'Rối' với tuyển dụng đặc cách giáo viên
Giờ lên lớp của một giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất tại Trường THPT Phan Đình Phùng (TX Sông Cầu). Ảnh: NGỌC HÂN
Ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Nội vụ, tỉnh Phú Yên đã dừng triển khai hoạt động xét tuyển viên chức theo kế hoạch trước đó, thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên diện hợp đồng lao động (HĐLĐ). Thông tin này đã mang lại nhiều hy vọng cho cán bộ, giáo viên, người lao động trong diện hợp đồng.
Nỗi niềm của giáo viên hợp đồng
Cô Trần Thị Kiều, giáo viên Trường tiểu học và THCS Võ Văn Kiệt (TP Tuy Hòa) đã có 7 năm gắn bó với trường, lớp. Vào những ngày này, nhận được thông tin sẽ thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đang HĐLĐ, cô không giấu được niềm vui, bởi cô đủ các điều kiện xét tuyển đặc cách lần này. Theo quy định, đối tượng được xét đặc cách là những giáo viên đã có thời gian ký HĐLĐ, có BHXH bắt buộc làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015 và đang trong thời gian còn hợp đồng; việc tuyển dụng phải trên cơ sở trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng. Cô Kiều nói: “Khi biết mình đủ các điều kiện được xét tuyển đặc cách tôi rất vui. Song cũng lo vì không biết sẽ xét tuyển như thế nào, chỉ mong tỉnh xét sớm để những giáo viên đang hợp đồng như tôi an tâm công tác…”.
Còn cô Nguyễn Thị Ngọc Huệ, giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự, TP Tuy Hòa, bày tỏ: “Hiện nay, một số trường học và huyện, thành phố đã chấm dứt HĐLĐ với giáo viên không trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức. Bản thân tôi cũng là giáo viên đang HĐLĐ giảng dạy nên luôn hoang mang, lo lắng thời gian tới không biết phải làm gì nếu rơi vào hoàn cảnh như những đồng nghiệp của mình. Khi nghe tin vui Bộ Nội vụ có văn bản cho phép thực hiện tuyển dụng đặc cách với giáo viên hợp đồng đã có HĐLĐ và đóng BHXH từ năm 2015 trở về trước, tôi bớt bất an…”.
Còn lúng túng
Ngày 18/11, UBND tỉnh có văn bản gửi các sở Nội vụ, GD-ĐT và các huyện, thị trên địa bàn, chỉ đạo dừng triển khai các nội dung kỳ xét tuyển viên chức ngành Giáo dục theo Kế hoạch 79/KH/UBND, ngày 27/9/2019, để thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đang HĐLĐ. UBND tỉnh chỉ đạo, sau khi thực hiện tuyển dụng đặc cách, nếu đơn vị, địa phương vẫn còn chỉ tiêu biên chế giáo viên thì thực hiện việc thi tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức.
Tuy nhiên, đón nhận nội dung văn bản trên, nhiều giáo viên từng dạy hợp đồng ở Phú Yên cảm thấy... hoang mang. Chị P.T.T, một giáo viên dạy hợp đồng bậc THCS ở huyện Đông Hòa từ năm 2013, đã đóng BHXH được 5 năm 4 tháng, nhưng từ đầu năm học 2019-2020 thì chị cùng nhiều đồng nghiệp dạy học dạng hợp đồng phải nghỉ, vì tỉnh quy định không sử dụng viên chức hợp đồng.
“Giờ Trung ương và tỉnh có chỉ đạo mới xét đặc cách giáo viên, nhưng chúng tôi đã bị cắt hợp đồng rồi thì làm sao đủ điều kiện để đáp ứng quy định “đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục” được. Chúng tôi rất mong cấp trên xem xét, đánh giá thời gian công tác đã qua để được trở lại bục giảng”, chị T cho biết.
Ông Võ Đức Thơ, Giám đốc Sở Nội vụ Phú Yên cũng nói rằng vì từ năm học 2019-2020, Phú Yên thực hiện nghiêm túc việc không sử dụng viên chức giáo dục hợp đồng, nên hiện nay hầu như không còn giáo viên hợp đồng đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. “Chúng tôi sẽ tham mưu để UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố sau khi có kết quả rà soát để lắng nghe và chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong vấn đề này. Có lẽ tỉnh cũng sẽ có văn bản gửi Bộ Nội vụ để được hướng dẫn cụ thể hơn trước khi tiến hành xét đặc cách giáo viên”, ông Thơ nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên mong muốn: “Công đoàn ngành mong mỏi các cấp lãnh đạo, cũng như các tổ chức quan tâm đến vấn đề này. Sau khi rà soát, tổng hợp những trường hợp giáo viên đảm bảo đủ điều kiện theo tinh thần công văn, nếu số lượng theo khung vị trí việc làm còn thừa thì nên có cơ chế quan tâm đến những giáo viên đã được ký HĐLĐ và đóng BHXH trước năm 2015 nhưng hiện tại đã bị cắt HĐLĐ…”.