Rộn ràng hội đua thuyền Lệ Thủy
Mỗi lần lễ hội đua thuyền trên dòng Kiến Giang bắt đầu, chúng tôi lại nhớ đến lời Hò khoan Lệ Thủy: của cố nghệ nhân Hoàng Luyến: 'Mây ám trăng lờ gió đưa đèn tắt/ Thương mẹ già nước mắt rưng rưng/ Hỏi anh đá nặng mấy tầng/ Anh nói ra cho em rõ, kẻo em ngập ngừng khó toan'.
Nghe đâu bài hò khoan này được viết vào năm 1945. Cũng vào thời điểm đó, cụ Bơi ở làng Mĩ Lộc, xã An Thủy đã có bài hò đáp rất hay: "Cách mạng đổi thay giờ đây điện sáng/ Xứ Lệ quê mình hương rạng đèn chông/ Biết bao cảnh ngục tam tòng/ Bơi đua trẩy hội cờ hồng tự do". Cũng từ đó, sau năm 1945, người Lệ Thủy, Quảng Bình đã tổ chức lễ hội đua thuyền trên dòng Kiến Giang để ăn mừng Tết Độc lập.
Vùng quê trữ tình
Dòng Kiến Giang thơ mộng, hiền hòa chảy dọc giữa lòng đất Lệ Thủy, chở những giọt phù sa tưới mát ruộng đồng rồi tiếp tục xuôi qua Quảng Ninh đổ ra Đồng Hới, thành sông Nhật Lệ tuôn ra biển. Điểm nhấn nằm ở những ngã ba, những khúc sông uốn mình như dải lụa màu. Đẹp và nên thơ hơn cả là ngã ba sông ở Mũi Viết - trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy. Đây là nơi hội tụ những chiến tích lịch sử trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Sông là nơi tụ quần linh khí, như hình lưỡi gươm viết lên bầu trời xanh thẳm. Mũi Viết cũng là điểm hẹn của những mùa lễ hội.
Bên dòng Kiến Giang xinh đẹp, những câu hò khoan Lệ Thủy với mái nhì, mái xắp, mái ruổi, mái đẩy… man mác chở nặng yêu thương. Những câu hò, điệu xố vang vọng từ bờ bên nớ sang bờ bên ni, giao duyên say đắm lòng người. Lễ hội đua thuyền trên dòng Kiến Giang kéo dài gần một tháng để chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Hàng chục ngàn người chạy dọc sông cổ vũ cho trai bơi, gái đua của làng mình. Dòng Kiến Giang không rộng lắm, vừa đủ tầm nhìn để chiêm ngưỡng và cổ vũ.
Ngày trước ông cha chúng tôi đua thuyền bằng đò ngang rồi dần dần nâng lên, thuyền đua có tiêu chuẩn, quy cách hẳn hoi. Các làng các xã đều đóng riêng thuyền bơi đua chuyên dụng. Người xưa quan niệm, nếu cây gỗ nào khi hạ cội, thân gỗ đổ xuống bay cách càng xa cội thì cây gỗ đó làm thuyền đua, bơi càng tuyệt diệu.
Làng nào cũng có những ông thợ thuyền bơi đua nổi danh. Họ đúc rút kinh nghiệm về kỹ thuật vạt đò từ thực tiễn mưu sinh trên sông nước chỉ theo vốn sống, sự từng trải của đời làm đò chở lúa, vượt thác và bơi đua… Họ có được những kỹ năng vạt đò với nhiều đường cưa, cây nêm sắc nét. Họ tạo dáng thuyền, bố trí thang mấp, căng bóp từng đoạn, dùng dây tre chằng néo, chống chí để tạo dáng thuyền được như ý muốn. Mực mẹo hơn nhau là ở cái nêm, đóng vào, nới ra để điều chỉnh dây néo kỹ thuật từ lòng thuyền lên đòn cân giữa hai mạn thuyền. Chỉ cần đóng vào hoặc nới ra một chút là tốc độ và kiểu dáng thuyền khi lao đi sẽ khác ngay. Người thợ cũng có biệt tài, điều chỉnh để cho thuyền có vận tốc nhanh khi bơi mái khoan (bơi thong thả), hoặc nhanh khi bơi xắp (bơi dồn dập, tốc độ).
Hội đua độc đáo
Trai bơi ngồi bên hai mạn thuyền. Nhưng trai bơi lực lưỡng, nhanh nhẹn nhất thường được bố trí ngồi bơi ở cặp mũi, để ứng phó với những tình huống trên đường và bơi giữ nhịp cho những người ngồi bơi cặp sau thả chầm chậm theo nhịp. Giữa thuyền có người đứng gõ mõ chỉ huy và hò cái để mọi người trên thuyền hò xố đáp lại, tạo khí thế. Trên thuyền cũng có người tát nước, có người lái cai (lái thuyền), có người chèo lái, có người chèo nhị lái (chèo phách). Vận động viên thường chọn những người tầm thước, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, khôn khéo. Bộ ba này có nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ nhau để điều khiển cho thuyền đi theo ý muốn, theo tiếng mõ của người điều khiển nhịp bơi.
Hàng năm, ngày 15/8 trở đi đến ngày 2/9, không khí của những vùng dân cư đôi bờ Kiến Giang lại tưng bừng. Mỗi làng chọn một vị trí để đặt thuyền và lập bàn thờ tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân, thờ thần trời, thần đất, thần sông, cầu cho đua an toàn và giành được giải cao.
