Rộng cửa xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động là một hướng đi để người lao động Hải Dương tìm kiếm công việc với mức thu nhập tốt hiện nay.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương làm việc với Phòng Chính sách nhân sự nước ngoài tỉnh Kagoshima (Nhật Bản), trao đổi về việc tuyển dụng người lao động Hải Dương sang Kagoshima làm việc
Thị trường lao động Nhật Bản vẫn hấp dẫn
Thời gian qua, đồng yên của Nhật Bản bị mất giá, khiến cho nhiều người e ngại khi sang thị trường này làm việc. Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, thị trường lao động Nhật Bản vẫn có nhiều yếu tố phù hợp, hấp dẫn đối với lao động Việt Nam. Trong năm 2024, có hơn 3.300 người lao động Hải Dương sang Nhật Bản làm việc theo hợp đồng, chỉ đứng sau thị trường Đài Loan (Trung Quốc).
Công ty CP Nhân lực Kiyokawa (TP Hải Dương) đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép về đào tạo và đưa người lao động sang Nhật Bản làm việc. Năm nay, công ty tiếp tục tuyển lao động sang Nhật Bản cho các đơn hàng: chế biến thực phẩm, cơ khí, may mặc, xây dựng, kỹ sư… với mức chi phí từ 72 - 100 triệu đồng/người.
Đại diện công ty này cho biết, mặc dù mới giữa tháng 2 nhưng công ty đã hoàn thiện thủ tục bay cho 6 đoàn sang Nhật Bản làm việc (mỗi đoàn từ 3 - 7 người). Điều này cho thấy thị trường Nhật Bản vẫn hút lao động Việt Nam. “Chi phí phải chăng, thu nhập ổn định so với một số thị trường truyền thống khác. Và đặc biệt là lao động sang Nhật Bản làm việc, sau khi về nước sẽ được nhận lại tiền trợ cấp lúc đi làm đóng bảo hiểm lên đến cả trăm triệu đồng nên thị trường này được nhiều người lựa chọn”, đại diện Công ty CP Nhân lực Kiyokawa cho biết.
Theo anh Lê Văn Bình, Giám đốc Công ty CP Giáo dục NewStar DVB Group (TP Hải Dương), mặc dù đồng yên rớt giá nhưng thị trường Nhật Bản vẫn là lựa chọn của khá nhiều người. Đặc biệt, những lao động đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành về cơ khí, điện, điện tử... Ngoài công việc ổn định, thu nhập cao thì những người đi theo diện kỹ sư những ngành nghề này còn được hưởng nhiều chính sách hấp dẫn của doanh nghiệp và nước sở tại.

Người lao động tham gia xuất khẩu lao động sang Nhật Bản tại Công ty CP Nhân lực Kiyokawa học kỹ năng nhanh tay, nhanh mắt
Đó cũng là lý do trong năm 2025, tỉnh Hải Dương đã tổ chức một số chương trình liên kết với các địa phương tiềm năng ở Nhật Bản nhằm xúc tiến đưa lao động Hải Dương sang làm việc. Mới đây nhất, ngày 14/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng đã có buổi làm việc với Đoàn đại biểu TP Fukushima (Nhật Bản) do ông Hiroshi Kohata, Thị trưởng thành phố làm trưởng đoàn.
Một trong những nội dung được 2 bên quan tâm là việc tạo điều kiện để người lao động Hải Dương sang Fukushima làm việc. Theo đó, Thị trưởng Hiroshi Kohata mong muốn có cơ hội giao lưu, hợp tác về nhân sự y tế với tỉnh Hải Dương. TP Fukushima sẽ tạo điều kiện cho người Hải Dương sang thành phố làm việc trong lĩnh vực điều dưỡng, y tế.
Trước đó, vào ngày 10/1, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã có buổi làm việc trực tiếp với Phòng Chính sách nhân sự nước ngoài tỉnh Kagoshima (Nhật Bản). Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng trao đổi và tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc hiện nay trong tuyển người lao động của Hải Dương đi làm việc tại Kagoshima.
