Rèn ý thức, trách nhiệm tham gia giao thông

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do các em điều khiển phương tiện vi phạm quy định pháp luật; thiếu kỹ năng xử lý tình huống, thậm chí còn phóng nhanh, vượt ẩu, cố tình vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra điều kiện lái xe và phương tiện của học sinh tại cổng Trường THPT Đồng Hỷ. Ảnh: TL

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra điều kiện lái xe và phương tiện của học sinh tại cổng Trường THPT Đồng Hỷ. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, gia đình còn thiếu trách nhiệm trong quản lý con em khi đi học, giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển. Vì vậy, lực lượng chức năng, nhà trường và gia đình rất cần phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh.

Theo quy định, trẻ từ 16 tuổi trở xuống không được điều khiển xe máy điện lưu thông trên đường; người đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 và đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển xe mô tô hai bánh, mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự.

Tuy nhiên, với tiện ích là nhỏ gọn, không cần bằng lái và dễ điều kiển, không ít gia đình đã sắm xe gắn máy, xe máy điện cho con đi học khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Vào dịp đầu năm học, các trường đều quán triệt quy định của Luật Giao thông đường bộ, yêu cầu học sinh ký cam kết chấp hành các quy định khi tham gia giao thông. Tuy vậy, không ít trường hợp vẫn sử dụng xe gắn máy, xe máy điện đi học nhưng gửi ở nhà người quen hay những hộ dân gần trường.

Ðiều đáng lưu tâm là các em đang ở độ tuổi mới lớn, nhất là nam sinh khi tham gia giao thông lại thiếu kỹ năng và thích thể hiện nên ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) chưa cao. Tình trạng học sinh điều khiển xe gắn máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường, đi ngược chiều... diễn ra phổ biến.

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra 240 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh, làm chết 19 người, bị thương 227 người. Năm 2024, từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh xảy ra tổng cộng 533 vụ TNGT, làm chết 90 người và bị thương 531 người. Không ít trường hợp trong số này liên quan đến học sinh. Dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng ATGT liên quan đến học sinh vẫn là vấn đề nan giải.

Quyết liệt thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, trong tháng 10 vừa qua, Công an tỉnh đã đồng loạt ra quân, huy động tối đa lực lượng và phương tiện để kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT đối học sinh, người giao phương tiện cho học sinh, người chở học sinh trên các phương tiện vận tải đường bộ…

Tổng cộng lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện 4.073 hành vi vi phạm, lập biên bản xử lý 2.613 trường hợp là học sinh, phạt tiền trên 530 triệu đồng; tạm giữ 766 xe mô tô và 1.328 phương tiện khác. Trong số này có 1.744 trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy; 328 trường hợp không đội mũ bảo hiểm.

Đáng chú ý là đối với các trường hợp vi phạm, cơ quan Công an đều gửi thông báo về nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục học sinh bằng nhiều hình thức; trang bị cho các em kỹ năng năng lái xe an toàn, xử lý các tình huống nguy hiểm thường gặp và văn hóa khi tham gia giao thông.

Một tháng triển khai đợt cao điểm đã tạo hiệu quả tích cực khi số vi phạm, số vụ TNGT liên quan đến học sinh giảm sâu. Quan trọng hơn là trách nhiệm của gia đình và nhận thức bản thân học sinh có sự chuyển biến rõ nét, góp phần đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi tham gia giao thông.

Nhị Hà

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/202411/ren-y-thuc-trach-nhiem-tham-gia-giao-thong-1970651/
Zalo