Vào cuộc, thuyền bơi, thuyền đua tập kết tại khu vực ngã ba Mũi Viết để làm lễ và diễu hành. Thuyền bơi đua kết dài, kế tiếp là đò kết, thuyền gắn máy trang trí pa-nô cổ động cờ hoa rực rỡ. Sau diễu hành, thuyền đua xếp hàng ngang trên mặt sông vào vị trí xuất phát. Đây là giây phút hồi hộp nhất. Thiêng liêng nhất là thời khắc buông phao. Mọi người đều đổ xô, tấp nập kéo về khu trung tâm từ sáng sớm để xem lễ buông phao.
Mới xuất phát, các thuyền đều bơi mái xắp. Tiếng mõ, tiếng hô nhanh, liên hồi. Lấy đà một quãng, người chỉ huy khắc một tiếng mõ để báo hiệu chuyển nhịp sang bơi mái khoan (nhịp chậm hơn). Tiếng hò cũng theo nhịp chậm lại. Giây phút buông phao trống giục liên hồi, mõ gõ nhịp dồn dập, tiếng hô quyết tâm của các trai bơi, tiếng hò reo của lớp lớp người đôi bờ vẫy động viên trai bơi, gái đua. Bọt nước tung tóe, sóng nước xôn xao, nhấp nhô nón trắng mũ màu, cờ hoa rực rỡ. Tất cả tạo nên một không gian lễ hội rộn ràng, xốn xang lòng người.
Duy nhất ở Lệ Thủy mới có cả thuyền bơi nam, thuyền đua nữ tham gia lễ hội. Thuyền đua nữ nhỏ hơn. Vận động viên là chị em phụ nữ sung sức, dẻo dai, dáng đứng chèo nhịp nhàng thanh thoát. Trước mũi thuyền có một người cầm sanh chỉ huy nhịp chèo.
Đường bơi đua dài, đi suốt qua nhiều làng xã. Điểm xuất phát gọi là trung tiêu (ngã ba sông trước chợ Tréo), lên đến thượng tiêu (cồn soi Trạm - xã Mỹ Thủy), về đến hạ tiêu (cống An Lạc). Cả một chặng sông dài gần 13 km đều nằm trong phạm vi của lễ hội. Đường bơi một vòng là hơn 25 km. Vì thế, vào ngày bơi đua ở đôi bờ Kiến Giang, ở đâu già trẻ, gái trai cũng đổ xô ra bờ sông để cổ vũ bơi đua. Vui lắm, sôi nổi lắm!
Mãi mãi một tình yêu
Từ bao đời nay, tiếng mõ, tiếng "zô trai", "hụi lên", "hô lên" như tiếng khèn ra trận. Vợ tôi, người Đồng Hới thấy ba cha con lao xuống sông mỗi khi thấy đò bơi đi qua, mấy năm nay cứ tặc lưỡi: "Ui chao, dân Lệ Thủy". Tôi mừng lắm vì hai thằng con có cái "gen" Lệ Thủy, máu Lệ Thủy. Phải thế chứ!
Ngày 2/9, từ lúc tờ mờ sáng, ông nội đã gọi cả nhà dậy ăn sáng và chuẩn bị đò để chèo đi coi bơi. Đò chèo lên huyện gặp cơ man nào là đò với nhiều màu sắc sặc sỡ chuẩn bị diễu hành. Thi thoảng một vài đò bơi lên Mũi Viết tập kết. Trong tiếng mõ có tiếng hò của trai bơi nói về đò của làng mình. Nó chất phác, hồn nhiên đến ngơ dại: "Ơ hụi, bơ… Đò làng mình chưa bằng anh bằng chị… hố… cho nên cố gắng thi đua. Xố. Ơi làng mình Mỹ Lộc là đây. Trai tài gái giỏi bơi đua hết mình…".
Cả hai bờ dòng Kiến Giang cờ đỏ rợp trời, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng gọi nhau í ới dậy cả mặt sông. Vừa bơi đò (cho trai bơi, gái đua) vừa bơi bộ (cho người xem). Đò thôn nào thắng thì hả hê, vui cười nhưng tuyệt nhiên đò thua không thất vọng. Đò dẫu có đi sau cùng đi nữa nhưng dân làng vẫn nhiệt tình cổ vũ "cố lên". Đò đi qua thôn khác cũng được tát nước, được reo hò… Nhân văn và trọng võ của người Lệ Thủy là ở điểm này.
Cả mùa lễ hội, mặt sông dậy sóng, trên bờ tiếng người dậy đất. Lúc thụa (tập dượt) cũng như khi bơi giải chính thức, mọi người lại bàn tán xôn xao. Các đội bơi đo tốc độ đò mình rồi so sánh với đò bạn, rồi đưa ra chiến thuật trong cuộc đua đường dài. Rôm rả nhất là các bình luận viên trên đường. Mỗi người Lệ Thủy là một bình luận viên… chuyên nghiệp!
Vui nhất là mấy câu "trạng trẹp" (nói đùa): "Đò Tân Thủy, đò Quy Hậu (nhất vòng loại)… bị Công an tuýt còi bắn lỗi tốc độ... Bơi chi lạ, năm sau làng phải sắm cái phanh hãm tốc độ lại…". Hay đại khái: "Thầy có mua xe Honda 86 thì lên làng tui mà mua. Họ bán hết vì xe này đi theo đò bơi không kịp…".
Xem bơi đã sướng, nghe nói kiểu ni lại càng sướng hơn!