Rùa biển tái xuất ở vịnh Nha Trang sau nhiều năm

Sau nhiều năm rời đi vì môi trường biển suy thoái, rùa biển đã quay trở lại vùng biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Dù là nơi rùa biển tìm về đẻ trứng vào mùa sinh sản, nhưng vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã vắng bóng loài động vật này nhiều năm nay. Tuy nhiên, chuyên viên Phòng Bảo tồn thuộc Ban Quản lý vịnh Nha Trang phát hiện một cá thể rùa biển tại vùng biển Hòn Mun ngày 4/10, và quay lại video khi nó bơi lội tung tăng trong làn nước xanh mát.

Rùa biển bơi lội ở vịnh Nha Trang, ngày 4/10. Ảnh: Ban Quản lý vịnh Nha Trang

Rùa biển bơi lội ở vịnh Nha Trang, ngày 4/10. Ảnh: Ban Quản lý vịnh Nha Trang

Ông Đàm Hải Vân - Phó trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết môi trường biển ở vịnh đang tốt lên, nguồn thức ăn dồi dào cùng với sự yên tĩnh đã thu hút các loài rùa biển tìm về đẻ trứng. “Đây là một tín hiệu đáng mừng”, ông Vân nói, vịnh Nha Trang có các hệ sinh thái rất đa dạng, tạo nên môi trường sống, sinh sản và phát triển ổn định cho một số loài rùa biển.

Vòng đời của rùa có thể lên đến cả trăm năm, song tỷ lệ sống sót của rùa con đến khi trưởng thành chỉ khoảng 0,001%. Một con rùa biển mất 30 - 50 năm để tới giai đoạn trưởng thành, với tập tính tự nhiên, rùa biển thường quay trở về nơi mình sinh ra để đẻ trứng, mỗi năm đẻ từ 3 - 5 lần, mỗi lần đẻ khoảng từ 100 - 180 trứng.

Hàng chục năm trước, rùa biển thường xuyên lên đẻ trứng tại các bãi biển ven bờ và các đảo Hòn Tre, Hòn Mun hay khu vực Đầm Tre vào tháng 4 đến tháng 9. Buồn thay, số lượng rùa trưởng thành có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng theo thời gian bởi sự săn bắt của con người, bãi đẻ tự nhiên bị thu hẹp và ô nhiễm môi trường biển, không khí, tiếng ồn,...

Theo ông Vân, để đảm bảo công tác bảo vệ các loài sinh vật biển nói chung, bảo tồn rùa biển nói riêng, Ban Quản lý vịnh Nha Trang kiến nghị các cấp có thẩm quyền rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn các loài rùa thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp; xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; hỗ trợ công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp; thiết lập mạng lưới và xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về bảo tồn các loài rùa,…

“Nếu thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn các loài rùa biển tại vịnh Nha Trang, tạo môi trường, sinh cảnh để rùa biển đến các bãi cát tại Bãi Bàng Lớn - Đầm Tre sinh sản như trước đây sẽ làm phong phú về đa dạng sinh học, tạo ra sản phẩm du lịch có giá trị cao ở vịnh Nha Trang”, ông Vân nhìn nhận.

Vịnh Nha Trang nằm ở phía Đông bờ biển TP. Nha Trang, có chu vi 21,50 hải lý (khoảng 39,82 km), với 19 đảo lớn nhỏ nổi bật lên trên nền biển trong xanh. Trong đó đảo lớn nhất là Hòn Tre với diện tích 3.323,15 ha.

Hiện vịnh Nha Trang chỉ còn một bãi rùa đẻ tự nhiên tại khu vực Bãi Bàng (đảo Hòn Tre). Năm 2009, ngành chức năng phát hiện một cá thể rùa mẹ lên bờ đẻ 3 ổ trứng tại Đầm Tre, và bảo vệ đến khi cá thể rùa con trở về với biển, và tiếp tục phát hiện một ổ trứng rùa biển tại đây vào giữa năm 2016.

Tháng 8/2015, qua khảo sát đa dạng sinh học trong vịnh Nha Trang, ngành chức năng phát hiện một cá thể rùa biển trưởng thành tại Hòn Tre. Nhiều người dân cũng cho biết nhìn thấy rùa biển xuất hiện trong Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, cho thấy việc khoanh vùng bảo vệ bãi rùa đẻ hết sức cần thiết.

Đức Thảo

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/rua-bien-tai-xuat-o-vinh-nha-trang-sau-nhieu-nam-20241008110359474.htm
Zalo