Rừng cười cá sấu, cọp beo

Theo tàu thủy hay xuồng máy từ thành phố Cà Mau về các huyện, hành khách đều được nghe những chuyện cười mang sắc thái dân gian và hoang dã. Mấy ông lái tàu là sành chuyện này lắm. Trong những chuyến đường xa chỉ nghe chuyện nói dóc của nghệ nhân Ba Phi mới làm mọi người hết mệt. Chúng tôi theo chuyến tàu về cửa sông Ông Đốc rồi lên ấp Lung Tràm để vào khu vườn cổ tích của cố nghệ nhân Ba Phi, ở xã Khánh Hải.

Người ăn sóng nói gió hay cười

Nghệ nhân Ba Phi (1884-1964) tên thật là Nguyễn Long Phi, người được mệnh danh là kẻ bịa chuyện kỳ tài ở vùng đất U Minh Hạ này. Thực ra quê gốc của ông ở huyện Cái Nước (Đồng Tháp). Trước đó Nguyễn Long Phi đã bị bắt sang tận bên Pháp làm lính đánh thuê nhưng chàng đã vượt biên trốn về Thái Lan rồi trở lại quê hương. Nhưng không chốn dung thân, sợ bị giặc Pháp bắt lại nên Nguyễn Long Phi đã đi tuốt xuống xứ sở: “Cà Mau khỉ khọt trên bưng. Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.

Nguyễn Phi Long đi làm mướn và chôn vùi thanh xuân tại rừng tràm sông nước. Nhưng với bản lĩnh của người trai tráng đầu đội trời chân đạp đất, Nguyễn Long Phi quyết sống mái với cuộc đời phiêu lưu của mình như một kẻ vô gia cư. Nguyễn Long Phi vừa giỏi võ vừa là tay đàn cò tài hoa và say mê đờn ca tài tử.

Kênh Ngang Lung Tràm ngày nay.

Kênh Ngang Lung Tràm ngày nay.

Theo chị Nguyễn Thị Dung (người trông nom nhà lưu niệm) cháu nội của ông kể, cái tên Ba Phi được bà con chòm xóm gọi từ khi ông lấy vợ. Nguyễn Long Phi làm thuê cho một điền chủ làm Hương quản Tế giàu có nhất trong vùng. Long Phi được ông chủ hết mực yêu thương và hứa gả con gái cho, nhưng với điều kiện phải làm không công trong ba năm. Người vợ Trần Thị Lữ là con thứ hai trong gia đình nhưng lại được gọi là cô Ba Lữ nên tên chồng cũng được gọi theo là Ba Phi. Trong thời gian sống ở nhà vợ, Ba Phi có công lớn khi khai khẩn, mở rộng rất nhiều đất canh tác mới. Sau khi hết hạn ở đợ ba năm, vợ chồng Ba Phi được chia khá nhiều đất đai để ra ở riêng. Ba Phi tiếp tục khai khẩn biến những vùng rừng sình lầy thành đất đai canh tác chăn nuôi thẳng cánh cò bay. Vợ chồng Ba Phi trở nên giàu có.

Không những thế ông Ba Phi còn tổ chức người trong làng đào rộng kênh Lung Tràm để giong thuyền chở hàng đi các nơi buôn bán sản vật làm ra. Ba Phi chính là một thương lái đầu tiên của dân xã Khánh Hội lên thành phố Cà Mau và Mỹ Tho. Với bản tính lạc quan và năng khiếu hài hước của mình Ba Phi hòa đồng gắn kết với cộng đồng. Nhiều câu chuyện trong lao động và giao thương của ông đã đem lại niềm vui cho mọi người. Ông là người có tài kể chuyện rất có duyên và hóm hỉnh. Toàn những chuyện tôm cua ốc ếch, cá mú cọp beo quanh vùng rừng tràm U Minh. Cứ mỗi lần đi làm đồng là ông lại kể chuyện vui cho mọi người nghe. Ai cũng phì cười vì những tình huống bất ngờ và ngộ nghĩnh. Biết là toàn chuyện nói dóc của ông Ba Phi nhưng họ rất khoái nghe.

Theo chị Nguyễn Thị Dung nhớ lại, sau ngày lao động mệt nhọc, ông Ba Phi hay đánh đàn kìm và ca cải lương cho mọi người trong ấp nghe. Chị còn nói chính cái giọng hát mùi mẫn của ông mà lấy thêm được vợ hai trên thành phố. Vì sống với nhau hơn 10 năm, bà cả không sinh được con, nên Ba Phi đã xin phép bà Lữ cho cưới vợ hai. Bà hai sinh cho ông cậu con trai (Nguyễn Tứ Hải) rồi bỏ về quê chứ không ở với ông nữa. Sau khi bà cả mất, Ba Phi kết hôn với cô Cà Cham người Khơ-me kém ông đến hàng chục tuổi. Nhưng sau khi đẻ được hai con gái, bà Cà Cham yểu mệnh chết sớm khi mới ở tuổi 24. Ông ở vậy với con cháu cho đến khi mất tại Lung Tràm.

Những dị bản cười Ba Phi

Ba Phi đã kể hàng trăm chuyện “tiếu lâm” trong đời mình. Thậm chí mỗi ngày một chuyện. Thanh niên trong ấp thường gợi đề tài cho ông bịa chuyện. Nên có tới hàng chục chuyện về con rắn, con hổ hay cá sấu. Cứ nghĩ ra tình huống hay và lạ nào, ông lại kể ra. Nhiều chuyện còn gây bất ngờ với cả chính ông. Những câu chuyện đều truyền miệng trong dân gian. Lúc mệt nhọc ai muốn kể lại đều bắt đầu bằng câu theo như Ba Phi kể rằng, hay bác Ba Phi đã nói, hoặc nói dóc như Ba Phi thì… Nên chuyện cười của Ba Phi lắm dị bản mà người nghe luôn thấy mới lạ. Bởi thế chuyện tiếu lâm của Ba Phi mang yếu tố dân gian huyền ảo, thể hiện sự sáng tạo ngẫu hứng hoạt kê. Đề tài luôn gắn bó với đời sống thực tại được mở rộng với nhiều chủ ý khác nhau.

