Rót vốn tỷ đô, xây hạ tầng, cung cấp dữ liệu: Cách Trung Quốc đang phát triển công nghệ AI
Với chiến lược đầu tư dài hạn và nguồn lực dồi dào, Trung Quốc đang định vị mình như một thế lực đáng gờm trong lĩnh vực AI, tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt không chỉ về công nghệ mà còn về tầm ảnh hưởng toàn cầu...

Trung Quốc đã thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp AI bằng cách xây dựng các dự án như Dream Town ở Hàng Châu, một thành phố quê hương của Alibaba, DeepSeek...
Trung Quốc đang chứng kiến một sự chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc đua phát triển AI tiên tiến, với các công ty nội địa như DeepSeek và Alibaba cho ra đời những hệ thống AI mã nguồn mở thuộc hàng đầu thế giới.
TRUNG QUỐC THU HẸP KHOẢNG CÁCH VỚI MỸ TRONG CUỘC ĐUA AI
Theo New York Times, Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong cuộc cạnh tranh xây dựng các công nghệ có khả năng sánh ngang với bộ não con người. Thành công này không phải ngẫu nhiên. Trong suốt một thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã dồn nguồn lực mạnh mẽ để biến nước này thành một siêu cường AI, áp dụng chiến lược tương tự từng giúp họ thống trị các ngành công nghiệp xe điện và năng lượng mặt trời.
"Trung Quốc đang áp dụng sự hỗ trợ của nhà nước trên toàn bộ chuỗi công nghệ AI, từ chip, trung tâm dữ liệu cho đến năng lượng", Kyle Chan, một nhà nghiên cứu tại RAND Corporation, một tổ chức tư vấn, nhận định.
Trong 10 năm qua, Bắc Kinh đã thúc đẩy các công ty Trung Quốc xây dựng năng lực sản xuất trong các ngành công nghệ cao, vốn trước đây phụ thuộc vào nhập khẩu. Chiến lược này đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất một phần ba hàng hóa toàn cầu và dẫn đầu trong các lĩnh vực như xe điện, pin và tấm pin năng lượng mặt trời. Chiến lược tương tự cũng được áp dụng cho các thành phần cốt lõi của hệ thống AI tiên tiến: sức mạnh tính toán, đội ngũ kỹ sư lành nghề và nguồn tài nguyên dữ liệu.
CHÍNH SÁCH CÔNG NGHIỆP CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI AI
Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh chính sách công nghiệp trong bối cảnh Hoa Kỳ tìm cách kìm hãm khả năng phát triển công nghệ của nước này, bao gồm cả AI, thông qua các biện pháp như hạn chế bán chip AI của Nvidia, nhà sản xuất chip AI hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, các công ty Trung Quốc như Huawei đã và đang chạy đua để phát triển các giải pháp thay thế cho công nghệ của Nvidia.
Chính sách AI của Bắc Kinh nhằm giúp các công ty công nghệ Trung Quốc đạt được những bước tiến vượt bậc bất chấp các hạn chế từ Washington. Trong khi các công ty Mỹ như Google và Meta chi hàng tỷ USD để xây dựng các trung tâm dữ liệu, ở Trung Quốc, chính phủ đóng vai trò chủ đạo trong việc tài trợ cơ sở hạ tầng AI, bao gồm các trung tâm dữ liệu, máy chủ hiệu suất cao và chất bán dẫn.

Nhân viên tại văn phòng của một công ty khởi nghiệp AI ở Hàng Châu. Vào tháng 4, chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ phân bổ 8,5 tỷ đô la cho các công ty khởi nghiệp AI trẻ.
Để tập trung nguồn nhân lực kỹ thuật, chính phủ Trung Quốc đã tài trợ cho một mạng lưới các phòng thí nghiệm, nơi diễn ra nhiều nghiên cứu AI tiên tiến nhất, thường hợp tác với các công ty công nghệ lớn như Alibaba và ByteDance. Bắc Kinh cũng chỉ đạo các ngân hàng và chính quyền địa phương đẩy mạnh cho vay, tạo điều kiện cho hàng trăm công ty khởi nghiệp ra đời. Kể từ năm 2014, chính phủ đã chi gần 100 tỷ USD cho một quỹ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, và vào tháng 4 vừa qua, cam kết phân bổ 8,5 tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp AI non trẻ.
Các chính quyền địa phương còn lập ra những khu vực như "Dream Town" ở Hàng Châu, một thành phố ở miền nam Trung Quốc, nơi đặt trụ sở của Alibaba và DeepSeek, nổi tiếng là điểm nóng thu hút nhân tài AI.
