Rượu rắn, cao xương rắn có giúp cường dương, trị xương khớp?
Nhiều người mách nhau dùng rượu rắn, cao xương rắn không chỉ chữa xương khớp hiệu quả mà còn có thể nâng cao khả năng sinh lý. Tuy nhiên, cần dùng đúng để tránh gây hại.
Mỗi bộ phận một tác dụng
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, các bộ phận của rắn đều được sử dụng làm thuốc.
Nọc rắn giảm đau: Tây y dùng nọc rắn với liều lượng thích hợp dưới dạng thuốc bôi, xoa gây tê, giảm đau nhức, chống viêm trong các bệnh viêm dây thần kinh, sưng khớp, viêm cơ. Nọc rắn dùng sản xuất huyết thanh kháng độc khi bị rắn cắn. Nọc còn có tác dụng làm giảm tế bào ung thư và giảm đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Huyết rắn cường sinh lực: Người ta thường dùng huyết rắn pha rượu uống có tác dụng tăng cường sinh lực, bổ thận, làm mạnh gân cốt, chữa lưng đau, gối mỏi, sinh lý yếu….
Xương rắn trị phong thấp: Bài thuốc này thường được thực hiện bằng cách thịt rắn cả con đem chôn, sau 3 tháng lấy xương sống, rửa sạch sao vàng cho vào túi vải ngâm rượu, dùng để trị phong thấp. Cũng có thể ngâm chung xương rắn với một số vị thuốc khác.
Da rắn trị bệnh ngoài da, co giật: Da rắn lột được gọi là (xà thoái), thành phần hóa học chứa kẽm oxide, titan oxide. Xà thoái vị ngọt, mặn, tính bình, quy kinh can, tỳ tác dụng khu phong, chỉ kinh, tiêu sưng, sát trùng, lui màng mộng.
Người ta thường dùng da rắn điều trị các chứng co giật ở trẻ, phong ngứa ngoài da, mắt màng nội chướng, dùng ngoài (sao cháy) trị đinh nhọt, lở loét, trĩ rò, lở ngứa, ung sưng, loa lịch.
Sử dụng đúng để tránh tác hại
Lương y giỏi, thầy thuốc ưu tú Trần Văn Quảng, Hội Đông y Việt Nam cho biết, ông đã từng gặp một bệnh nhân do uống rượu ngũ xà (rượu được ngâm từ 5 con rắn) đã bị nhiễm độc, tế bào da bị phân hủy, mốc, rộp như da rắn.
Lương y Quảng phân tích, trong Đông y vẫn dùng rắn phối hợp với một số vị thuốc để điều trị bệnh. Chẳng hạn, đối với bệnh đau xương khớp, người ta thường ngâm toàn tính (ngâm cả con) hoặc phối hợp với một vài vị thuốc.
Công năng của rượu rắn là trừ phong tê thấp. Rượu rắn chủ yếu dùng để chữa chứng đau nhức xương cơ khớp (thấp khớp), bán thân bất toại, đổ mồ hôi chân tay. Còn được dùng cho người có tuổi, sức yếu, lao động nhiều gặp thời tiết thay đổi thì thấy đau mỏi cơ xương khớp.
Tuy nhiên, rượu rắn chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm đau, chứ không điều trị triệt để được bệnh. Đối với những người tạng nhiệt (trong người thường cảm thấy nóng) không nên dùng.
Để tăng thêm hiệu quả của rượu rắn, người ta thường cho thêm các vị thuốc như: Thiên niên kiện, cẩu tích, ngũ gia bì, hà thủ ô là các vị thuốc chữa đau lưng, tê thấp, nhức xương. Kê huyết đằng bổ máu, huyết giác làm cho thông máu, lưu thông máu. Trần bì, tiểu hồi tạo mùi thơm cho rượu và có tác dụng khai vị tiêu thực.
Trong các tài liệu không nói tới tác dụng "bổ thận tráng dương” của rượu rắn. Trên thực tế, những người trong độ tuổi sinh đẻ không nên uống rượu rắn, nếu lạm dụng còn làm giảm khả năng sinh lý, thậm chí mất khả năng sinh con.
Các chuyên gia khuyến cáo, tuyệt đối không nên coi rượu rắn là rượu bổ và không phải ai cũng dùng được loại rượu này.
Cần lưu ý phụ nữ có thai và trẻ em không được dùng rượu rắn.
Đặc biệt, đối với những người có bệnh nội khoa, nhất là các bệnh suy thận, tăng huyết áp, bệnh gan, tim mạch không nên sử dụng rượu và thịt rắn vì trong đó còn một hàm lượng độc tố nhỏ.