Chân dung nghệ nhân Ba Phi.

Chân dung nghệ nhân Ba Phi.

Chính vì thế tiếng cười của Ba Phi rất đa dạng. Chỉ riêng chuyện cá sấu ông cũng lắm chuyện để kể như: “Xuồng cá sấu”, “Câu cá sấu”, “Uống rượu với cá sấu”… Ba Phi có tài dẫn chuyện, tự nhiên cứ như thật rằng vùng ông ở cá sấu nổi lên hàng đàn. Ông đã có lần nhảy lên lưng cá sấu mà qua cả một con đầm lớn để tới chỗ làm. Có cả chuyện bầy cá sấu chở ông đi chơi mải mê khắp chốn rồi bị lạc tới chợ Cà Mau. Tiện thể ông bán chúng cho cánh buôn, chỉ bớt lại một con để cưỡi về U Minh.

Rồi lại có lần ông nói dóc rằng lâu nay nuôi một con cá sấu lớn. Sáng nào ông cũng cưỡi nó đi làm ruộng. Trưa ông chỉ việc ngồi uống trà và ca vọng cổ. Chiều đến con cá sấu còn đi kiếm mồi cho ông uống rượu. Với những năm tháng đầu tiên khai phá ở khu rừng rậm rạp rất nhiều cọp sinh sống và thường vào làng bắt gà lợn. Ba Phi cũng bốc lên lắm chuyện về cọp như: “Cọp ăn chè”, “Cọp xay lúa”, “Bắt cọp rừng” hay “Đỡ cho cọp đẻ”…

Cứ thế không có con gì sống ở rừng tràm U Minh mà Ba Phi không hầu chuyện mọi người. Toàn chuyện vui toát lên sự lạc quan và thể hiện sức mạnh của con người luôn chế ngự được thiên nhiên và những khó khăn rắc rối chung quanh mình. Đó chính là những tiếng cười sảng khoái, ngạo nghễ mà Ba Phi gieo trồng trên mảnh đất đầy gian khó nơi đây.

Tính khí lạc quan và bất cần đời của Ba Phi như một huyền thoại. Lắm ruộng nhiều tiền nhưng ông chia hết cho mọi người khi cần. Lại nhớ vào năm 1942, khi được vận động hiến đất cho cách mạng để chia cho người nghèo, ông xởi lởi tuyên hiến 200 mẫu. Thấy mọi người vỗ tay và reo lên vui sướng, ông lập tức hô lên tặng thêm 300 mẫu nữa. Cứ thế cái tên Ba Phi được tung hô như sấm dậy. Ông hứng chí lại hiến tiếp vài trăm mẫu nữa.

Sau khi thư ký đọc biên bản, ông mới sực nhớ là con số hiến còn lớn hơn cả số ruộng mình có. Ba Phi gãi đầu khoái chí. Mọi người chạy ào lên ôm lấy ông cười chảy cả nước mắt. Sau khi ông mất (1964), những câu chuyện nói dóc của Ba Phi được sưu tầm lưu giữ. Hai tập sách “Chuyện cười dân gian bác Ba Phi” (NXB Đồng Nai) đã thể hiện đậm nét trào lộng của văn hóa dân gian miền Tây Nam bộ. Năm 2003, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã truy phong Ba Phi là Nghệ nhân Dân gian.

Hậu chuyện Ba Phi

Nhà văn Anh Động (Kiên Giang) là người đầu tiên viết tiểu thuyết và kịch bản truyền hình về cuộc đời nghệ nhân Ba Phi. Trong tiểu thuyết, nhà văn đã hư cấu nhân vật thằng Đậu là cháu nội bác Ba Phi và con chó luôn liên quan với những sự kiện xảy ra. Thằng Đậu luôn vụng về ngô nghê trong mọi chuyện. Hành động của nhân vật thằng Đậu bổ sung cho những nét hoạt kê độc đáo trong những chuyện kể về cuộc đời bác Ba Phi. Sức lan tỏa của tiểu thuyết và cuộc đời của Ba Phi khắp miền Nam. Nhưng điều đặc biệt hơn khi trong dân gian lại đẻ ra nhân vật vợ của thằng Đậu lắm chuyện tức cười.

Thế là loạt chuyện tiếu lâm mới về bác Ba Phi ra đời. Có chuyện vợ thằng Đậu tệ đến mức theo bác Ba Phi đi tát mương bắt cá. Khi lội xuống bùn lầy bắt cá mải mê quá đến nỗi chiếc quần bị tụt dưới mương mà không biết. Toàn thân lấm bùn cứ thế về nhà. Đến khi ra giếng tắm, vợ thằng Đậu mới tá hỏa biết mình đã cởi truồng đi trên đường làng. Từ đó trong đời sống dân giã thường ví von những cô bà nào vụng về hoặc vô duyên rằng: “tệ hơn vợ thằng Đậu!”. Cứ thế người ta còn có cả những bài hát về vợ thằng Đậu. Thậm chí có không ít cửa hàng lấy tên “Vợ thằng Đậu” để thu hút khách hàng.

Vương Tâm

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/rung-cuoi-ca-sau-cop-beo-i742807/
Zalo