Rõ việc, rõ trách nhiệm, giải pháp thực hiện

Với phương châm 'hỏi ngắn - đáp gọn, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ giải pháp thực hiện', dưới điều hành trực tiếp của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Bắc Giang thu hút được sự quan tâm theo dõi đặc biệt liên quan đến những tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự; chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn lao động; công tác quản lý đối với các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư.

Chỉ trong 1 buổi sáng, có 16 lượt đại biểu chất vấn, tranh luận; 7 giám đốc sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện trả lời chất vấn. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, đây là cơ sở để HĐND tỉnh tiếp tục giám sát việc thực hiện các cam kết của các Tư lệnh ngành.

Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, số hóa hồ sơ

Chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực pháp chế, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Đặng Hồng Chiến nêu thực trạng chất lượng hoạt động kiểm sát đối với công tác thi hành án dân sự có mặt còn hạn chế. Nổi bật là chậm tổ chức thi hành án; trình tự, thủ tục xác minh điều kiện thi hành án chưa bảo đảm… Cục trưởng Cục THADS Nguyễn Thị Bích Tần tỉnh cho biết: những năm gần đây, khối lượng việc phải thi hành án của các cơ quan THADS tăng nhiều, trong khi biên chế tiếp tục bị cắt giảm. Năm 2024, toàn tỉnh phải giải quyết hơn 15 nghìn việc với số tiền hơn 2,6 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Cơ quan thi hành án đã thi hành xong hơn 10,7 nghìn việc đạt 85,23%, vượt chỉ tiêu Tổng cục THADS giao. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành án vẫn còn những hạn chế thiếu sót như đại biểu đã nêu.

 Đại biểu tham gia chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Bảo Quyên

Đại biểu tham gia chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Bảo Quyên

Cục THADS sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ chấp hành viên; chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý những vụ việc phức tạp…

Liên quan đến việc phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu của các chi nhánh văn phòng đất đai còn chậm, không đầy đủ làm ảnh hưởng đến tiến độ xác minh và tổ chức thi hành án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo THADS tỉnh cho biết: UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện nghiêm việc phối hợp. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sớm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, số hóa hồ sơ, hạn chế việc thất lạc hồ sơ…

Tăng cường giám sát độc lập trong quan trắc môi trường lao động

Về nhóm nội dung chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn lao động, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Văn Bé phản ánh: khi đi thực tế tại một số doanh nghiệp sản xuất, bằng cảm quan thông thường thấy một số nhà máy có tiếng ồn rất lớn, bụi nhiều hoặc sặc mùi sơn, hóa chất… có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Tuy nhiên, khi kiểm tra kết quả quan trắc môi trường lao động, đo các chỉ số về tiếng ồn, bụi, hơi khí độc… của doanh nghiệp đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát độc lập các doanh nghiệp trong quan trắc môi trường lao động theo phân cấp quản lý. Tiến hành quan trắc liên tục và ở nhiều thời điểm đối với doanh nghiệp có môi trường làm việc có nguy cơ cao; quan trắc liên tục, đo đạc tại nhiều thời điểm khác nhau trong ngày và ở nhiều khu vực khác nhau trong nhà máy. Tăng cường hậu kiểm, kiểm tra các cơ sở công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động. Nếu phát hiện có sự thiếu minh bạch trong báo cáo quan trắc hoặc có gian lận trong quá trình đo đạc sẽ xử lý theo quy định…

Chất vấn nhóm vấn đề về công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư thời gian qua, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thế Toản nêu: hiện nay, có 56 dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chủ dự án đã hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế. Trong đó, có nhiều dự án khai thác khoáng sản lấy đất san lấp do tỉnh tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản từ năm 2020, 2021 nhưng đến nay chưa hoàn thành các thủ tục để thực hiện dự án.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thị Thu Thủy cho biết: Từ năm 2020 đến nay, qua rà soát có 57 dự án khai thác khoáng sản (đất san lấp) đã được UBND tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, có 22 dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và chủ dự án đã hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế. Mặc dù đã có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và chủ dự án đã hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chưa đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xã. Đặc biệt là các dự án đấu giá giai đoạn 2020 - 2022, một số mỏ phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng nhưng lại bị sai lệch về phạm vi khoanh vùng, tô màu trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Đối với 22 dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và chủ dự án đã hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế, đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thẩm định và báo cáo UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 11 dự án; còn lại 11 dự án chưa chấp thuận đầu tư. Trong đó, có 5 dự án chưa nộp hồ sơ đề nghị thực hiện dự án, 6 dự án đã nộp hồ sơ và Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức thẩm định để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định…

Minh Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ro-viec-ro-trach-nhiem-giai-phap-thuc-hien-post399313.html
Zalo