Rèn tư duy logic và lập luận để không mất điểm bài đọc môn Tiếng Anh
Khi tập trung rèn tư duy logic và lập luận, học sinh sẽ có cách tiếp cận linh hoạt bài đọc môn Tiếng Anh để giành điểm cho mình.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định, Hà Nội trong giờ học trên lớp. Ảnh: Đình Tuệ.
Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, thí sinh sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây là giai đoạn quan trọng để học sinh tập trung ôn luyện các kiến thức, kỹ năng cơ bản ở các môn, trong đó có Tiếng Anh.
Lưu ý dành cho giáo viên
Theo cô Hoàng Thị Kim Thoa - Tổ phó chuyên môn Tiếng Anh của Trường THPT Trương Định, quận Hoàng Mai (Hà Nội), thời điểm này các thầy cô cần giúp học sinh nắm rõ cấu trúc thông qua ma trận đề thi, nắm vững các chủ điểm kiến thức trọng tâm về từ vựng, ngữ pháp và các dạng bài tập thường gặp. Dành thời lượng phù hợp để tập trung ôn các chuyên đề trọng điểm về ngữ pháp và câu hỏi về từ vựng trong bài đọc hiểu.

Cô Hoàng Thị Kim Thoa đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Tiếng Anh.
Đồng thời thiết kế các dạng bài tập bám sát dạng của đề minh họa và ma trận. Luyện tập cho học sinh kỹ năng làm bài đạt hiệu quả cho từng dạng bài cụ thể trong cấu trúc đề thi theo thời gian giới hạn. Tập trung luyện đề giống với đề minh họa để làm quen định dạng đề thi. So sánh kết quả của các lần luyện đề thực tế và giúp học trò khắc phục các nội dung chưa đạt ở bài trước.
Việc theo dõi tiến trình học của từng em sẽ giúp giáo viên đưa ra những bài học và phương pháp ôn tập phù hợp. Ngoài ra, việc làm nhiều đề thi sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn cấu trúc đề thi và các phần cần chú ý trong đề thi. Học sinh có thể củng cố thêm về từ vựng và cấu trúc về các chủ điểm qua các đề luyện.
"Thầy cô cần phân loại học sinh cần hỗ trợ theo năng lực để áp dụng phương pháp giảng dạy và lựa chọn dạng đề luyện phù hợp, giúp các em đạt được các mục tiêu trong kỳ thi một cách hiệu quả như các lớp đồng hành (dành cho học sinh năng lực hạn chế); lớp 25+ (dành cho những em có mục tiêu đạt điểm cao) mà trường chúng tôi đang áp dụng" - cô Kim Thoa trao đổi.
Không chỉ vậy, giáo viên có thể khuyến khích học sinh ôn tập theo nhóm để cùng nhau trao đổi kiến thức, giải đáp thắc mắc và cùng luyện đề. Tận dụng ưu điểm của các phần mềm trực tuyến như: Azota, Shub... để giao thêm đề cho học sinh tự luyện tập ở nhà có kiểm tra và nhắc nhở, theo dõi tiến độ làm bài của học trò.
Học sinh cần có kế hoạch ôn cụ thể

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Học sinh cần nắm chắc các cấu trúc đề thi, căn cứ vào từng dạng câu hỏi và chú trọng đến các kiến thức về từ vựng, ngữ pháp để đạt điểm cao.
Cụ thể, thí sinh cần nắm vững các thì, dạng của động từ, mệnh đề quan hệ, câu bị động, cụm động từ, đảo ngữ và các dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi. Mở rộng vốn từ vựng theo các chủ đề thường xuất hiện trong đề thi như giáo dục, môi trường, công nghệ, xã hội.
Học sinh phải rèn kỹ năng đọc hiểu đoạn văn, bài đọc với các câu hỏi liên quan đến nội dung, từ vựng và cấu trúc câu; rèn kỹ năng sắp xếp câu để hoàn thành đoạn hội thoại, tạo khả năng tư duy logic để kết nối với nội dung ngữ cảnh phù hợp. Để sắp xếp hoàn thành các đoạn văn, thí sinh phải hiểu và nắm chắc cấu trúc viết một đoạn văn bằng Tiếng Anh và tư duy suy luận theo tiến trình của đoạn văn.
Với những học sinh có mục tiêu đạt từ điểm 8 trở lên cần tập trung vào dạng bài đọc hiểu (2 bài đọc hiểu) và đọc điền cấu trúc câu (dạng này yêu cầu hiểu ngữ cảnh và kết hợp đúng cấu trúc ngữ pháp). Ngoài kỹ năng đọc hiểu, ba dạng bài yêu cầu rất cao về vốn từ vựng.
"Đặc biệt, thí sinh cần rèn kỹ năng tư duy logic, lập luận và cách tiếp cận bài đọc một cách linh hoạt. Làm đề thi thử có độ khó tương đương hoặc cao hơn đề chính thức để rèn phản xạ và tư duy xử lý bài tập nhanh. Học cách phân tích, tìm hướng giải quyết trước khi bắt tay vào làm bài, tránh sa vào bẫy đề thi. Điều quan trọng không kém là các em biết phân bổ thời gian hợp lý để làm bài hiệu quả và đạt điểm cao", cô Kim Thoa lưu ý.