Rừng phòng hộ Phú Ninh vẫn bị xâm canh trái phép
Những năm qua, rừng phòng hộ Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) bị xâm canh trái phép hơn 4.300ha. Đây là con số khủng, thế nhưng cho đến này vụ việc ngăn chặn vẫn chưa hiệu quả và tình trạng này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Vậy nguyên nhân do đâu?
Rừng phòng hộ Phú Ninh có diện tích 11.255,45ha nằm trên địa bàn 2 huyện Phú Ninh và Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), trong đó diện tích có rừng là 10.671,05ha (rừng tự nhiên 5.634,35ha, rừng trồng 5.036,7ha), đất không có rừng là 584,4ha. Nhưng đáng nói, trong 5.036,7ha rừng trồng có khoảng 700ha là rừng trồng các chương trình, dự án, nhưng lại có hơn 4.300ha người dân đang xâm canh trái phép chủ yếu là trồng cây keo, bạch đàn, cây hàng năm, cây lâu năm khác.

Những cây keo được người dân trồng tại tiểu khu 582 thuộc khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh. Ảnh: Tấn Thành
Ông Võ Hùng Nhân - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam (BQL rừng phòng hộ) cho biết, việc xâm canh đất rừng phòng hộ trái phép diễn ra nhiều năm qua nhưng chưa thể xử lý, giải quyết dứt điểm. Đến nay đơn vị chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, giao rừng theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên những vụ việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ gần đây đã được kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định.
Theo ông Nhân, tại khu vực tiểu khu 582, đơn vị đã phát hiện hộ ông Nguyễn Thanh H. lấn chiếm 4,2ha và hộ ông Nguyễn Văn P. lấn chiếm gần 4ha, cùng ở xã Tam Dân và còn có nhiều hộ dân khác đang lấn chiếm đất rừng để trồng keo.
Trước đó, năm 2024, BQL rừng phòng hộ kiểm tra tại khu vực khoảnh 1, tiểu khu 595, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành và khoảnh 4, tiểu khu 587, xã Tam Lãnh, Phú Ninh đã phát hiện người dân khai thác keo, trồng lại cây mới với diện tích 7.910m2. Trong đó tại xã Tam Sơn 4.175m2 và xã Tam Lãnh 3.735m2.
“Đơn vị làm việc với các hộ lấn chiếm, thực hiện ký cam kết không tác động vào diện tích này để trồng keo trái phép. Còn trước đó, từ năm 2012 đến năm 2018, đơn vị chưa thể thống kê cụ thể đầy đủ các trường hợp người dân lấn đất rừng phòng hộ, nhưng phát hiện vụ việc nào đơn vị yêu cầu hoàn trả lại nguyên trạng và lập biên bản xử lý” - ông Nhân nói và cho biết, để giải quyết được tình trạng lấn chiếm, xâm canh trái phép đối với diện tích rừng phòng hộ Phú Ninh, đơn vị đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo các cấp, ngành, chính quyền địa phương cùng vào cuộc để xử lý và sớm có quyết định giao đất, giao rừng để đơn vị có đầy đủ tư cách pháp nhân là chủ rừng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy định.
Trước thực trạng này, ông Trần Văn Thu - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2024, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện Phú Ninh tổ chức 22 đợt tuần tra, truy quét trên địa bàn, phát hiện xác lập hồ sơ 4 vụ vi phạm, trong đó 3 vụ vi phạm hành chính và 1 vụ vi phạm hình sự về tội “vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản” với khối lượng 23,147m3 gỗ tròn bạch đàn trên rừng sản xuất, đến nay vụ việc đã khởi tố vụ án chuyển cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra theo quy định pháp luật.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng tăng cường trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo đúng quy chế quản lý rừng, quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND cấp xã, các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn.
Cùng với đó, theo dõi, quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn, xử lý nghiêm việc lợi dụng chuyển mục đích sử dụng rừng để khai thác rừng, phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Để ngăn chặn hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, quản lý đất rừng trên địa bàn; tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, lấn, chiếm đất rừng; phối hợp kiểm tra ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về lâm nghiệp nói chung và hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng nói riêng.