Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay

Câu thành ngữ trên ý nói rằng, có của trong nhà mà ăn không ngồi rồi, không có việc làm thì rồi cũng hết, có một nghề giỏi trong tay thì suốt đời không lo bị đói.

Các học viên lớp kỹ thuật chế biến món ăn nhận chứng chỉ học nghề sau 3 tháng học tập. Ảnh: CTV

Các học viên lớp kỹ thuật chế biến món ăn nhận chứng chỉ học nghề sau 3 tháng học tập. Ảnh: CTV

Trước thực trạng nhiều lao động không có việc làm hoặc bị mất việc làm do không có tay nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đã và đang mở các lớp dạy nghề, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm… nhằm giúp họ tìm được việc làm phù hợp, nhanh chóng trở lại thị trường lao động, ổn định và cải thiện cuộc sống.

Trao cần câu hơn cho con cá

Trước đây, chị Nguyễn Thị Hường (xã An Lĩnh, huyện Tuy An) làm công nhân may ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ việc về quê, chị mở quán cà phê tại nhà dù chưa từng học qua trường lớp nào về công thức pha chế đồ uống. Mới đây, Trung tâm DVVL tỉnh phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuy An mở lớp dạy nghề pha chế đồ uống cho lao động thất nghiệp trên địa bàn huyện, chị Hường tranh thủ thời gian đến học để nâng cao tay nghề.

“Lâu nay, tôi pha chế đồ uống theo khẩu vị cá nhân. Mặc dù cũng có người khen, nhưng hiệu quả kinh doanh chưa cao, lượng khách của quán không đông. Tham gia lớp học nghề, tôi được thực hành trực tiếp với giáo viên giàu kinh nghiệm nên tay nghề nâng lên, tự tin hơn trong pha chế. Thước đo đó chính là khách đến quán của tôi đông hơn trước”, chị Hường cho biết.

Chị Lê Thị Hảnh ở thị trấn Chí Thạnh cũng tham gia lớp pha chế đồ uống trên, chia sẻ: Ở nhà mình pha chế theo cách của mình, còn tham gia lớp học nghề, có giáo viên hướng dẫn pha chế đúng cách. Ví dụ, ở nhà pha cà phê, tôi không ngâm ly. Còn theo các giáo viên hướng dẫn, các dụng cụ pha chế phải tiệt trùng bằng nước sôi, đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ… Có tham gia lớp học mới thấy mình cần phải học hỏi thêm để nâng cao tay nghề. Mở quán nước để bán hay tự pha chế thức uống cho gia đình cũng ngon hơn lúc trước nhiều.

Theo chị Đào Thị Ngọc Hải, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tuy An, tâm lý của lao động địa phương là khi cần việc họ mới thấy các lớp nghề hữu ích và tham gia. Chính vì thế, khi mở các lớp nghề, đơn vị tìm hiểu kỹ và dựa trên nhu cầu học nghề của người lao động (NLĐ). Với chứng chỉ nghề nhận được sau 3 tháng đào tạo, học viên dễ tìm kiếm việc làm hơn.

Ông Nguyễn Thanh Kim, Phó Chủ tịch UBND xã An Lĩnh, cho rằng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn cần gắn với cơ hội việc làm sau khi được đào tạo. Thời gian qua, Trung tâm DVVL tỉnh đã triển khai các phiên giao dịch việc làm, mở lớp dạy nghề… giúp NLĐ địa phương tiếp cận được cơ hội tìm kiếm việc làm nhiều hơn. Địa phương cũng đã chú trọng công tác tư vấn, giới thiệu việc làm để NLĐ sau đào tạo có điều kiện gia nhập thị trường lao động.

Tại TP Tuy Hòa, Trung tâm DVVL tỉnh cũng vừa bế giảng lớp kỹ thuật chế biến món ăn cho NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hưởng (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa), sau 3 tháng tham gia lớp học chia sẻ: Tôi may mắn được giới thiệu tham gia lớp kỹ thuật chế biến món ăn này. Kết thúc lớp học, tôi sẽ về mở quán bán đồ ăn sáng ở quê trước, sau đó có thể tham gia một số hội nhóm để làm dịch vụ nấu đám tiệc…

Tăng cường tư vấn, hỗ trợ việc làm

Bà Nguyễn Thị Lam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: Các lớp học nghề được mở nhằm giúp NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có một nghề mới theo nhu cầu và phù hợp với thị trường lao động. Các học viên được giảng viên giàu kinh nghiệm hướng dẫn kỹ thuật và quy trình, phương pháp chế biến, trình bày, trang trí món ăn, đồ uống. Đồng thời được trang bị kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong thực hiện các yếu tố đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động trong các bếp ăn của các cơ sở ăn uống, kinh doanh giải khát, nhà hàng cũng như phương thức xây dựng thực đơn, kỹ thuật phục vụ bàn ăn, bàn giải khát…

Từ kiến thức, kỹ năng, chứng chỉ nghề được trang bị, người học có thể tạo cho mình một công việc mới, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Học viên là con em hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình bị thu hồi đất để thực hiện các dự án tại địa phương khi tham gia lớp học này còn được hỗ trợ 30.000 đồng/ngày.

“Để hỗ trợ kịp thời cho NLĐ, trong thời gian tới, trung tâm đẩy mạnh hoạt động tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm với đa dạng phương thức, giúp NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm tìm được việc làm mới, tái hòa nhập thị trường lao động. Trong đó chú trọng tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, kết hợp với tư vấn và kết nối việc làm…”, bà Phương cho biết thêm.

Tham gia lớp học nghề pha chế đồ uống, tôi được thực hành trực tiếp với giáo viên giàu kinh nghiệm nên tay nghề nâng lên, tự tin hơn trong pha chế. Thước đo đó chính là khách đến quán cà phê của tôi đông hơn trước.

Chị Nguyễn Thị Hường (xã An Lĩnh, huyện Tuy An)

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/321669/ruong-be-be-khong-bang-nghe-trong-tay.html
Zalo