Rộn ràng mùa lễ hội tháng Ba

Cứ đến tháng Ba âm lịch, trên vùng đất Khánh Hòa, người dân lại chộn rộn tham gia vào các lễ hội dân gian truyền thống. Những lễ hội có quy mô khác nhau, nhưng đều mang những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người xứ Trầm Hương.

Nếu ở nhiều địa phương khác, mùa lễ hội thường diễn ra vào những ngày sau Tết Nguyên đán, với câu nói cửa miệng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…” thì ở tỉnh Khánh Hòa, mùa lễ hội lại tập trung vào tháng Ba âm lịch, với chuỗi sự kiện lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na gồm: Lễ hội Am Chúa (từ ngày 1 đến ngày 3-3); lễ vía Bà ở Suối Đổ (vào các ngày mùng 8, 18, 28-3); lễ hội Tháp Bà Ponagar (từ ngày 20 đến 23-3). Bên cạnh đó, còn có lễ kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng Giang gắn với công lao của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (ngày 8-3); lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3); lễ cúng lăng, cúng đình dịp xuân kỳ ở nhiều xã, phường… Tất cả đã tạo nên bầu không khí lễ hội vừa trang nghiêm, linh thiêng, vừa rộn ràng, nhộn nhịp.

Người dân tham gia lễ hội Am Chúa năm 2025.

Người dân tham gia lễ hội Am Chúa năm 2025.

Trong dân gian, từ xa xưa đã lưu truyền câu nói “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển thánh”, còn Suối Đổ được xem là nơi Mẫu Thiên Y A Na vân du, độ thế. Bước vào những ngày đầu tháng Ba, dòng người lại nô nức đến Khu di tích quốc gia Am Chúa ở trên núi Đại An (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) để cùng nhau trẩy hội. Hành trang mang theo của mỗi người là những vật phẩm dâng lên Mẹ xứ sở Thiên Y A Na, gồm các loại hoa trái, nông sản bình dị, cùng tấm lòng thành kính nguyện cầu về những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân, gia đình, cộng đồng. Khi lễ hội Am Chúa kết thúc, nhiều người theo tín ngưỡng thờ Mẫu lại về với điện thờ Thiên Y A Na ở khu vực Suối Đổ trên núi Hoàng Ngưu (xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh), nơi nhà văn Quách Tấn đã viết trong cuốn Xứ Trầm Hương: “Truyền rằng đó là nơi bà Thiên Y A Na đến ngồi hóng mát hoặc nghỉ chân lúc vân du. Những lúc bà đến thì có ba tiếng sấm nổ vang trời, rồi có một luồng ánh sáng màu xanh, rộng và dài như một cây lụa xổ từ phía hòn núi Chúa ở Đại Điền hoặc từ Hòn Bà ở Cam Lâm bay đáp xuống”.

Và lễ hội lớn nhất, được nhiều người mong chờ nhất chính là lễ hội Tháp Bà Ponagar tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang). Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra với các nghi thức truyền thống như: Lễ rước nước; lễ thay y Mẫu; lễ thả hoa đăng; lễ cầu quốc thái dân an; lễ cúng thí thực; lễ cầu an của đồng bào Chăm; lễ tế cổ truyền… Đây còn là lễ hội thể hiện rõ nét sự giao thoa, tiếp biến văn hóa của hai dân tộc Việt - Chăm trên vùng đất Khánh Hòa. Người dân, du khách đến với lễ hội Tháp Bà Ponagar còn thể hiện cho tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc anh em. “Đã thành thông lệ, cứ vào tháng Ba âm lịch hằng năm, các thành viên trong đoàn tín ngưỡng của chúng tôi lại hành hương về dự các lễ hội thờ Mẫu Thiên Y A Na tại tỉnh Khánh Hòa. Tuy chặng đường đi có xa xôi, nhưng được về bên Mẹ, dâng lên Mẹ những lễ phẩm, điệu múa, câu hát là bản thân mỗi người trong đoàn đều cảm thấy rất vui” - ông Nguyễn Văn Phúc (đến từ TP. Huế) cho biết. Còn ông Kiều Hoàng Miễu (dân tộc Chăm ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) cho biết: “Đi lễ Mẹ xứ sở Po Inư Nagar là việc làm thường xuyên của gia đình tôi. Năm nay, gia đình tôi cũng đi đủ các lễ hội từ Am Chúa đến Suối Đổ và sắp tới sẽ về dự lễ hội Tháp Bà Ponagar”.

Người dân tham dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 tại đền Hùng Vương ở TP. Nha Trang.

Người dân tham dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 tại đền Hùng Vương ở TP. Nha Trang.

Lễ kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng Giang và lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương lại thể hiện cho truyền thống đạo lý dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Một điều thật đặc biệt, ngay trong những năm tháng đất nước vẫn còn bị chia cắt bởi chiến tranh, ở Nha Trang - Khánh Hòa, người dân vẫn chung tay góp công, góp của để xây dựng nên 2 công trình là đền thờ Trần Hưng Đạo và đền Hùng Vương. Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Trần Hưng Đạo (số 124 Nguyễn Trãi, Nha Trang) được xây dựng vào năm 1962, do sáng kiến của Hội Ái hữu Bắc Việt. Thời bấy giờ, đây là ngôi đền duy nhất ở khu vực miền Trung vọng thờ Đức Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Còn đền Hùng Vương (số 173 Ngô Gia Tự, Nha Trang) được khởi công xây dựng từ năm 1971 và hoàn thành vào năm 1973. Những công trình này tuy có quy mô không lớn, nhưng là lời khẳng định cho tình cảm của những người con ở phương Nam xa xôi vẫn luôn hướng về cội nguồn dân tộc, luôn nhớ đến công lao của những bậc thánh nhân đối với đất nước. “Có dịp tham dự các hoạt động lễ hội ở đền thờ Trần Hưng Đạo và đền Hùng Vương ở TP. Nha Trang, tôi thật sự rất bất ngờ và cảm phục về tấm lòng son sắt của các thế hệ đi trước đối với truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. Đúng như lời Bác Hồ từng khẳng định: Nước Việt Nam là một, đân tộc Việt Nam là một” - chị Đinh Thị Giao (dân tộc Hrê, đến từ tỉnh Quảng Ngãi) cho biết.

Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa từ bao đời nay đã có sự giao thoa, cộng hưởng văn hóa với tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở Po Inư Nagar của đồng bào Chăm để cùng làm nên vẻ đẹp độc đáo tại những di tích Am Chúa, Suối Đổ, Tháp Bà Ponagar. Tháng Ba âm lịch được xem là mùa lễ Mẫu ở xứ Trầm Hương với hành trình di sản về tín ngưỡng thờ Mẫu được diễn ra liên tiếp ở cả 3 di tích nói trên. Đây chính là cơ sở để xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na trình UNESCO xem xét, ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Còn lễ hội ở đền thờ Trần Hưng Đạo và đền Hùng Vương là dịp để mỗi người tưởng nhớ về tổ tiên nguồn cội, cũng như các bậc anh hùng dân tộc. Tất cả những lễ hội đó đã thể hiện cho bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của đất và người xứ Trầm Hương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời quảng bá hình ảnh Khánh Hòa đến bạn bè trong nước và quốc tế.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/ron-rangmua-le-hoi-thang-ba-f1e2b9f/
Zalo