Rò rỉ đề thi Tú tài quốc tế IB, nghi do lệch múi giờ

Các thí sinh dự thi Tú tài quốc tế IB bày tỏ sự thất vọng về tính công bằng và lo ngại trước nguy cơ phải thi lại sau khi đề thi bị cho là rò rỉ trên mạng.

Tổ chức Tú tài quốc tế IBO đã phát hiện ra một số ít học sinh “gian lận múi giờ”. Ảnh: SCMP

Tổ chức Tú tài quốc tế IBO đã phát hiện ra một số ít học sinh “gian lận múi giờ”. Ảnh: SCMP

Theo trang inews, từ ngày 26/4 đến 2/5, một số đề thi của kỳ thi Tú tài quốc tế (IB) được chia sẻ trên nền tảng ứng dụng Telegram và diễn đàn Reddit.

45.000 lượt tải đề thi Tú tài quốc tế IB bị rò rỉ trên mạng

Thống kê của tờ South China Morning Post cho thấy, có hơn 45.000 lượt tải đề thi Tú tài quốc tế (International Baccalaureate hay IB) bị rò rỉ trên mạng. Trong đó, tính đến hết ngày 5/5, hơn 17.000 và 18.000 người tải xuống hai tài liệu về môn Toán "Paper 2 Math AA HL" và "Maths AA HL Questions". Đây được cho là đề thi IB dành cho thí sinh trong múi giờ 2, bao gồm học sinh ở châu Âu và châu Phi.

Ảnh chụp màn hình một kênh Telegram có tên PirateIB cho thấy tài khoản này đăng tải các câu hỏi liên quan đến bài thi Quản lý kinh doanh, Chính trị toàn cầu, Toán học, Vật lí, Khoa học máy tính, Sinh học và Hóa học.

Hiện tài khoản này đã xóa bỏ các nội dung được cho là đề thi. Quản trị viên kênh này cũng đăng tải lời xin lỗi các thí sinh bị ảnh hưởng và tuyên bố sẽ không tiếp tục phát tán đề thi.

"Chúng tôi công khai xin lỗi tất cả thí sinh có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc lộ đề. Năm nay, việc phát tán đề thi được thử nghiệm như một hình thức hỗ trợ cộng đồng, nhưng rõ ràng điều này không được đón nhận tích cực", trích bài đăng của PirateIB.

Quản trị viên của PirateIB biện hộ, việc phát tán đề thi có thể giúp nhiều học sinh ôn tập vào phút chót, tương tự việc sử dụng các đề thi thử trước đây. Cũng theo quản trị viên của PirateIB: "Mặc dù phương pháp này có thể không hoàn hảo, nhưng trong tình thế cấp bách, đôi khi phải dùng biện pháp cấp bách".

Trên mạng xã hội, phụ huynh và học sinh ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ bày tỏ sự bức xúc và cho rằng vụ rò rỉ đề thi là "không công bằng". Một số học sinh lo ngại trước nguy cơ bị yêu cầu thi lại.

Nghi do lệch múi giờ

Phản ứng trước thông tin trên, ngày 5/5, Tổ chức Tú tài quốc tế (gọi tắt là IBO, trụ sở chính ở Thụy Sĩ), cho rằng tài liệu rò rỉ trên mạng không phải là đề thi chính thức. Theo lý giải của IBO, thí sinh thi xong, ghi nhớ các câu hỏi rồi chia sẻ lên mạng xã hội để giúp các học sinh dự thi ở múi giờ khác.

Tổ chức IBO phát hiện một số ít học sinh đã gian lận và gọi đây là "gian lận múi giờ". Nhưng IBO cũng khẳng định "không có bằng chứng" cho thấy hành vi gian lận tràn lan.

IBO cũng cảnh báo thí sinh bị phát hiện gian lận sẽ phải đối mặt với nhiều hình phạt, bao gồm không được nhận điểm của bài thi hoặc các môn liên quan, nặng hơn là không được cấp bằng Tú tài quốc tế IB.

Đồng thời, IBO tuyên bố đang nỗ lực xác minh và có biện pháp xóa những tài liệu bị rò rỉ trên mạng, buộc thí sinh có liên quan phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, IBO lưu ý, Hội đồng chấm thi bình thường đối với các bài còn lại để đảm bảo những thí sinh trung thực không bị ảnh hưởng.

Theo IBO, tài liệu rò rỉ trên mạng không phải là đề thi chính thức. Ảnh: SCMP

Theo IBO, tài liệu rò rỉ trên mạng không phải là đề thi chính thức. Ảnh: SCMP

Kiến nghị hủy bỏ kỳ thi IB năm nay

Hiện vẫn chưa rõ có tổng cộng bao nhiêu học sinh xem qua tài liệu rò rỉ trước kỳ thi và liệu rằng những câu hỏi bị rò rỉ được thay đổi kịp thời trong mùa thi IB năm nay (từ 24/4 đến 17.5) hay không.

Sau khi dự thi vào ngày 1/5, bày tỏ thất vọng khi biết đề thi bị lộ, một thí sinh ở Hồng Kông nói: "Thí sinh ở châu Âu và các khu vực khác có thể đã có đáp án trước khi thi, điều này sẽ làm thay đổi điểm số vì hầu hết người trung thực dự thi sẽ có điểm thấp hơn do độ khó của đề. Đây là sự bất công đối với những người đã nỗ lực học tập để tham gia kỳ thi này".

Một phụ huynh cũng bày tỏ sự thất vọng trước cách xử lý và tuyên bố từ IBO khi nói với tờ The South China Morning Post: "Tôi hoài nghi về mức độ chuyên nghiệp của IBO. Tổ chức này không hề đưa ra lời xin lỗi dành cho những thí sinh đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và căng thẳng sau khi biết thông tin về vụ rò rỉ đề bài", bà Sandra Dellit, một công dân Australia có con gái tham gia kỳ thi IB ở Hồng Kông,

Hơn 3.000 người đã ký một bản kiến nghị trực tuyến, yêu cầu IBO hủy bỏ kỳ thi năm nay hoặc phải có biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo công bằng cho những học sinh không đọc tài liệu bị rò rỉ trên mạng.

Chương trình Tú tài quốc tế là một trong những chương trình học tập uy tín hàng đầu thế giới, ra vào năm 1968 tại Thụy Sỹ. Hiện nay, tấm bằng này được cấp bởi IBO và phổ biến tại hơn 150 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Các số liệu thống kê cho thấy gần 180.000 học sinh trên toàn cầu thi IB vào năm 2023. Chương trình IB kéo dài 2 năm và điểm thi này được dùng để xét tuyển vào các đại học trên thế giới.

Nguồn: SCMP

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ro-ri-de-thi-tu-tai-quoc-te-ib-nghi-do-lech-mui-gio-179240506163538014.htm
Zalo