Rủi ro lừa đảo khi giao dịch quốc tế: Doanh nghiệp cần làm gì?

Nếu như trước năm 2020, những 'đối tác' lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đến từ châu Phi thì vài năm gần đây phổ biến hơn ở những thị trường tiềm năng như châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông.

Thương vụ Sứ quán Việt Nam tại Italy làm việc với Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli để xác minh thông tin liên quan vụ nghi lừa đảo 100 container hạt điều xuất sang Italy, ngày 10/3/2022. (Ảnh: TTXVN phát)

Thương vụ Sứ quán Việt Nam tại Italy làm việc với Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli để xác minh thông tin liên quan vụ nghi lừa đảo 100 container hạt điều xuất sang Italy, ngày 10/3/2022. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 17/7, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã phát đi cảnh báo đến các doanh nghiệp hội viên khi giao dịch với khách hàng Dubai.

Cụ thể, báo cáo của các công ty cho biết giao dịch có dấu hiệu lừa đảo từ cùng một người mua (Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC) và cùng một ngân hàng (Ajman Bank PJSC) tại Dubai thuộc các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) dẫn đến các lô hàng của các công ty đã bị mất khi chưa nhận được hết tiền hàng.

Trong các trường hợp này, người mua đã tiếp cận được bộ chứng từ gốc của lô hàng khi chưa thanh toán đủ tiền, đồng thời cắt đứt liên lạc với các doanh nghiệp bán hàng.

Cùng ngày, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng thông tin về vụ việc nghi lừa đảo tại thị trường này. Cụ thể, Công ty T.M xuất khẩu hạt điều cho Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC và được ứng 15% tiền. Công ty đã giao hàng và ngày 24.6 đã đến cảng Jebel Ali (UAE).

Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6 nhưng Công ty T.M không được thanh toán 85% số tiền còn lại của lô hàng. Ngân hàng phía Việt Nam đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua Ajman Bank PJSC yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện.

Qua kiểm tra, Công ty T.M biết được bộ chứng từ của lô hàng đã được hãng DHL giao cho 1 nhân viên an ninh của ngân hàng Ajman Bank PJSC nhưng không biết sau đó bộ chứng từ đến đâu. Phía hãng tàu khẳng định đã giao hàng khi có đầy đủ chứng từ theo quy định.

Đại diện Vinacas cho rằng vụ việc này giá trị không lớn (3 container, trị giá gần 300.000 USD) nhưng của 3 doanh nghiệp với 3 mặt hàng khác nhau. Tuy nhiên, theo Vinacas, vụ việc có dấu hiệu của sự cấu kết, thông đồng của ngân hàng và bên mua.

Mới đây nhất, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn "cầu cứu" đến các cơ quan ngoại giao Việt Nam về việc đối tác ở Sri Lanka lừa đảo chiếm đoạt 2 lô hàng với giá trị tài sản lên đến gần 113.000 USD.

Đối tác tại Sri Lanka là Công ty Northern Star Trading Colombo PVT. Theo hợp đồng ban đầu, điều kiện giao hàng là CIF Colombo (giao hàng tại cảng Colombo), điều kiện thanh toán là D/P 100%; nhờ thu qua ngân hàng, trả ngay khi xuất trình bộ chứng từ.

Theo doanh nghiệp này, sau khi giao hàng và hoàn thành bộ chứng từ của lô hàng đầu tiên, bên mua lấy lý do phí thanh toán D/P qua ngân hàng cao, nên yêu cầu đổi sang phương thức thanh toán chuyển tiền bằng điện (T/T).

Đối tác lấy lý do lô hàng phải được hải quan Colombo kiểm hóa và xin giấy phép nhập khẩu, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam gửi trước 1/3 vận đơn gốc để thực hiện các thủ tục trên và cam kết sau khi xin được giấy phép sẽ thanh toán đầy đủ tiền hàng để phía Việt Nam gửi toàn bộ các chứng từ gốc còn lại.

Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp Việt Nam gửi 1/3 vận đơn gốc của cả 2 lô hàng thì đối tác đã nhận hàng và biến mất.

Những thủ đoạn lừa đảo

Việc mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Chính phủ đã và đang mở ra nhiều cơ hội giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh những lợi ích đạt được thì các doanh nghiệp trong nước cũng phải đối mặt với những chiêu trò lừa đảo chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại quốc tế qua Internet, đặc biệt là với những công ty mới quen biết.

Trong bối cảnh các thị trường đang bị tác động nặng nề sau đại dịch COVID-19, tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế càng có xu hướng tăng lên với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.

Cụ thể các thủ đoạn lừa đảo như giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu; sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán, khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì "hack" email hoặc tạo tài khoản email giả mạo để gửi thông tin tài khoản, khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.

Các doanh nghiệp lừa đảo còn lợi dụng sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trong nước, như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không có người của phía Việt Nam sang để làm việc… để chuyển hàng không giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ hoặc đòi bồi thường…

Phân loại nhân hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Phân loại nhân hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu, mỗi năm, doanh nghiệp trên toàn cầu bị lừa đảo và bị thiệt hại khoảng 5% doanh thu; trung bình một vụ lừa đảo có giá trị khoảng 1,7 triệu USD. Riêng trong năm 2022, có tới 46% doanh nghiệp toàn cầu cho hay họ là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế.

Tại Việt Nam, 52% doanh nghiệp từng trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế trong hai năm trước thời điểm khảo sát, cao hơn mức 46% của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam thì chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo. Cũng không nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn báo cáo cơ quan quản lý vì lo ngại thông tin bị lộ lọt ra công chúng.

Khảo sát cho thấy, giai đoạn trước năm 2020, đối tượng gây ra các vụ lừa đảo đối với các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đến từ châu Phi (Nigeria, Cameron…). Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tình trạng lừa đảo đã xảy ra phổ biến hơn ở những thị trường tiềm năng như Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất.

Các cơ quan chức năng trong nước và thương vụ nước ngoài liên tục cảnh báo về hiện tượng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế mà không ít doanh nghiệp Việt Nam đã từng mắc phải.

Mới đây nhất, Thương vụ Việt Nam tại Canada đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo xuất khẩu qua việc một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp lớn Canada và dùng vỏ bọc này để lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, các hình thức lừa đảo phổ biến là gọi điện trực tiếp, email (đuôi email miễn phí như Gmail, Hotmail…) hoặc thông qua các ứng dụng Whatsapp, Viber để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, thậm chí gửi cả chứng nhận ngân hàng (tài khoản, số dư); chứng nhận nộp thuế… để xác nhận uy tín; sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng (thường yêu cầu giá CIF), đóng dấu đầy đủ.

Đáng lưu ý, khi doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, đối tượng sẽ yêu cầu một số loại chứng nhận (thường là không tồn tại), thậm chí gửi bản mẫu chứng nhận này cho doanh nghiệp Việt Nam.

Các đối tượng lừa đảo xuất khẩu khẳng định đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện của Chính phủ Canada hoặc chính quyền phủ, tỉnh, bang trước khi chuyển tiền. Sau đó, các đối tượng sẽ giới thiệu một luật sư hoặc người môi giới để hỗ trợ hoặc thay mặt doanh nghiệp Việt Nam làm chứng nhận này tại cơ quan công quyền Canada.

Cùng đó, các “luật sư-broker” này có thể chủ động liên lạc, nêu mức phí hoặc đối tượng lừa đảo tự nêu mức phí và nói đây là mức phí đặc biệt do doanh nghiệp mình đã thỏa thuận cho doanh nghiệp xuất khẩu của các nước.

Các luật sư-broker (cũng dùng email miễn phí) sẽ cho số tài khoản để chuyển phí, thường khoảng $1000CAD/chứng nhận (giá làm nhanh trong 3 ngày).