Ông Takada Shin, Giám đốc Phòng Chính sách nhân sự nước ngoài tỉnh Kagoshima cho biết, tỉnh Kagoshima đang lên kế hoạch dự chi ngân sách cho năm 2025, trong đó có kế hoạch phát triển ứng dụng tự học tiếng Nhật cho người lao động, dự kiến được cung cấp miễn phí cho những người đi làm việc tại tỉnh Kagoshima. Ngoài ra, tỉnh Kagoshima sẽ tổ chức các buổi giao lưu, chuyển giao công nghệ, các khóa đào tạo cho kỹ sư, chuyên viên trong lĩnh vực nông nghiệp là những vấn đề cả hai bên đề cập đến tại buổi làm việc.
Để sớm đưa người lao động tỉnh Hải Dương đi làm việc tại tỉnh Kagoshima, tỉnh Hải Dương đặt vấn đề mong muốn sớm có những buổi làm việc trực tiếp với các công ty tiếp nhận lao động tại tỉnh Kagoshima để nắm bắt được nhiều thông tin về cơ hội việc làm cho người lao động của Hải Dương. Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng thì mục tiêu hướng đến là các ngành có thu nhập cao, ổn định như y tế, sản xuất chế tạo, linh kiện điện tử…
Mục tiêu đưa khoảng 5.000 lao động sang nước ngoài làm việc
Năm 2025, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu đưa khoảng 5.000 người sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động, tập trung vào những thị trường có mức thu nhập cao, ổn định là: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, còn hướng đến các thị trường có chế độ phúc lợi tốt cho người lao động, ngành nghề làm việc có trình độ kỹ năng như điều dưỡng tại Cộng hòa Liên bang Đức. Đây cũng là những thị trường đang được nhiều lao động Hải Dương ưa chuộng.
Sau nhiều lần đắn đo, anh Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1996, ở xã Ứng Hòe, Ninh Giang) quyết định chọn sang Đài Loan làm việc. Theo anh Cường, chi phí để sang Đài Loan khá rẻ trong khi thị trường việc làm tại đây có nhu cầu rất lớn. Nếu chăm chỉ làm việc thì chỉ trong 6 tháng anh sẽ thu hồi lại vốn (khoảng 150 triệu đồng).

Anh Nguyễn Văn Cường ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) sang Đài Loan làm việc vào đầu năm 2025 (ảnh nhân vật cung cấp)
"Đầu năm 2025, tôi cùng khoảng 10 người ở Hải Dương sang TP Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) làm việc. Công việc có vất vả nhưng đổi lại thu nhập rất ổn định. Trừ chi tiêu mỗi tháng tôi có thể để ra hơn 20 triệu đồng. So với các thị trường xuất khẩu lao động khác thì Đài Loan vẫn là điểm đến của nhiều lao động Hải Dương", anh Cường cho biết.
Ngày 14/2, anh Hoàng Văn Hải (TP Hải Dương) đã có buổi phỏng vấn với Đại sứ quán Đức để sang Đức làm việc theo diện lao động có tay nghề. Anh Hải cho biết, anh sẽ chờ đợi trong khoảng 1 tuần để biết kết quả. Tuy nhiên, anh Hải khá tự tin là mình sẽ đỗ vì hồ sơ của anh rất đầy đủ theo yêu cầu của đơn vị tiếp nhận tại Đức. Anh cũng đã trả lời khá tốt các câu hỏi tiếng Đức tại buổi phỏng vấn.
Theo anh Hải, sang Đức làm việc hiện có mức chi phí khá cao so với một số thị trường truyền thống tại châu Á đang được người lao động Hải Dương ưa chuộng. Tuy nhiên, qua tham khảo, anh thấy thị trường Đức có mức thu nhập khá tốt, các chương trình phúc lợi cũng nhiều hơn. Vì thế, anh sẵn sàng dốc kinh phí để sang nước này làm việc.
Để đạt kết quả cao trong công tác đưa người lao động sang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương đã triển khai kịp thời các kế hoạch tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài đến các địa phương trên địa bàn tỉnh (đặc biệt các chương trình phi lợi nhuận như đi Hàn Quốc theo Chương trình EPS, chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ, phòng tránh tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động. Phối hợp với địa phương quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân về tuyển lao động tại địa phương đi làm việc ở nước ngoài.