Rượu mới cho bình cũ?

Tình hình châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương sẽ là tâm điểm nghị sự tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La năm nay

Diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 22 năm nay được tổ chức từ ngày 30-5 đến 1-6 ở Singapore, với sự tham gia của đông đảo quan khách đến từ các quốc gia trong và ngoài khu vực Đông Nam Á.

Khách mời chính năm nay là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Qua đó có thể thấy tình hình châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương sẽ là tâm điểm trên chương trình nghị sự.

So với Đối thoại Shangri-La năm ngoái, tình hình năm nay có khác biệt. Chính trị, an ninh toàn cầu, kinh tế - thương mại thế giới và quan hệ quốc tế đã trở nên phức tạp hơn và tác động bất lợi hơn tới thế giới.

Xung đột ở Ukraine và Trung Đông vẫn chưa biết khi nào mới tới hồi kết. Cuộc đối đầu giữa phương Tây với liên thủ của Nga và Trung Quốc gia tăng chứ không giảm mức độ quyết liệt.

Chính quyền mới ở Mỹ với những quyết sách đã thực thi cho đến nay cùng những dự định trong thời gian tới làm rối loạn cả chính trị lẫn kinh tế và thương mại thế giới.

Bối cảnh mới như thế buộc Đối thoại Shangri-La năm nay phải dành ưu tiên đề cập và thảo luận những chủ đề mới.

Cụ thể ở đây là những nội dung như thế giới và châu Á - Thái Bình Dương đánh giá như thế nào về chính quyền mới ở Mỹ, đặc biệt về những ưu tiên địa chính trị của chính quyền này; thực trạng và triển vọng của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trên thế giới nói chung và đặc biệt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng. Đương nhiên ở đây không thể thiếu các vấn đề về an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống.

Một hội nghị an ninh hồi tháng 1-2025 tại Singapore nhằm chuẩn bị cho diễn đàn Đối thoại Shangri-La sắp tới. Ảnh: IISS.ORG

Một hội nghị an ninh hồi tháng 1-2025 tại Singapore nhằm chuẩn bị cho diễn đàn Đối thoại Shangri-La sắp tới. Ảnh: IISS.ORG

Những khía cạnh cụ thể của chủ đề an ninh sẽ được bàn thảo ở Đối thoại Shangri-La năm nay là xung đột khu vực và giữa một số quốc gia, an ninh và ổn định ở một số nơi, an ninh hàng hải mà trọng tâm vẫn là khu vực biển Đông và Ấn Độ Dương, an ninh kinh tế với yêu cầu cấp thiết là bảo đảm hoạt động bình thường của chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, an ninh trước hậu quả và tác động của biến đổi khí hậu, di cư và nhập cư...

Những cuộc trao đổi chắc chắn sẽ còn tập trung vào việc tìm kiếm những hình thức, khuôn khổ đối thoại mới về an ninh khu vực, về hợp tác quân sự và quốc phòng, về rủi ro hạt nhân ở châu Á - Thái Bình Dương, về cơ chế xử lý khủng hoảng khu vực...

Qua đó có thể thấy dù không thể kỳ vọng có được sự đồng thuận quan điểm sâu rộng giữa các bên tham dự diễn đàn về những chủ đề bàn thảo, Đối thoại Shangri-La năm nay vẫn có thể rất hữu ích và đáng được coi trọng.

Đối với châu Á - Thái Bình Dương, Đối thoại Shangri-La hằng năm là diễn đàn thích hợp nhất và độc đáo nhất cho giới chức chính phủ các quốc gia, chính trị gia trong cũng như ngoài khu vực, các chuyên gia trên thế giới về an ninh, giới kinh tế trao đổi về những thách thức và đe dọa an ninh đối với khu vực và thế giới, cùng nhau tìm kiếm những cách tiếp cận mới và ý tưởng mới nhằm ứng phó và vượt qua những thách thức này.

Đối thoại Shangri-La cho đến nay đã trở thành thương hiệu với ảnh hưởng không nhỏ. Dù vậy, điểm yếu nhất của nó là tác động vẫn bị bó hẹp ở một sự kiện riêng lẻ, không có những triển khai tiếp nối, vì thế nhanh chóng bị quên lãng để rồi sang năm đến hẹn lại lên.

NGẢI SA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ruou-moi-cho-binh-cu-196250524214221234.htm
Zalo