Rừng đặc dụng tại Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu bị đốn hạ giữa ban ngày

Hàng chục cây gỗ có đường kính rất lớn của rừng đặc dụng thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (Thanh Hóa) bất ngờ bị đốn hạ ngổn ngang

Ngày 13-10, tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết đang giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc hàng chục cây gỗ rừng đặc dụng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) bất ngờ bị đốn hạ.

Nhiều cây trong rừng đặc dụng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu bị đốn hạ. Ảnh chụp ngày 11-10

Nhiều cây trong rừng đặc dụng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu bị đốn hạ. Ảnh chụp ngày 11-10

Trước đó, vào chiều ngày 11-10, phóng viên Báo Người Lao Động nhận được phản ánh của người dân về việc tại khu vực rừng đặc dụng nằm ở núi Gai (thuộc di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu) bất ngờ bị một số người mang cưa máy vào chặt hạ công khai giữa ban ngày.

Ghi nhận thực tế tại đây cho thấy hàng chục cây gỗ (chủ yếu là keo lá tràm và lim xanh) có tuổi đời hàng chục năm bị đốn hạ. Một số vị trí, cây gỗ đã được đưa ra khỏi rừng, chỉ còn trơ gốc, một số vị trí cây gỗ mới được hạ xuống, chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng nằm ngổn ngang.

Cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang trong rừng, ngay sát Quốc lộ 1A nhưng khi báo chí phản ánh, lực lượng kiểm lâm mới nắm được

Cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang trong rừng, ngay sát Quốc lộ 1A nhưng khi báo chí phản ánh, lực lượng kiểm lâm mới nắm được

Đáng nói, trong chiều 11-10, khi phóng viên tới hiện trường, đang có khoảng 5 người mang cưa máy cắt cây tại khu vực rừng này. Khi phóng viên điện thoại liên hệ tới các cơ quan chức năng thì việc chặt hạ cây mới dừng lại.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc, cho biết đây là rừng đặc dụng, muốn chặt một cành cây cũng phải xin phép. "Ngay khi nhận được thông tin, tôi đã chỉ đạo cho dừng ngay việc chặt cây, lập biên bản xử lý"- ông Bình thông tin.

Những cây gỗ có đường kính rất lớn đã bị đốn hạ

Những cây gỗ có đường kính rất lớn đã bị đốn hạ

Cũng theo ông Bình, trước đó do mưa bão có một số cây ở khu vực trên gãy đổ vào đường tàu, chính quyền xã đã phối hợp xử lý. Sau đó, ngành đường sắt có đề xuất xử lý một số cây có nguy cơ cao gãy đổ ảnh hưởng tới đường tàu, nhưng đây là rừng đặc dụng muốn xử lý phải có văn bản báo cáo về xã và xã chưa nhận được văn bản nào cả.

Ông Trịnh Trung Nhật, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hà Trung (đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng tại các huyện Hà Trung, Nga Sơn, thị xã Bỉm Sơn và một phần diện tích rừng của huyện Hậu Lộc), cho biết đã cho dừng việc chặt cây ngay khi nắm được thông tin từ báo chí phản ánh để tiến hành xử lý.

Theo kiểm tra nhanh của lực lượng kiểm lâm, đã có 60 cây gỗ bị chặt phá tại đây

Theo kiểm tra nhanh của lực lượng kiểm lâm, đã có 60 cây gỗ bị chặt phá tại đây

Tại thời điểm phóng viên ghi nhận sự việc, có khoảng 5 người đang dùng cưa máy để cắt cây

Tại thời điểm phóng viên ghi nhận sự việc, có khoảng 5 người đang dùng cưa máy để cắt cây

"Qua kiểm tra, chúng tôi xác định có 60 cây gỗ bị chặt, trong đó chủ yếu là keo và một số cây lim xẹt. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với UBND huyện Hậu Lộc để xử lý. Cái này anh em kiểm lâm địa bàn cũng có phần thiếu sót khi giám sát chưa chặt chẽ để họ chặt cây mà chưa được phép"- ông Nhật cho hay.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hà Trung thông tin thêm rằng việc chặt hạ cây rừng tại khu vực đền Bà Triệu do ngành đường sắt phối hợp với UBND xã Triệu Lộc tiến hành, chứ kiểm lâm không liên quan. "Xã với ngành đường sắt có làm văn bản báo cáo huyện, nhưng tôi nắm được hình như huyện chưa cho phép"- ông Nhật nói.

Theo người dân địa phương, rừng cây tại khu vực đền Bà Triệu có cả rừng trồng và rừng tự nhiên, trong đó rừng trồng được trồng khoảng hơn 30 năm trước

Theo người dân địa phương, rừng cây tại khu vực đền Bà Triệu có cả rừng trồng và rừng tự nhiên, trong đó rừng trồng được trồng khoảng hơn 30 năm trước

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc, khẳng định xã chưa có văn bản xin UBND huyện mà mới phối hợp rà soát các cây có nguy cơ gãy đổ, từ đó có căn cứ để báo cáo huyện xin phương án xử lý.

Ông Đàm Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho biết đang giao các đơn vị kiểm tra, xử lý, khi nào có kết quả sẽ thông tin cho báo chí.

Bài-ảnh: Tuấn Minh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/rung-dac-dung-tai-di-tich-quoc-gia-dac-biet-den-ba-trieu-bi-don-ha-giua-ban-ngay-196241013160734635.htm
Zalo