Rong ruổi cà phê vỉa hè

Thay vì vào trong quán chọn một chỗ kín đáo để nhâm nhi ly cà phê, lắng nghe những giai điệu trữ tình, nhóm bạn trẻ lại chọn ra vỉa hè để ngồi. Tôi lại gần và hỏi: 'Sao các cháu không ngồi bên trong cho đỡ ồn ào?'. Một bạn gái chừng đôi mươi nhìn tôi bằng đôi mắt mở to qua tròng kính trắng, mấy giây sau cô mới trả lời: 'Bọn cháu ngồi ngoài vỉa hè… cho nó sướng'.

Xưa và nay

Tôi chợt nghĩ, “cho nó sướng” là cho ai sướng, hay cho cái gì sướng? Ngôn ngữ của chúng ta thật phong phú, một câu nói muốn hiểu thế nào cũng được. Uống cà phê theo hội nhóm bây giờ không còn là xa lạ. Mấy chục năm trước, tức là hồi còn ở độ tuổi như mấy bạn trẻ này, tôi thường đi uống cà phê một mình, thi thoảng lắm mới có thêm một người bạn đi cùng. Những cuộc cà phê như vậy thường diễn ra ngắn, mục đích chính là trao đổi công việc nhanh gọn rồi đôi bên đứng dậy chia tay nhau. Bây giờ thì khác, những bạn trẻ rủ nhau đi uống cà phê lại thích ngồi ngoài vỉa hè.

Cà phê vỉa hè trở thành nét văn hóa đậm chất Hà Nội

Cà phê vỉa hè trở thành nét văn hóa đậm chất Hà Nội

Mấy tháng trước, một căn nhà ở phố tôi tiến hành sửa chữa. Ban đầu tưởng gia chủ sửa cho sang trọng, đẹp đẽ thêm, nhưng nhìn kỹ thì căn nhà rộng chỉ chừng hơn 10m2 đang được tốp thợ lắp đặt đầy những bệ, những tủ. Họ bảo, nhà này sửa để chuẩn bị cho thuê bán cà phê. Tôi hỏi: “Nhà đã bé tẹo mà lắp đặt hết cả không gian thì khách ngồi chỗ nào?”. Mấy cậu thợ cười ồ: “Bố ơi! Bố lạc hậu quá rồi…”. Chừng 1 tuần sau, cửa hàng cà phê được khai trương, khách đến chúc mừng đông lắm.

Người thuê nhà để mở cửa hàng cà phê là một cặp vợ chồng trẻ, họ luôn nở nụ cười và đi lại đôn đáo. Lúc thì chồng, khi thì vợ mang ra những chiếc ghế gấp nhỏ xinh mời khách ngồi ngay trên vỉa hè. Tôi thầm nghĩ: “Hôm nay khai trương đông nên chủ quán mời khách ngồi ngay vỉa hè. Chắc hôm sau sẽ kê gọn gàng vào trong nhà?”. Vậy mà không như tôi nghĩ. Hôm sau, rồi nhiều hôm sau nữa, cho đến tận bây giờ, mỗi khi đi ngang qua tôi đều thấy thực khách ngồi uống cà phê và vui vẻ trò chuyện ngay trên vỉa hè. Có lần tôi lại hỏi: “Các cháu cứ thích ngồi vỉa hè để uống cà phê nhỉ, sao không ngồi bên trong cho kín đáo?”. Lại được nghe câu trả lời: “Chúng cháu đến đây có phải để hẹn hò nhau đâu mà tìm chỗ kín, ngồi ngay vỉa hè cho tiện chú ạ!”. Hóa ra cái tiện đầu tiên là nếu chợt thấy hứng thì đứng dậy chụp vài kiểu “check in”. Mà đâu chỉ “check in” ở ngay đó, cánh trẻ có khi còn kéo nhau đi tìm bối cảnh. Thôi thì chuyện uống cà phê chỉ là phụ thôi. Kéo nhau đến đây, cái chính là lấy chỗ ngồi, còn mục đích chính là chụp ảnh.

