RÙNG MÌNH 'THỊ TRƯỜNG' CHẤT ĐỘC (*): Ngăn chặn chất độc lên bàn ăn

Tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật độc hại vẫn còn diễn ra, đe dọa sức khỏe người dân

Hiện tỉnh Đắk Lắk có hơn 1.300 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với tổng sản lượng sử dụng khoảng 1.700 tấn/năm. Là thị trường tiêu thụ lớn, nhiều đối tượng đã lén lút mua bán thuốc BVTV không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Đắk Lắk: Tràn lan thuốc BVTV lậu

Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ tính riêng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - kinh tế - buôn lậu và môi trường (Phòng PC03) - Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý 25 vụ, 32 đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến thuốc BVTV. Cơ quan công an thu giữ hơn 90.000 sản phẩm thuốc BVTV không nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, trị giá hơn 11 tỉ đồng.

Điển hình, qua công tác nắm tình hình, Phòng PC03 phát hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lưu hành số lượng lớn thuốc BVTV không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Quá trình sàng lọc, cơ quan công an phát hiện đối tượng Triệu Quang Long (chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Đàn Điệp, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những đầu mối phân phối số lượng lớn thuốc BVTV có nguồn gốc từ Campuchia.

Sau thời thời gian theo dõi, lực lượng công an kiểm tra xe tải của Long và phát hiện chở 200 sản phẩm thuốc BVTV.

Qua đấu tranh, Long khai nhận đặt mua của 1 người tên Soạn, sinh sống tại Campuchia. Sau đó, thông qua bà Nguyễn Dân Phụng, nhân viên Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Vận tải Quốc tế Phước An - Chi nhánh Sài Gòn (ở quận Bình Tân, TP HCM), vận chuyển về Việt Nam.

Từ tháng 2-2023 đến khi bị bắt, Long đã đặt mua hơn 9.600 sản phẩm thuốc BVTV từ Campuchia. Trong đó, thông qua bà Phụng vận chuyển về Việt Nam hơn 3.700 sản phẩm.

Sau khi phối hợp với cục nghiệp vụ của Bộ Công an, cơ quan điều tra xác định từ năm 2022 đến tháng 7-2023, bà Phụng đã tiếp nhận 532 đơn hàng vận chuyển thuốc BVTV từ Campuchia về Việt Nam với tổng khối lượng hơn 519 tấn.

Theo lãnh đạo Phòng PC03, các loại thuốc BVTV trong vụ án không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam vì dư lượng chất nguy hại vượt quá ngưỡng cho phép, không bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.

Phòng PC03 - Công an tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV và người dân cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc, xuất xứ, công dụng của các loại thuốc BVTV trên thị trường trước khi mua bán, sử dụng. Các hành vi kinh doanh mặt hàng thuốc BVTV không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một cơ sở ở Đắk Lắk nhúng sầu riêng vào thau hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: ÁNH TRÂM

Một cơ sở ở Đắk Lắk nhúng sầu riêng vào thau hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: ÁNH TRÂM

TP HCM: Kiểm soát chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi

Liên quan đến chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi, ông Huỳnh Tấn Phát, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM, cho biết trong năm 2024, đơn vị đã lập 13 đoàn kiểm tra chuyên ngành vật tư nông nghiệp và 3 đoàn thanh tra về hành nghề thú y. Kết quả đã kiểm tra 160 hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện 49 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 1,3 tỉ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện trong kinh doanh phân bón, thuốc BVTV; vi phạm về chất lượng so với công bố; chưa công bố hợp quy; kinh doanh sản phẩm ngoài danh mục được phép lưu hành,…

Các đoàn kiểm tra đã lấy 24 mẫu thức ăn chăn nuôi dùng cho động vật trên cạn và thủy sản để kiểm tra chỉ tiêu kháng sinh cấm sử dụng. Kết quả không phát hiện mẫu vi phạm. Kiểm tra 5 mẫu thức ăn chăn nuôi với chỉ tiêu sử dụng chất kích thích tăng trọng Salbutamol và Clenbuterol cũng không phát hiện mẫu vi phạm.

"Nhìn chung, tính chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các đơn vị có đăng ký chuyển biến tốt rõ rệt khi không có các vi phạm liên quan đến chất cấm. Các hộ có sự đầu tư, nâng cấp từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, đạt các tiêu chuẩn như: ISO, GMP, HACCP,..." - ông Phát đánh giá.

Ông Phát cũng thông tin từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Chăn nuôi - Thú y thuộc Sở NN-PTNT TP HCM đã lấy 315 mẫu thịt heo, thịt gà để kiểm tra tồn dư kháng sinh bởi đây là sản phẩm có nguy cơ tồn dư kháng sinh cái do vòng đời vật nuôi ngắn nếu người chăn nuôi không tuân thủ thời gian ngưng thuốc trước khi xuất bán.

Ngoài ra, đơn vị này còn lấy 4.822 mẫu nước tiểu heo và 150 mẫu thịt heo kiểm tra chỉ tiêu Salbutamol - chất tạo nạc bị cấm sử dụng. Kết quả cả 2 đều chưa phát hiện có mẫu vi phạm.

Đối với các sản phẩm trồng trọt tại TP HCM, Chi cục Trồng trọt và BVTV TP HCM đã tổ chức 41 lớp học (mỗi lớp khoảng 30 học viên) cho các nông dân về sản xuất an toàn; kiểm tra 270 hộ nông dân về việc sử dụng thuốc BVTV cũng chưa phát hiện có vi phạm.

Còn Sở An toàn thực phẩm TP HCM cho biết đã triển khai nhiều hoạt động giám sát mối nguy gây mất an toàn thực phẩm; cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng sức khỏe cho người tiêu dùng. Kết quả, hệ thống giám sát an toàn thực phẩm đã phát hiện 634/35.634 (1,8%) mẫu không đạt. Trong đó, 536/35.659 (1,5%) mẫu không đạt các chỉ tiêu vi sinh (như E.Coli, Salmonella, vi sinh vật hiếu khí...) và 98/33.238 (0,29%) mẫu không đạt các chỉ tiêu hóa lý (kháng sinh, dư lượng thuốc BVTV, chất cấm...).

____________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-11

Lén lút nhúng sầu riêng vào dung dịch lạ

Trong vụ mùa sầu riêng năm 2024, Phòng PC03 - Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra và phát hiện 4 doanh nghiệp vi phạm. Các doanh nghiệp này đã nhúng sầu riêng vào dung dịch pha chế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ ghi tiếng Việt.

Theo cơ quan công an, các doanh nghiệp sử dụng chất không rõ nguồn gốc để nhúng sầu riêng có thể là chất cấm, chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng trong chế biến, sản xuất thực phẩm. Các đối tượng thường nhúng sầu riêng vào ban đêm, đóng cửa kho bãi, những người thực hiện thường là người thân quen của chủ doanh nghiệp nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Việc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

CAO NGUYÊN - NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/rung-minh-thi-truong-chat-doc-ngan-chan-chat-doc-len-ban-an-196241115204854279.htm
Zalo