Rẽ phải khi đèn đỏ: Cấm, hay là...?
Việc mở rộng áp dụng quy định cho phép rẽ phải khi đèn đỏ tại những tuyến đường phù hợp đang được các cơ quan liên quan nghiên cứu
Chiều 7-1, tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP HCM), hàng loạt phương tiện di chuyển chậm. Mặc dù ùn tắc kéo dài nhưng không có hiện tượng xe máy leo lề hay rẽ phải khi đèn đỏ thường thấy.
Ùn tắc kéo dài
Người tham gia giao thông nhích từng chút, chờ nhiều lượt đèn xanh để thoát khỏi điểm kẹt xe này. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trước các nút giao thông như Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Du, Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ (quận 1).
Tại ngã tư Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), người dân di chuyển từ đường Phan Đình Phùng đến ngã tư Phú Nhuận gặp khó khăn khi muốn rẽ phải vào đường Phan Đăng Lưu. Do không có biển chỉ dẫn hay tín hiệu đèn, giao lộ này thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc.
Một điểm khác là nút giao Hoàng Văn Thụ - Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình), dù đây là khu vực có lưu lượng xe đông và đường một chiều nhưng cũng không cho phép rẽ phải và tình trạng ùn ứ xuất hiện.
Anh Minh Sơn (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết thường xuyên đối mặt với tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm. Anh cảm nhận gần đây kỷ luật khi tham gia giao thông của nhiều người đã quy củ nhưng ùn tắc thì có vẻ trầm trọng hơn. "Nếu một số tuyến đường được phép rẽ phải khi đèn đỏ, chắc chắn giao thông sẽ thông thoáng hơn phần nào" - anh Sơn nói.
Mức phạt cao
Một thực tế là người dân trước đây khi di chuyển đến các đèn tín hiệu giao thông gặp đèn đỏ thường "mặc nhiên" cho phương tiện rẽ phải.
Tuy nhiên, căn cứ điểm c khoản 4 điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, tín hiệu đèn giao thông màu đỏ là cấm đi. Như vậy, người tham gia giao thông khi gặp đèn đỏ không được rẽ phải trừ trường hợp những nơi có biển báo phụ cho phép được rẽ phải.
Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 quy định người điều khiển ô tô hoặc các loại xe tương tự không chấp hành đèn tín hiệu giao thông sẽ bị xử phạt 18-20 triệu đồng; với xe máy là 4-6 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe.
Theo đại diện Phòng CSGT Công an TP HCM, chỉ từ ngày 1 đến 4-1, Phòng CSGT và Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức đã xử phạt 6.106 vụ vi phạm giao thông với số tiền hơn 10 tỉ đồng. Trong đó, lực lượng CSGT ở TP HCM xử phạt 225 vụ vượt đèn đỏ với 7 ô tô và 218 xe máy.
Một cán bộ thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM xác nhận người dân chỉ được rẽ phải khi được sự điều tiết bởi lực lượng Cảnh sát giao thông; giao lộ có biển được phép rẽ phải khi đèn đỏ; có đèn mũi tên màu xanh được phép rẽ phải…
Chuyên gia đề xuất
KTS Trương Nam Thuận (Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh) cho rằng Nghị định 168/2024 với mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành giao thông, giảm thiểu hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ đã tạo một bước tiến trong quản lý giao thông. Tuy nhiên, khi nghị định này được triển khai vào thực tế, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP HCM, lại bộc lộ một số vấn đề.
Một trong những biểu hiện là việc người dân trở nên quá e ngại khi đối diện tín hiệu đèn đỏ. Mức phạt cao và việc trừ điểm khi vi phạm khiến nhiều tài xế không dám quẹo phải khi đèn đỏ mà không có biển báo phụ.
"Khi đèn đỏ bật lên, nhiều phương tiện dừng lại tạo thành một lượng lớn xe dồn ứ và khi đèn xanh chuyển thì không thể giải quyết hết số lượng phương tiện còn lại, khiến tình trạng tắc nghẽn càng trở nên nghiêm trọng" - KTS Trương Nam Thuận nhận xét và cho rằng quy định nghiêm ngặt nhưng thiếu sự linh hoạt sẽ gia tăng tắc nghẽn.
KTS Nguyễn Đình Hòa, hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, nhìn nhận quy định cấm rẽ phải khi đèn đỏ tạo thuận lợi cho người đi bộ khi cần băng qua đường mà không lo ngại luồng xe rẽ phải.
Tuy nhiên, điều này làm tăng mức độ ùn tắc, ô nhiễm môi trường tại hầu hết các nút giao thông có lưu lượng phương tiện lớn. Ngoài áp lực lên luồng giao thông, việc kéo dài thời gian di chuyển còn gây lãng phí thời gian và nguồn lực xã hội.
Giải pháp ngắn hạn là cho phép rẽ phải đối với xe gắn máy và xe đạp tại hầu hết các trục đường giao thông tại TP HCM. Bên cạnh đó, gắn biển báo yêu cầu chạy chậm đối với luồng giao thông rẽ phải của xe gắn máy và xe đạp để bảo đảm an toàn lưu thông cho người đi bộ khi cần băng qua đường.
Về giải pháp lâu dài, KTS Nguyễn Đình Hòa đề xuất cần có quy hoạch đồng bộ và hợp lý cho hạ tầng giao thông, bảo đảm tỉ lệ diện tích đường giao thông phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Nâng cao ý thức chấp hành
Theo ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, quy định không rẽ phải khi đèn đỏ được áp dụng từ lâu để bảo đảm an toàn cho người đi bộ - nhóm yếu thế trong giao thông. Thói quen rẽ phải khi đèn đỏ tại TP HCM phổ biến do lượng phương tiện quá đông và hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, hành vi này vi phạm luật và sẽ bị xử lý nghiêm nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Lợi, TP HCM cũng đã cho phép rẽ phải tại một số giao lộ đủ điều kiện và Sở Giao thông Vận tải TP HCM cùng các cơ quan liên quan đang nghiên cứu mở rộng áp dụng quy định cho phép rẽ phải khi đèn đỏ trên những tuyến đường phù hợp. Việc này không chỉ bảo đảm an toàn giao thông mà còn góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc tại các điểm nóng, đặc biệt trong giờ cao điểm...