"Việc chính phủ hỗ trợ dù chỉ 10 đến 15% chi phí nghiên cứu ban đầu đã là một lợi thế lớn”, Jia Haojun, nhà sáng lập Deep Principle, một công ty khởi nghiệp ở Hàng Châu tập trung vào việc sử dụng AI cho nghiên cứu hóa học, chia sẻ. Công ty này đã huy động được 10 triệu USD vào năm ngoái. Deep Principle còn nhận được khoản trợ cấp 2,5 triệu USD từ một quận ở Hàng Châu khi chuyển đến thành phố này, cùng với sự hỗ trợ từ một quan chức địa phương trong việc tìm văn phòng và nhà ở cho nhân viên.
Các công ty Trung Quốc luôn phải đảm bảo rằng các sản phẩm AI dành cho công chúng tuân thủ các quy định kiểm soát thông tin của Bắc Kinh. Vì vậy, chính phủ đã tạo ra các nguồn dữ liệu được phê duyệt để các công ty sử dụng trong việc huấn luyện hệ thống AI, chẳng hạn như một bộ dữ liệu dựa trên các bài báo từ truyền thông nhà nước, được gọi là "kho giá trị cốt lõi chính thống".
Các công ty công nghệ Trung Quốc cũng sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ về cách người dùng sử dụng internet, giúp các công ty như ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phát triển một số hệ thống AI phổ biến nhất tại Trung Quốc.
THÁCH THỨC CỦA CÁCH TIẾP CẬN “TỪ TRÊN XUỐNG”
Tuy nhiên, cách tiếp cận công nghiệp từ trên xuống của Trung Quốc cũng có những hạn chế. Sự dư thừa các công ty khởi nghiệp AI dẫn đến cạnh tranh khốc liệt, nhiều công ty cung cấp các mô hình AI với giá thấp để thu hút các kỹ sư. Cách tiếp cận này cũng gây khó khăn trong việc điều chỉnh nguồn lực nhanh chóng khi công nghệ thay đổi. Các công ty Trung Quốc đã dành nhiều năm phát triển các công nghệ AI như nhận diện khuôn mặt, nhưng bị bất ngờ trước những tiến bộ trong AI tạo sinh (generative AI) như công nghệ đứng sau ChatGPT.
"Việc xác định nơi đầu tư và phân bổ nguồn lực có thể rất khó khăn”, ông Chan từ RAND nhận xét. "AI không giống các ngành công nghiệp truyền thống như thép hay đóng tàu, nơi công nghệ tương đối ổn định”.
Phần lớn nguồn tài trợ của chính phủ đã được đổ vào Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, chuyên sản xuất chip do các công ty như Huawei và Qualcomm thiết kế. SMIC đang chạy đua để sản xuất chip AI cho Huawei nhằm cạnh tranh với Nvidia. Tuy nhiên, chip của Huawei dù đủ tốt cho một số tác vụ, vẫn chưa thể sánh ngang với chip của Nvidia, và SMIC gặp khó khăn trong việc sản xuất số lượng lớn.
"Ý tưởng là trong trường hợp bị cắt đứt nguồn cung, Trung Quốc vẫn có một giải pháp thay thế khả thi — dù hiệu suất có thể kém hơn — để ngành AI của nước này có thể tiếp tục tiến bộ thay vì bị dừng lại hoàn toàn", ông Chan giải thích.
Các công ty Trung Quốc đang chuyển sang các hệ thống AI mã nguồn mở như cách nhanh nhất để bắt kịp các đối thủ ở Thung lũng Silicon, nơi được cho là đang dẫn trước ít nhất vài tháng về công nghệ tiên tiến nhất.
Trong năm qua, Alibaba đã phát hành một số hệ thống mã nguồn mở phổ biến. ByteDance, với khoản đầu tư 11 tỷ USD vào trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng AI vào năm ngoái, cũng công bố chi tiết về cách họ xây dựng một số công nghệ.
Trong tháng này, Huawei cũng ra mắt một hệ thống mã nguồn mở. Ngay cả Baidu, một công ty internet Trung Quốc từng ca ngợi tiềm năng kiếm tiền từ các sản phẩm AI đóng, gần đây cũng phát hành các phiên bản mã nguồn mở của một số hệ thống của mình.
Trong khi OpenAI và Google tính phí cao để truy cập vào các hệ thống AI đóng của họ, cách tiếp cận mã nguồn mở của Trung Quốc giúp các kỹ sư trên toàn thế giới dễ dàng xây dựng dựa trên hệ thống của họ. OpenAI đã cảnh báo rằng các công ty AI Trung Quốc như DeepSeek có thể chặn các đối thủ Mỹ khỏi các thị trường toàn cầu, tạo cơ hội để họ đặt ra các tiêu chuẩn cho việc sử dụng công nghệ mới.