Cà phê vỉa hè không phải là mới, mà từ lâu Hà Nội đã tồn tại những quán này

Cà phê vỉa hè không phải là mới, mà từ lâu Hà Nội đã tồn tại những quán này

Chừng như chủ quán cà phê cũng hiểu được tình hình đó nên họ không cảm thấy khó chịu. Chẳng như mấy bà bán nước chè đầu ngõ hay vườn hoa, khách mà ngồi mọc rễ ra là họ lên tiếng ngay. Người nhẹ thì nói khéo, người bốp chát thì đuổi thẳng thừng. Đằng này không. Uống cà phê vốn dĩ đã là nhâm nhi rồi nên chuyện khách có ngồi lâu như thể đã có “sổ đỏ” cũng không làm chủ quán phiền lòng. Thứ nhất là giá thành một ly cà phê cao gấp 10 lần (hoặc hơn) cốc trà đá. Thêm nữa, khách đến quán cà phê và ngồi trên vỉa hè giờ đây đã thành phổ biến. Những quán cà phê có vị trí kín đáo thì sẽ chẳng mấy ai ngó ngàng. Có chăng là mấy anh chị mới quen nhau hẹn đến đây để tìm hiểu thôi. Chứ cánh trẻ bây giờ cần gì tìm hiểu, cứ vui vẻ là được, cứ có vài kiểu “check in” là được.

Vui thôi, đừng vui quá

Ngày nóng cũng như ngày lạnh, chỉ trừ có mưa thì người uống cà phê mới chịu “chạy mưa”, chứ nắng thì che ô, lạnh thì quàng khăn, ngồi vỉa hè vừa nhìn phố nhìn trời chẳng thích hơn ư? Bên ly cà phê, những nhóm bạn trẻ trò chuyện vui vẻ, cũng có lúc sôi nổi nhưng thường là họ cũng rất biết ý. Câu chuyện của họ thường nhẹ nhàng chứ không “mặt đỏ nói to” như mấy ông ngồi bia hơi vỉa hè. Tôi thầm nghĩ, cũng là uống, nhưng cánh trẻ xem ra lịch sự hơn và cũng kín đáo hơn.

Tiếng là ngồi cà phê vỉa hè, nhưng các cô cậu cũng khá thân thiện. Hè phố là dành cho khách bộ hành nên mỗi khi thấy ai đó đi ngang qua là các cô cậu bảo nhau ngồi dịch lại nhường chỗ. Nếu đang mải “check in” mà thấy có người tới thì họ cũng ra hiệu mời đi.

Người trẻ ở Hà Nội bây giờ thích hẹn nhau đến quán cà phê có vỉa hè. Thưởng thức ly cà phê một cách chậm rãi, nhẩn nha, đấy là lúc họ cảm nhận hương vị của hương vị hơn là uống nhanh, uống vội. Câu nói vui trong cộng đồng giới trẻ vô tình lại quá đúng và ngày càng được lưu hành rộng rãi: “Hà Nội không vội được đâu”.

Thực ra cà phê vỉa hè không phải là mới, từ lâu Hà Nội đã tồn tại những quán kiểu này. Có những quán vừa bé, vừa cũ, vậy mà vẫn tồn tại hàng chục năm, nhất là những quán ở những phố mang vị trí đẹp. Ví như gần hồ Gươm chẳng hạn, ví như gần vườn hoa chẳng hạn, và ví như gần một địa điểm văn hóa vui chơi công cộng chẳng hạn. Quán cà phê vỉa hè ở phố Hòe Nhai là một ví dụ, đối diện với vườn hoa Hàng Đậu và khách lúc nào cũng đông đúc. Vị trí này có sức hút bởi nó rất tiện. Tiện nhất là khách đến ngồi uống cà phê cảm thấy không bị tách rời với đời sống phố phường.

Đón bắt được tâm lý đó nên nhiều cửa hàng cà phê đã sắm bàn gấp, ghế gấp, có khách thì mở ra, không có khách thì nhanh chóng thu gọn mang vào nhà. Ngồi trên vỉa hè được lắng nghe tiếng còi xe, được nhìn những chiếc lá vàng rơi ngay trước mặt, thấy cuộc sống thật thi vị và thú vị. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn phải có ý kiến, sở thích cũng rất cần đi kèm với văn minh và trật tự đô thị.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/rong-ruoi-ca-phe-via-he-post585713.antd
Zalo