Runner Đào Thu Hiền: 'Nhiều người sẽ tìm đến Phú Yên nhờ hiệu ứng tuyệt vời của Tiền Phong Marathon'
Biết đến giải Vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần đầu tiên kể từ năm 2021 tại Gia Lai, Tiền Phong Marathon đã ở danh sách 'phải đi' trong lịch công tác tháng 3 hàng năm của chị Đào Thu Hiền, Giám đốc điều hành Ban Mai School (BMS).
Điều thú vị, ngay ở lần đầu tiên thi đấu đầy bỡ ngỡ, chị Đào Thu Hiền đã giành hạng 3 nhóm tuổi cự ly 21km và tại Phú Yên, chị tiếp tục giành HCĐ nhóm tuổi cự ly 21km trên đường đua khắc nghiệt. Trót “phải lòng” Tiền Phong Marathon, chị Hiền quyết định đồng hành cùng giải khi đại diện BMS tài trợ giải đấu lâu đời nhất Việt Nam mùa giải thứ 65 này.
Lý do gì khiến chị đăng ký tham dự Tiền Phong Marathon đủ các mùa từ Gia Lai 2021 đến nay?
Tôi biết tới Tiền Phong Marathon lần đầu năm 2021 qua HLV của tôi (và cũng là 1 trong 3 BLV của giải chạy - PV). Khi đó tôi đã bắt đầu luyện tập thường xuyên và có mục tiêu cho bản thân. Tôi đăng ký giải Tiền Phong Marathon lần thứ 62 tại Pleiku để "trả bài" cho cự ly bán marathon và cũng muốn trải nghiệm giải Vô địch quốc gia uy tín mà tôi đã rất tò mò, hứng thú khi được nghe về lịch sử giàu truyền thống của giải. Việc giải chạy được chuyển địa điểm hàng năm và phối hợp để quảng bá thúc đẩy du lịch cho các địa phương trên cả nước mang nhiều ý nghĩa. Cá nhân tôi muốn đóng góp và ủng hộ việc đó.
Bí quyết nào để chị giành HCĐ nhóm tuổi ngay trong lần đầu dự Tiền Phong Marathon tại Gia Lai dù chị mới tập chạy?
Từ ngày đầu quyết định luyện tập chạy bộ, tôi luôn tập với HLV và đặt mục tiêu cho cự ly của mình để cải thiện năng lực của bản thân. Pleiku là lần đầu tôi tham gia 1 giải đấu chính thức và cũng chưa có nhiều thông tin về cộng đồng chạy phong trào. Vì vậy, mục tiêu của tôi chỉ là cải thiện thành tích cá nhân. Giành huy chương nhóm tuổi ở giải Vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong là một vinh dự mà tôi cảm thấy đã may mắn đạt được. Tôi chưa dám nói mình có bí quyết gì đặc biệt, vì cho tới nay tôi vẫn chỉ coi mình là một học trò đang luyện tập và "sự nghiệp chạy" của tôi mới chỉ đang bắt đầu.
Trong những mùa giải vừa qua, mùa giải nào ấn tượng nhất đối với chị?
Phải nói là mùa giải nào cũng thú vị vì các địa danh trong 4 năm qua đều là nơi mới mẻ đối với tôi. Vì vậy mà trong tôi kỷ niệm về Tiền Phong Marathon là cảm giác phấn chấn của một vận động viên được khám phá một đích đến mới trên đất nước Việt Nam để rồi được ngỡ ngàng, bất ngờ vì vẻ đẹp thiên nhiên và sự thân thiện của con người ở đó. Bạn có thể nghĩ tôi nói hơi quá hay hơi lịch sự, nhưng không, đây là cảm xúc thực và hoàn toàn chân thành mỗi lần tôi tham gia Tiền Phong Marathon. Nhờ có Tiền Phong Marathon, tôi biết nhiều hơn, thêm trân trọng và tự hào về đất nước của mình.
Tại sao chị cũng như BMS quyết định tài trợ đồng hành Tiền Phong Marathon năm nay?
Năm nay, Ban Mai School (BMS) rất vinh dự là nhà tài trợ cho Giải Vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65. Với định hướng giáo dục phát triển toàn diện, trong 2 năm gần đây BMS đẩy mạnh năng lực thể chất của học sinh qua các giờ học chính khóa và ngoại khóa, các cuộc thi và sân chơi thể thao. Nhân dịp này, BMS cũng tổ chức một giải chạy trực tuyến cho học sinh, giáo viên, nhân viên và cộng đồng yêu chạy bộ, có tên "Bước chân tiên phong" trên nền tảng Vrun.vn. Với sự đồng hành và sự cộng hưởng từ Tiền Phong Marathon, giải chạy đã thu hút gần 2.000 người tham gia đến từ 52 tỉnh thành và hơn 70 đội nhóm.
Nhà trường đã đón nhận thử thách này như thế nào?
Rất hào hứng và nghiêm túc, quyết tâm giành giải thưởng. BMS đã ấp ủ ý tưởng từ 2 năm nay, nên chúng tôi rất trân trọng cơ hội hợp tác với Tiền Phong Marathon vào dịp này để cho ra đời "Bước chân tiên phong". Điều làm giải thành công là đã kêu gọi được đa dạng thành phần tham gia, từ những em học sinh nhỏ tuổi đăng ký cùng bố mẹ tới học sinh lớn hơn chưa bao giờ chạy bộ, tới những thầy cô và cha mẹ lần đầu đi mua đôi giày chạy bộ… và cả những vận động viên phong trào gạo cội chạy 400-500km/tháng trong cộng đồng cả nước.
Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong có ý nghĩa như thế nào đối với thế hệ trẻ từ góc nhìn của những người làm giáo dục?
Phong trào chạy bộ ở Việt Nam đã lan tỏa rất mạnh trong những năm gần đây nhờ hiệu ứng to lớn của giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong từ năm 2017. Tôi rất vui khi thấy rằng ngoài bóng đá ra chúng ta có thể đang có một môn thể thao "quốc dân" mà ai cũng có thể tham gia, bất kể giàu nghèo, già trẻ, nam nữ… Chạy bộ không đòi hỏi gì nhiều ở người tập, ngoài nỗ lực xỏ giày ra đường và kỷ luật tập luyện thường xuyên. Đổi lại, nó mang lại nhiều lợi ích về thể chất, tinh thần và kỹ năng. Nhìn từ khía cạnh người làm giáo dục, chạy bộ còn là một môn thử thách và rèn luyện các bạn trẻ vô cùng tốt vì nó đòi hỏi sự kiên trì, sự bền bỉ và tính kỷ luật.
Chị đã chạy giải New York City Marathon 2023, 1 trong 6 giải marathon lớn nhất và có số VĐV lớn nhất thế giới với hơn 50.000 người tham dự. Chị thấy New York City Marathon và Tiền Phong Marathon có điểm chung nào không?
New York City Marathon và Tiền Phong Marathon có một vài điểm chung thú vị. Cả hai đều là giải lớn và có bề dày lịch sử của quốc gia, là những sự kiện lớn không chỉ về thể thao mà còn ý nghĩa văn hóa, du lịch, và thu hút một cộng đồng chạy bộ rất đa dạng từ mọi miền của quốc gia. New York City Marathon và Tiền Phong Marathon đều thử thách VĐV bằng những con dốc "đặc sản" làm cho việc đạt kỷ lục cá nhân đòi hỏi rất nhiều nỗ lực! Với những giải lớn như New York City Marathon và Tiền Phong Marathon, tôi nghĩ rằng trải nghiệm của VĐV được đưa thành một mục tiêu của giải và điều này thể hiện ở mọi công tác tổ chức từ khi bạn ấn nút đăng ký cho tới khi bạn về tới nhà. Người vận hành giải đặt mình vào chân của người chạy khi họ đưa ra mọi quyết định. Với gần 12.000 người tham gia Tiền Phong Marathon năm nay, tôi vẫn cảm thấy mình được trân trọng và chăm sóc, tới mức tôi không có gì để phàn nàn.
Chị đã có cơ hội đến nhiều nơi trên thế giới, vậy chị từng đến Phú Yên chưa, cảm nhận ban đầu của chị với vùng đất này như thế nào?
Đây là lần đầu tôi được tới Phú Yên. Ngay khi bước ra khỏi sân bay, tôi cảm nhận nơi đây có một lịch sử lâu đời và rất Việt Nam. Tôi đã từng nhìn thấy hình ảnh từ vùng biển Tuy Hòa và thực sự ấn tượng về vẻ đẹp thiên nhiên. Lần này được nhìn tận mắt, được nói chuyện với người dân ở đây, tôi cảm thấy rất vui.
Năm nay, chị tiếp tục giành HCĐ nhóm tuổi cự ly 21km và lập kỷ lục cá nhân ngoài dự kiến. Tiền Phong Marathon - Phú Yên còn điều gì khiến chị bất ngờ nữa?
Chắc hẳn gần 12.000 VĐV cũng như tôi đều quá đỗi bất ngờ về Phú Yên. Chúng tôi thực sự chỉ biết “wow” ồ lên hài lòng. Tiền Phong Marathon đã vượt lên trên khuôn khổ của một sự kiện thể thao đơn thuần, mang đến những bài học lịch sử, văn hóa và cả giá trị kinh tế to lớn đối với địa phương đăng cai. Lễ thượng cờ ở Mũi Điện với chủ đề “Tổ quốc trong lòng Tổ quốc” rất trang nghiêm và ý nghĩa, khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào chủ quyền độc lập đối với mỗi người con đất Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tôi đã thấy hình ảnh lễ thượng cờ được “viral” chia sẻ khắp nơi một cách tự nhiên. Tình yêu Tổ quốc được khơi dậy, hun đúc từ những điều đơn giản.
Người dân Phú Yên vô cùng thân thiện, mến khách. Họ đã gác lại công việc, dậy sớm ra đường để giúp đỡ và cổ vũ chúng tôi trên đường đua. Đường phố an toàn, sạch đẹp. Hàng quán phục vụ các VĐV với chi phí hợp lý. Tôi chắc chắn rằng sau giải Tiền Phong Marathon, bạn bè của tôi và nhiều người khác nữa sẽ tìm đến Phú Yên nhờ hiệu ứng tuyệt vời của Tiền Phong Marathon.
Ngoài ra, điều bất ngờ của năm nay là chất lượng của công tác tổ chức vì với số lượng VĐV gần 12.000 và đi kèm là gia đình, bạn bè cổ vũ nhưng tôi không cảm thấy có bất cập, lộn xộn nào. Các khu vực dành cho VĐV và đường chạy đều được bố trí chuyên nghiệp, thuận lợi và không gây tắc nghẽn hay nhầm lẫn. Khu vực về đích không đông quá, không bị ùn rác… Xin tri ân các tình nguyện viên ngày đêm vất vả để các VĐV yên tâm thi đấu. Chân thành cảm ơn chính quyền, người dân Phú Yên và cả BTC giải vì một mùa giải thành công.
Cảm ơn chị!