Rủi ro tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm tới, một trong những điều cần lưu ý là nhu cầu hàng hóa của các nước phương Tây.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5 – 7%, phấn đấu 7 – 7,5%, cao hơn kế hoạch và tương đương mức phấn đấu thực hiện năm nay của Chính phủ, phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện kinh tế trong năm sau.
Trên thực tế, có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này, nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC, nhận định.
Đơn cử, ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm ngoái một cách mạnh mẽ, từ đó hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu ở mức hai chữ số và lan tỏa ra đồng đều hơn ở các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với đó, diễn biến giá cả đang chuyển biến thuận lợi hơn từ nửa sau của năm nay. Áp lực đối với một số sản phẩm nông nghiệp dự kiến sẽ giảm bớt khi thời tiết chuyển từ El Ninõ sang La Ninã, mang lại điều kiện thu hoạch thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, không thể không nhắc tới những rủi ro được dự báo cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025, nhóm nghiên cứu lưu ý.
Ngoài giá năng lượng toàn cầu, Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực. Ví dụ, giá thịt lợn đã tăng cao do nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh đó, liệu nhu cầu đối với hàng hóa có cải thiện hơn nữa hay không sẽ là chìa khóa để xác định sức mạnh phục hồi của Việt Nam, vì các thị trường phương Tây chiếm gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, cần phải theo dõi chặt chẽ quỹ đạo và tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng phương Tây.
Đặc biệt, việc ông Donald Trump tái đắc cử cùng việc đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở lưỡng viện Hoa Kỳ, sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới bức tranh thương mại và kinh tế toàn cầu trong thời gian sắp tới.
“Vẫn còn quá sớm để đánh giá cụ thể những chính sách của chính quyền Trump, tuy nhiên, bất kể chính sách nào cũng sẽ có ảnh hưởng tới ASEAN, bao gồm Việt Nam, qua các hình thức khác nhau”, nhóm chuyên gia của HSBC nhận định.
Trong quá trình tranh cử, đảng Cộng Hòa đã đưa ra nhiều đề xuất, bao gồm áp dụng mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 10-20% đối với các nền kinh tế khác.
Nhìn lại dữ liệu quá khứ, kể từ 2018 khi Mỹ bắt đầu áp đặt hàng rào thuế quan lên Trung Quốc, Việt Nam đã giành được thị phần đáng kể trên thị trường Mỹ. Xuất khẩu giày dép đã tăng từ 20% lên hơn 30% nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc và da giày của Việt Nam tới Mỹ chiếm tỷ trọng lần lượt hơn 40% và 33%.
Mặc dù châu Âu là khu vực nhập khẩu lớn thứ hai các sản phẩm này, nhưng thị trường của họ sẽ không thể hấp thụ hoàn toàn thị phần của Mỹ trong ngắn hạn.
Do đó, các nhà xuất khẩu trong nước có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường thay thế nếu thuế quan trở thành vấn đề.
Mặc dù có thể khó chuyển sang các thị trường thay thế trong ngắn hạn, nhưng Việt Nam có thể phòng ngừa rủi ro thuế quan tiềm ẩn từ Mỹ trong trung hạn đến dài hạn thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do. Hiện tại, Việt Nam đã ký FTA với các đối tác thương mại lớn, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.
Ngoài thuế quan, mối quan ngại về tỷ giá có thể tái diễn như một vấn đề đối với cơ quan điều hành khi muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025.
Phía Mỹ đã từng liệt kê Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ tháng 12/2020, trước khi được xóa khỏi danh sách vào tháng 4/2021. Mặc dù không còn nằm trong danh sách này, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát gần đây nhất.
Mặc dù việc có tên trong danh sách có ít tác động trực tiếp trong ngắn hạn, các nhà chức trách Hoa Kỳ có khả năng sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu thương mại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các tác động từ chính sách điều hành của Fed, diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế là những yếu tố cần cân nhắc cho xu hướng tỷ giá sắp tới do chúng có thể tác động đến thương mại và lãi suất của Việt Nam.