Rúng động bê bối liên quan đến viện trợ lương thực tại Sudan
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đang tiến hành điều tra 2 quan chức cấp cao của tổ chức với cáo buộc gian lận và che giấu thông tin về hoạt động viện trợ lương thực cho người dân Sudan.
Một trong những quan chức bị điều tra là Phó giám đốc quốc gia của WFP tại Sudan, ông Khalid Osman, người vừa bị đình chỉ tạm thời và phải nhận nhiệm vụ bên ngoài lãnh thổ Sudan.
Cụ thể, vào tháng 6/2024, ông Osman bị cáo buộc che giấu việc quân đội từ chối cấp phép 15 xe tải viện trợ thông quan từ thành phố Port Sudan đến Nyala ở Nam Darfur, một khu vực có nguy cơ cao đối mặt nạn đói. Các xe hàng này phải chờ 7 tuần trước khi được phê duyệt tiếp tục hành trình.
Đồng thời, ông Osman cũng bị cáo buộc có mối quan hệ thân thiết với quân đội Sudan, có quyền chấp thuận nhân viên WFP được nhập cảnh vào nước này, có quyền hạn chế quyền tiếp cận và giám sát việc quản lý viện trợ của quân đội.
Một quan chức cấp cao khác, ông Mohammed Ali, Giám đốc khu vực của WFP, cũng đang bị điều tra liên quan đến cáo buộc làm thất thoát hơn 200.000 lít nhiên liệu của LHQ tại thành phố Kosti (Sudan). WFP đang thực hiện các biện pháp khắc phục nhanh chóng, chấn chỉnh lại công việc tại văn phòng Sudan nhằm đảm bảo tính toàn vẹn và liên tục cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp.
Các cơ quan LHQ đều hoạt động ở thành phố Port Sudan trên bờ Biển Đỏ, nơi Chính phủ Sudan chuyển đến sau khi mất quyền kiểm soát phần lớn thủ đô Khartoum.
LHQ cho rằng việc thiếu khả năng tiếp cận khiến họ không thể đến gần hơn với những người cần trợ giúp, chủ yếu ở các khu vực dưới sự kiểm soát của RSF như Khartoum, Darfur và Kordofan.
Người phát ngôn quân đội Sudan, ông Nabil Abdallah, cho biết họ đang làm tất cả những gì có thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc viện trợ và “giảm bớt thương đau cho người dân”. Bên cạnh đó, ông khẳng định rằng cuộc điều tra là một nước đi đúng đắn.
Cuộc điều tra diễn ra vài tuần sau khi LHQ xác định hơn 25 triệu người, tức hơn một nửa dân số Sudan, đang đối mặt với mức độ đói kém nghiêm trọng. Tại một số khu vực của Sudan, người dân buộc phải ăn lá cây và đất để sinh tồn.
Bên cạnh đó, các nhân viên cứu trợ cũng cáo buộc giới chức quân đội Sudan cản trở việc tiếp cận bằng cách giữ giấy phép đi lại và thông quan, trong khi Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) cướp bóc hàng viện trợ. Tuy vậy, cả hai bên đều phủ nhận cáo buộc.
Ngày 28/8, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), nhà tài trợ lớn nhất của WFP, đã nhận thông tin về các sự cố gian lận ảnh hưởng đến hoạt động tại Sudan. USAID ngay lập tức chuyển các cáo buộc này đến văn phòng tổng thanh tra của mình.
Hiện WFP phải xử lý tình trạng khủng hoảng lương thực trầm trọng ở nhiều quốc gia. Tổ chức này đang kêu gọi tài trợ 22,7 tỷ USD để hỗ trợ 157 triệu người, bao gồm khoảng 1,3 triệu người trên bờ vực nạn đói ở Sudan và Gaza cùng nhiều quốc gia khác như Nam Sudan và Mali. Ngoài việc phân phối thực phẩm, WFP còn điều phối và cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các tình huống khẩn cấp quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các hoạt động của WFP bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng thu lợi bất chính và trộm cắp hàng viện trợ ở các quốc gia như Somalia và Yemen. Năm ngoái, WFP và USAID phải tạm thời dừng phân phối lương thực tới Ethiopia sau khi tình trạng trộm cắp viện trợ lương thực lan rộng tại đây.