Ruộm vàng mai, cúc - Mơ màng đào phai...
Những ngày cuối năm rộn ràng tất bật, những phố hoa rực rỡ muôn màu nhắc nhở mọi người dù là người thờ ơ nhất, mùa xuân đã về. Mùa hoa tết một nắng hai sương của những người trồng hoa tần tảo, đem đến cho mọi người một khoảng lặng để nghe lòng xao xuyến trước thềm năm mới, để có một phút riêng tư ngắm những cánh hoa rơi vương vấn hiên nhà thơm nắng đợi xuân.
Hoa trên phố đã trở thành một phần của tết, là nỗi nhớ về tết của người Việt Nam như nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã viết: “Ôi nhớ chiều 30 tết, đi giữa đào hoa tươi thắm, đường phố đông vui, chờ đón tân niên….”.
Từ ngày vạn thọ rời quê xuống phố, người thành thị giữa chộn rộn bất chợt nhận ra xuân đã về theo sắc hoa vàng như nắng. Trên con đường hằng ngày tôi đi qua, ngay trong lòng phố có khu vườn rộng hút tầm mắt, mỗi độ cuối năm lại thấy xuất hiện tấm thảm màu rực rỡ kết từ hàng chục nghìn chậu hoa. Nhà vườn thuê đất trồng các giống hoa ngắn ngày để bán tết và nơi đây trở thành điểm check-in cho giới trẻ bởi bạt ngàn hoa.
Giữa bức tranh ghép đầy màu sắc, nhiều nhất vẫn là mảng vàng, cam của cúc kim, cúc nhám và vạn thọ. Không biết đã bao chiều cuối năm, mẹ con tôi len giữa vườn hoa, tỉ mẩn chọn từng chậu cúc vàng trong ánh trời chiều chênh chếch và những cơn gió lạnh mơ màng. Người ra vào tấp nập, mỗi người mua dăm chậu, cũng có người mua vài chục chậu “để sắp kín trong sân nhà, ngoài ngõ cho vui mắt ba bữa tết”.
Người Tuy Hòa cũng hay chơi cúc đại đóa, là giống cúc nhập từ TP Đà Lạt về. Từ rằm tháng tám, nhà vườn vào vụ cúc tết, đến tháng 10, tháng 11 âm lịch, các khu vườn trồng cúc đại đóa ở ngoại ô thành phố rực ánh đèn thâu đêm hệt như vườn thanh long chong đèn ở Bình Thuận. Cúc đại đóa có nhiều màu nhưng chuộng nhất là cúc vàng. Nhà vườn chỉ dưỡng cành lớn, đầu cành là 1 bông hoa to bằng miệng chén, vàng mơ kiêu hãnh.
Chậu cúc đại đóa đẹp phải đạt các tiêu chuẩn tán tròn, cành khỏe, bộ lá xanh mượt và tất nhiên là hoa nở đều. Người ta cho rằng cúc đại đóa tượng trưng cho sự cao sang, sung túc, sum vầy và trường thọ, vì thế nhiều gia đình và các doanh nghiệp thường chưng cúc đại đóa trước nhà vào dịp tết. Ngày ngoại còn sống, tết năm nào chúng tôi cũng tặng ngoại chậu cúc thật đẹp.
Họ hàng, người thân đến chúc tết trầm trồ chậu cúc to, đẹp là ngoại cười vui và không quên khoe lũ con cháu hiếu thảo. Ngoại ra đi vào một sáng 30 tết, chúng tôi vẫn giữ nếp cũ mang chậu cúc đại đóa đặt trước bàn thờ. Mãn tang ngoại, tết năm đó dì Út thay cúc bằng chậu quất lúc lỉu trái ửng vàng ngon mắt.
Dân từ miền Trung trở vào Nam, ngày tết phải có mai vàng. Cùng mang màu nắng như cúc đại đóa, hoa mai vàng cũng tượng trưng cho sự quyền quý, sang trọng, may mắn. Đặc biệt, trước khi đâm chồi ra hoa, cây mai trút hết lá chỉ còn cành trơ trụi, khẳng khiu. Hình ảnh xương mai gầy gò, nâu mốc một ngày chợt đâm chồi, bung nụ mạnh mẽ, nhuộm vàng góc sân nhà trong ký ức tuổi thơ bao thế hệ, đã thành biểu tượng của đức hy sinh, ý chí kiên cường mạnh mẽ và sức sống mãnh liệt.
