Rủi ro sau những hợp đồng thuê xe tự lái

Một người phụ nữ trẻ thuê chiếc Mercedes C200 tại Huế để 'quay video cảnh đẹp'. Ba ngày sau, xe biến mất, khách thuê cắt đứt liên lạc. Định vị cuối cùng cho thấy chiếc xe đang nằm lặng lẽ ở Time City - Hà Nội.

Dịch vụ cho thuê xe tự lái nở rộ trong nhiều năm nay

Dịch vụ cho thuê xe tự lái nở rộ trong nhiều năm nay

Từ thông tin trên mạng xã hội, chúng tôi tìm đến anh T. (nhân vật yêu cầu giấu tên), chủ một cơ sở cho thuê xe tự lái ở thành phố Huế. Giọng anh lạc đi khi kể lại câu chuyện tưởng như “chuyện thiên hạ”, nay lại rơi đúng vào mình.

“Hôm đó là một cô gái dáng thư sinh, giọng Bắc, bảo vừa vào Huế chơi vài ngày. Cô ấy muốn thuê xe “xịn” để quay video, chụp ảnh cảnh đẹp. Tôi nghĩ là khách du lịch, lại thấy lịch sự, nên không nghi ngờ gì” – anh T. kể. Thủ tục cho thuê diễn ra khá nhanh. Căn cước công dân, bằng lái đều có. “Tôi chỉ lo nếu cô ấy vi phạm giao thông, thì mình bị phạt nguội chứ không nghĩ chuyện mất xe”, anh T. nói thêm.

Nhưng đúng ba ngày sau, chiếc Mercedes C200 bặt vô âm tín. Định vị mất kết nối. Điện thoại thuê bao không liên lạc được. Bài đăng “tìm xe” của anh T. được lan truyền chóng mặt trên các diễn đàn Huế.

Hiện, anh đã trình báo công an. Nhưng như chính anh thừa nhận, khả năng thu hồi xe là rất thấp – nhất là khi các thủ đoạn thuê rồi chiếm đoạt xe đang ngày càng tinh vi.

Qua anh T., chúng tôi được biết, tình trạng này diễn ra không hiếm ở Huế, và thủ đoạn của các đối tượng tương tự nhau.

Không riêng Huế, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều nơi. Một đoạn clip từng lan truyền mạnh trên mạng xã hội ghi lại cảnh hai vợ chồng ở Bắc Giang vui mừng tột độ khi bất ngờ bắt gặp lại chiếc xe Mazda 3 đã “biến mất” hơn một năm sau khi cho thuê. Người vợ ôm con nhỏ, tay cầm điện thoại reo lên: “May quá, tìm thấy xe rồi!”.

Theo thông tin từ Công an TP. Bắc Giang, đối tượng thuê xe trong vụ này là L.C.H. (SN 1991) – sau khi thuê xe đã không trả, cắt liên lạc, đem cầm cố để chiếm đoạt. Vụ án được khởi tố theo Điều 174 Bộ luật Hình sự – tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hay tại TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn D. – chủ một cơ sở cho thuê xe – cũng từng khốn khổ vì khách thuê dùng giấy tờ giả, đem xe cầm lấy tiền trả nợ.

Không chỉ bị lừa mất xe, nhiều chủ xe còn phải chịu phạt hành chính khi người thuê vi phạm luật giao thông.

Kể từ khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ có hiệu lực, nâng mức xử phạt nhiều lỗi vi phạm, các cơ sở cho thuê xe càng thêm thấp thỏm. “Nhiều người thuê chạy ẩu, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ. Biên bản xử phạt thì gửi về mình, xe là của mình mà” – anh L.N (thị xã Phong Điền) than.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã khuyến cáo, các đối tượng lừa đảo hiện nay thường sử dụng các chiêu thức “mồi nhử” rất tinh vi. Có người thuê ngắn hạn vài lần đầu, trả đúng hẹn để tạo lòng tin, sau đó mới thuê xe đắt tiền rồi cao chạy xa bay. Một số đối tượng còn thuê danh nghĩa cá nhân nhưng thực chất là để phục vụ đường dây tội phạm, cầm cố, vận chuyển hàng lậu, thậm chí sử dụng vào hoạt động phạm pháp khác.

Cơ quan công an đã nhiều lần cảnh báo các cơ sở cần siết chặt quy trình cho thuê, đó là phải yêu cầu giấy tờ gốc, kiểm tra nhân thân kỹ càng, chỉ cho thuê người quen hoặc có bảo lãnh. Quan trọng nhất là có hợp đồng rõ ràng, định vị xe, lưu trữ hình ảnh lúc giao nhận xe.

Về phía chế tài của pháp luật, hành vi thuê xe rồi chiếm đoạt có thể bị xử lý theo Điều 174 hoặc 175 Bộ luật Hình sự, với mức án từ 6 tháng đến 20 năm tù, tùy giá trị tài sản và tính chất vụ việc.

Trở lại với câu chuyện của anh T., dù đã nộp đơn trình báo và gửi đơn tới nhiều nơi, anh vẫn chưa thể tìm lại được chiếc Mercedes của mình.

Trong lúc dịch vụ thuê xe tự lái ngày càng phổ biến, thì ranh giới giữa khách hàng và kẻ lừa đảo cũng ngày càng mong manh. Một hợp đồng, một chữ ký… có thể là khởi đầu cho hành trình đi tìm lại tài sản – và cả công lý.

Bài, ảnh: Phúc Khang

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/ban-doc/rui-ro-sau-nhung-hop-dong-thue-xe-tu-lai-152755.html
Zalo