Khi doanh nghiệp Việt Nam nghi ngờ và đề nghị trừ thẳng khoản phí này vào giá trị giao dịch của hợp đồng, thậm chí để tăng độ tin cậy, có đối tượng còn chấp nhận ký hợp đồng giá FOB, xử lý tranh chấp tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam, thanh toán trước 50% và thanh toán nốt khi có giấy tờ chứng nhận hàng đã xếp lên tàu; chấp nhận gửi thư ưng thuận của ngân hàng (BCL) hoặc thư tín dụng dự phòng (SBLC).

Có vụ việc, đối tượng ở Canada sau khi làm giả BCL, SBLC, còn cung cấp số điện thoại của ngân hàng để doanh nghiệp Việt Nam kiểm tra.

Do đó Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, khi doanh nghiệp Canada nhập khẩu đề nghị bên xuất khẩu tự đứng ra làm các chứng chỉ của Canada và coi đây là yêu cầu bắt buộc của giao dịch, hầu hết đều là lừa đảo bởi doanh nghiệp nhập khẩu thường sẽ đứng ra thực hiện các thủ tục của sở tại.

Các chứng chỉ như Canadian Anti-Terrorist Clearance Certificate, Canadian Food Inspection Agency, Canada Border Services Agency… đều không có thật.

Một số lưu ý với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước

- Cần kiểm tra kỹ thông tin đối tác, trong giao dịch lần đầu nên làm thử với trị giá hợp đồng vừa phải. Chú trọng thực hiện việc xác minh, thẩm định đối tác, nhất là các đối tác mới giao dịch lần đầu, đề nghị cung cấp các giấy tờ liên quan như: giấy phép kinh doanh, ID của người chủ doanh nghiệp … Đặc biệt, lưu ý và kiểm tra kỹ độ tin cậy khi có đơn hỏi hàng hóa trả giá quá cao, hoặc quá thấp so với mặt bằng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

- Thường xuyên giữ mối liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam như Thương vụ tại nước sở tại nhằm xác minh độ tin cậy của đối tác, nhất là các doanh nghiệp không có tiếp xúc trực tiếp hoặc tìm kiếm qua internet.

- Nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Qua đó, có thể đảm bảo tính an toàn và hạn chế tối đa rủi ro trong giao dịch, thanh toán.

- Đối với khâu thanh toán, doanh nghiệp lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp. Đối với thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra các mức % đặt cọc để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng (tốt nhất là 50% trở lên). Không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (Nhờ thu chấp nhận chứng từ) hay chuyển tiền bằng Western Union cho việc thanh toán.

- Trước khi thực hiện giao dịch nên dùng email chính thức thay vì sử dụng các dịch vụ miễn phí từ gmail, yahoo... để tránh bị giả mạo; đồng thời, cần chủ động yêu cầu đối tác sử dụng email chính thức trong trường hợp đối tác cung cấp email từ các dịch vụ miễn phí kể trên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần liên hệ trực tiếp với đối tác thông qua các đường khác như điện thoại hay fax chính thức, nhất là khi đối tác yêu cầu thanh toán vào tài khoản khác với tài khoản đã ghi trong hợp đồng ký kết.

- Cảnh giác trong giao dịch với những doanh nghiệp mới quen biết hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau. Trước khi tiến hành các cam kết làm ăn hoặc chuyển tiền trả trước cho các doanh nghiệp dạng này, cần tiến hành một số bước để xác thực sơ bộ về công ty/đối tác nước ngoài.

- Cần tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài. Việc thực hiện thẩm tra có thể thực hiện qua các nguồn tin công khai, mua dịch vụ từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra tín dụng, qua kênh của Hiệp hội tại các nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại nước nhập khẩu.

- Doanh nghiệp cũng cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng nhằm tăng khả năng thu hồi công nợ thông qua ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu đánh giá các thông tin về đối tác nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.

- Chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế của đội ngũ nhân lực làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường của doanh nghiệp mình./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/rui-ro-lua-dao-khi-giao-dich-quoc-te-doanh-nghiep-can-lam-gi/887018.vnp
Zalo