọt".

Chủ nhà hàng khác lại chống chế: "Đây là rượu không sử dụng nữa và cũng không bán, cất vào trong kho chờ xử lý". Thậm chí, có chủ cơ sở lại chống đối, ngăn cản không cho lực lượng vào kiểm tra. Các nhà hàng này không có giấy phép kinh doanh rượu, toàn bộ rượu thu được đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, nên khi bị kiểm tra, chủ cơ sở đều không hợp tác và chống đối.

Còn nhớ, năm 2017, tại huyện Phong Thổ, Lai Châu xảy ra vụ ngộ độc rượu làm 8 người tử vong, hơn 80 người phải nhập viện, nguyên nhân do uống phải rượu chứa methanol trong một đám ma. Ngay sau đó, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc cũng đã phát hiện nhiều trường hợp ngộ độc rượu chứa methanol, không ít người phải nhập viện, thậm chí tử vong. Thời điểm đó, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã ra quân tập trung kiểm tra gắt gao tình trạng kinh doanh rượu trên địa bàn và thu giữ rất nhiều rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Sau một thời gian làm mạnh, việc kinh doanh, buôn bán rượu trôi nổi, không nguồn gốc giảm hẳn, người dân cũng cảnh giác hơn khi đi ăn nhậu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng kinh doanh, mua bán rượu trôi nổi, rượu không rõ nguồn gốc lại xuất hiện rầm rộ, trong khi nhiều người dân còn chủ quan vẫn mua và uống phải rượu rởm, rước họa vào thân.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận 50 bệnh nhân có methanol trong người vào cấp cứu, trong đó 1/3 số bệnh nhân đó tử vong, còn lại hầu hết tổn thương não.

Gần đây nhất Trung tâm cấp cứu cho bệnh nhân gần 50 tuổi, vào nhập viện trong tình trạng hôn mê, tổn thương não rộng cả 2 bên, xét nghiệm có nồng độ methanol rất cao. Theo người nhà thì trước khi nhập viện, anh này uống rượu tại nhiều quán ở Hà Nội. Sau một thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân đã tiến triển hơn, nhưng não vẫn còn tổn thương, mắt mờ và chưa thể hồi phục.

Theo BS Nguyên, tất cả các ca ngộ độc methanol vào nhập viện đều trong tình trạng rất nặng vì bệnh nhân uống nhiều rượu rởm, lại đến viện muộn. Ngộ độc methanol dễ nhầm với bệnh khác như sốc, đột quỵ…, nhiều người tử vong do không có điều kiện chẩn đoán bệnh và không biết mình uống phải rượu rởm.

Trước những vụ ngộ độc methanol nghiêm trọng gây tử vong ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát rượu, bia trên địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh, mua bán, vận chuyển rượu bia nhập lậu, giả và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, muốn kinh doanh rượu tại chỗ phải có giấy phép kinh doanh, nhưng qua kiểm tra hầu hết các cơ sở đều không có. Đối với rượu thủ công đã có quy định cụ thể như phải sản xuất ra sao, kê khai thế nào? Nhưng qua thực tế kiểm tra rượu thủ công hầu như không có nhãn mác, không nguồn gốc và không chấp hành quy định nêu trên.

"Do các hộ kinh doanh nhỏ lẻ không thường xuyên nên không phải đăng ký kinh doanh, vì vậy cơ quan quản lý rất khó quản lý, nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương", ông Nghĩa nhấn mạnh. Trước mắt lực lượng này tập trung kiểm tra, xử lý rượu không có nguồn gốc, sau đó sàng lọc rượu nào nghi ngờ độc hại sẽ phối hợp với cơ quan y tế để xét nghiệm.

Để không còn những cái chết đáng tiếc do uống phải rượu rởm, ngoài việc người dân tuyệt đối không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải khởi tố, điều tra đối với chủ cơ sở kinh doanh rượu chứa methanol gây chết người để truy tìm tận gốc nơi sản xuất, người sản xuất, xử lý nghiêm minh để tạo tính răn đe.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/ruou-troi-noi-van-duoc-ban-tren-thi-truong-i664754/
Zalo