Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video robot rà phá mìn Stalker hoạt động gần thành phố Avdeyevka thuộc tỉnh Donetsk.
Robot Stalker được Nga vận chuyển bằng xe tải, trong khi đội ngũ chuyên gia rà phá bom mìn và đánh giá vũ khí thực địa thì di chuyển trên xe bọc thép Ural-63095 Typhoon.
Trong quá trình thử nghiệm robot Stalker, lính Nga được trang bị khí tài đánh chặn drone, phòng trường hợp bị tấn công bởi phía Ukraine.
Đây là lần đầu khí tài này được Nga triển khai tới khu vực chiến sự ở vùng Donbass để kiểm tra tính năng trong thực tế trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.
Nhà sản xuất DSST-Ural cho biết mỗi xe robot Stalker nặng khoảng 30 tấn, được trang bị bộ lưỡi cày rộng 3 m và có thể rà phá mìn nằm ở độ sâu tối đa 30 cm dưới lòng đất.
Lính công binh điều khiển xe bằng cụm thiết bị như tay cầm từ khoảng cách 1-3 km, tùy điều kiện chiến trường.
Robot Stalker được lắp 4 máy quay kèm tính năng truyền hình theo thời gian thực để bảo đảm khả năng quan sát, phản ứng với tình huống xung quanh.
Qua hình ảnh cho thấy robot Stalker lao thẳng vào khu vực có bãi mìn, lưỡi cày đã xới và kích nổ những quả mìn ngay trước đầu xe.
Robot Stalker trang bị động cơ 540 mã lực, có thể đạt tốc độ tối đa 10 km/h khi di chuyển và 5 km/h trong quá trình phá mìn.
Đại diện DSST-Ural nói rằng robot Stalker đã rà phá được mìn chống bộ binh BMN-2 và PMN-4, thậm chí cả mìn chống tăng TM-62 khi triển khai ở Avdeyevka.
Dù thiết bị bay không người lái (UAV) và pháo là các vũ khí chủ đạo hiện nay trong xung đột ở Ukraine. Tuy vậy bãi mìn lại là rào cản lớn nhất với cả hai phía trong các cuộc tiến công hay phản công.
Hiện mìn chống bộ binh và mìn chống tăng được hai bên sử dụng dày đặc trên chiến trường, đặc biệt là phía Nga.
Hệ thống phòng tuyến kiên cố được gài mìn dày đặc của Nga là một trong những nguyên nhân chính khiến chiến dịch phản công mà Kiev phát động năm ngoái thất bại, buộc họ phải rút lui và chuyển sang chiến lược phòng thủ chủ động.
Báo cáo công bố tháng 6 năm ngoái của viện nghiên cứu GLOBSEC cho biết Ukraine đã trở thành "bãi mìn" lớn nhất thế giới.
GLOBSEC ước tính khoảng 30% diện tích lãnh thổ Ukraine cần được rà phá mìn kỹ lưỡng hậu xung đột.
Ngân hàng Thế giới trước đó ước tính Kiev sẽ phải tốn ít nhất 37 tỷ USD để thực hiện việc rà phá bom mìn sau khi xung đột kết thúc.