Mai vàng có nhiều loài: Mai tố tâm, mai vuốt hổ, mai đàn hương, mai chuông vàng... Đất láng giềng Bình Định nổi tiếng với giống mai vàng 5 cánh và phong cách tạo dáng cây rất riêng. Còn gần gũi với người dân Phú Yên từ xưa vẫn là cây mai tứ quý trồng trước sân nhà, dù những năm gần đây làng hoa cây cảnh ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa chuyên xuất loại mai vàng 1-2 năm tuổi đi khắp cả nước.
Lại nhớ chuyện hồi tôi còn nhỏ nhà trồng nhiều mai rừng, chỉ có 1 cây mai tứ quý của ông bà nội. Từ khi nghỉ dạy ba dành cả thời gian cho vườn cây, ba khéo tay nên tạo dáng mai rất đẹp, từ cây bonsai nhỏ xíu đến gốc mai bằng bắp chân. Cũng có người tìm tới hỏi mua, thỉnh thoảng ba bán 1 cây và mua lại mai rừng người ta mới đào mang về dưỡng, gom hơn hai chục gốc trồng ở vạt đất trước sân.
Mỗi ngày ba tưới 2 lần nước và phun xịt các loại kích rễ, những lúc đó má lại càu nhàu, than thở bởi mấy gốc cây vô tri tốn quá nhiều tiền và công sức. Vài tháng sau, đám mai chết sạch vì úng nước, duy nhất cây mai dáng thác đổ nằm khuất ở góc vườn còn sống. Má kêu trời. Tết năm đó nhà tôi nấu bánh tét không cần mua củi!
Với người miền Bắc, ngày tết không thể thiếu hoa đào. Hà Nội có vùng đào Nhật Tân nổi tiếng, nhộn nhịp bán mua suốt từ đầu tháng Chạp. Đào bích, đào phai, đào bạch, đào rừng… đều có thể cắm cành hay chơi cây nguyên chậu. Cây đào thường có dáng thông và phổ biến nhất là dáng tán tròn; cành đào thì có thêm kiểu dáng huyền. Những ngày xuân, trên bàn thờ gia tiên có cành đào dăm nhỏ xinh, như lời mời thành kính đón ông bà về ăn tết với con cháu.
Cũng giống mai vàng, hoa đào được người dân yêu thích bởi sắc hồng tươi thắm cùng lộc non mơn mởn căng tràn nhựa sống và ra hoa vào mùa xuân. Mười mấy năm trước, lần đầu tiên tôi được tặng 1 cây đào chở từ Hà Nội vào.
Tết năm đó, khắp sân nhà và cả trước cổng luôn ruộm vàng mai, cúc, trong nhà lả tả cánh đào phai mơ màng; rồi lan hồ điệp, đỗ quyên, lay ơn đua sắc. Mới biết sơ cái thú chăm hoa kỳ công mà tao nhã dường nào. Hết Giêng hoa cũng tàn, trên những cành mai, cành đào mơn mởn lộc xanh, chỉ mấy giò lan hồ điệp vẫn vươn cành đài các.
Từ đó và thành thông lệ về sau, tết nào nhà cũng đủ các loại hoa mai, cúc, lan, đào, đỗ quyên và vạn thọ. Đêm 30 tết, hai mẹ con mới tìm được cành đào phai ưng ý với giá rẻ bất ngờ. Chiếc bình gốm mộc dáng chum bạn mới gửi tặng vừa vặn với cành đào huyền, thêm bộ đồ trà bằng gốm Bát Tràng men lam và mấy tờ báo tết, tạo nên góc xuân rất đỗi Hà Nội ngay trong nhà.
Chiều cuối năm, những cánh đào phai chấp chới trong gió xuân như muốn dặm thêm vào lòng người nỗi buồn nhớ xa xăm thật đẹp. Chợt nhớ mấy dòng tâm sự man mác của Nguyễn Bính:
Hôm nay là xuân, mai còn xuân;
Một cánh đào rơi nhớ cố nhân.
Cung nữ như hoa vườn Thượng uyển.
Ai về Chiêm Quốc với Huyền Trân?
(Nhạc xuân - Khai bút năm Canh Thìn 1940).
Giữa giục giã của mùa xuân, người vẫn có phút tĩnh lặng trước hoa và nhớ!