Rối loạn căng thẳng sau sang chấn ảnh hưởng tới cuộc sống thế nào?

Nó có thể được ví như việc có một cơn ác mộng xảy ra trong khi bạn vẫn còn thức. Và, thực sự thì những người mắc PTSD thường gặp những giấc mơ rất tồi tệ khi đi ngủ.

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn - Post - Traumatic stress disorder (PTSD)

Theo cách thông thường thì sau khi bạn trải qua một sự kiện cực kỳ đau buồn, gây sốc, hay kinh hoàng, bạn sẽ mất một khoảng thời gian để hồi phục và cảm thấy bình ổn trở lại. Đôi khi bạn có thể hồi phục nhanh chóng và đôi lúc sẽ mất nhiều thời gian hơn cho việc này. Điều này là hoàn toàn bình thường và tự nhiên.

Nhưng đôi khi quá trình hồi phục này không xảy ra và sau đó bạn vẫn có thể cảm thấy rất đau buồn, lo lắng, sợ hãi, và “bị sang chấn” trong một thời gian dài. (“Bị sang chấn” có thể hiểu theo nghĩa đen là bị thương tổn ở bộ phận cơ thể hoặc bị tổn thương tinh thần.) Lúc này bạn có thể được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

 Ảnh minh họa. Nguồn: Relucent Psychology.

Ảnh minh họa. Nguồn: Relucent Psychology.

Một triệu chứng phổ biến của PTSD là người mắc phải có thể có những hình ảnh hồi tưởng sống động trong tâm trí về sự kiện gây đau đớn cho họ nhưng với cảm xúc được phóng đại lên nhiều lần, ví dụ như hình ảnh hồi tưởng có thể tồi tệ hơn so với những gì xảy ra trong thực tế. Nó có thể được ví như việc có một cơn ác mộng xảy ra trong khi bạn vẫn còn thức. Và, thực sự thì những người mắc PTSD thường gặp những giấc mơ rất tồi tệ khi đi ngủ.

PTSD cũng có thể liên quan đến những cơn lo lắng thông thường. Vì vậy mà một số người mắc PTSD có thể cảm thấy lo lắng nhiều hơn những người bình thường. Và ngược lại, một số người thường xuyên cảm thấy căng thẳng lo lắng có thể dễ mắc PTSD hơn. Nó cũng thường liên quan đến những cơn hoảng loạn.

Chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể được điều trị bằng nhiều cách và đáp ứng tốt với các phương pháp trò chuyện. Việc học các kỹ thuật hít thở và tập trung vào hiện tại sẽ rất quan trọng để đối phó với những cảm xúc lo sợ hoặc hoảng loạn khi chúng xảy ra.

Nếu bạn nghĩ mình đang mắc PTSD, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể bạn sẽ cần một số sự trợ giúp để hồi phục.

Nicola Morgan/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/roi-loan-cang-thang-sau-sang-chan-anh-huong-toi-cuoc-song-the-nao-post1523939.html
Zalo