Rủi ro tiềm ẩn trong 'cơn sốt' làm đẹp đón Tết
Trong vòng một tháng qua, các bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp biến chứng nghiêm trọng do làm đẹp. Thậm chí, một số ca rơi vào tình trạng nguy kịch, tưởng chừng không thể vượt qua 'cửa tử'.
“Tiền mất, tật mang”
Mới đây, một phụ nữ 37 tuổi ở Hà Nam đã gặp biến chứng nghiêm trọng sau khi thực hiện hút mỡ bụng tại một spa được quảng cáo trên mạng xã hội. Cụ thể, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng bụng, hoại tử vùng phẫu thuật, rơi vào tình trạng hôn mê nguy kịch nhiều ngày và đối mặt với nguy cơ tử vong cao. BS Hoàng Văn Hồng - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, đây là trường hợp biến chứng nặng nhất từ trước đến nay mà khoa tiếp nhận.
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ phải cắt lọc tổng cộng 5 lần tổ chức hoại tử, thay băng, rút dịch nhiễm trùng ở thành bụng. Sau nhiều ngày đấu tranh giữa sự sống và cái chết, bệnh nhân đã có thể đi lại, ăn uống và trò chuyện nhẹ nhàng. Tuy nhiên, do diện tích khuyết da của bệnh nhân quá lớn, các bác sĩ sẽ lên phương án lấy vạt da từ vùng khác để che phủ và phục hồi, không thể bảo đảm yếu tố thẩm mỹ.
Trước đó, Trung tâm Thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận ca biến chứng sau nâng mũi bằng căng chỉ. Khi tháo lớp khẩu trang, hầu hết phần sống mũi của cô gái 25 tuổi xuất hiện các vùng nhiễm trùng nặng, hoại tử, nhiều phần sợi chỉ lộ hẳn ra ngoài. Các bác sĩ tại Trung tâm Thẩm mỹ đã tiến hành xử lý ổ áp xe và tháo khoảng 15 sợi chỉ. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị viêm nhiễm, khả năng để lại sẹo là khó tránh khỏi. Được biết, bệnh nhân đã thực hiện làm đẹp tại một spa do bạn bè giới thiệu mà chưa tìm hiểu kỹ thông tin. Khi gặp biến chứng, bệnh nhân đã liên hệ với cơ sở này nhưng không nhận được sự phản hồi.
Từ ngày 22 - 28/12/2024, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã tiến hành kiểm tra các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm pháp luật và ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và các dịch vụ liên quan. Trong quá trình kiểm tra, Sở Y tế TP HCM đã phát hiện một chuỗi cơ sở giảm béo có các hành vi vi phạm nghiêm trọng như kinh doanh không có giấy phép hoạt động hợp pháp, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trái phép,... Các cơ sở này còn quảng cáo sai sự thật về dịch vụ “giảm béo” gây thiệt hại cho khách hàng, trong đó có người khai báo thiệt hại lên tới 750 triệu đồng. Đáng chú ý, dù đã từng bị xử phạt trước đó, cơ sở này vẫn tái phạm, thay đổi tên và có liên hệ với các cơ sở khác cũng bị Thanh tra Sở kiểm tra, xử lý.
Tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm đẹp
Vào dịp cận Tết, nhu cầu làm đẹp của chị em tăng cao, song đây cũng là thời điểm số ca biến chứng do làm đẹp gia tăng đáng kể. Đa phần các ca biến chứng nhẹ đến nặng xuất phát từ các cơ sở làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện không uy tín, không có giấy phép kinh doanh hay hành nghề nhưng lại được quảng cáo rầm rộ.
Các cơ sở này thường xuyên đăng tải những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội, giới thiệu về chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của khách hàng, kèm theo hình ảnh và những câu chuyện phẫu thuật thẩm mỹ thành công. Chưa kể, vào dịp cuối năm, họ còn tung ra hàng loạt combo khuyến mãi hấp dẫn như “giảm 50%”, “tiêm một tặng một”, hay cam kết “làm đẹp không xâm lấn, không đau”, “đẹp ngay sau 5 - 10 phút” nhằm thu hút khách hàng.
Thực tế, việc lựa chọn cơ sở làm đẹp không đơn giản chỉ là xem quảng cáo rồi quyết định ngay như mua một món đồ, khách hàng cần phải xem xét kỹ lưỡng chất lượng của cơ sở làm đẹp, trình độ của y, bác sĩ, giá cả, điều kiện về sức khỏe của bản thân... BS Hoàng Văn Hồng khuyến cáo, cuối năm là thời điểm nhu cầu làm đẹp tăng cao, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi thực hiện tại các cơ sở không được cấp phép, người dân phải tìm hiểu kỹ về cơ sở thẩm mỹ, bác sĩ. Người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo chuyên sâu, bài bản về tạo hình thẩm mỹ. Tránh tin theo những quảng cáo giá rẻ trên mạng xã hội để nhận lại những hậu quả đau lòng.