Rầy gây hại nặng trên cây lúa Phú Yên

Gần đến kỳ thu hoạch nhưng người trồng lúa vụ đông xuân ở tỉnh Phú Yên cảm thấy lo lắng ảnh hưởng lớn đến năng suất do rầy gây hại trên diện rộng.

Nhiều diện tích lúa của nông dân thị xã Đông Hòa bị rầy gây hại nặng.

Nhiều diện tích lúa của nông dân thị xã Đông Hòa bị rầy gây hại nặng.

Nguyên nhân là do vào thời kỳ giữa vụ, cây lúa đang giai đoạn làm đòng-trổ, gặp gió đông nam thổi mạnh, xuất hiện rầy nâu và rầy lưng trắng trên hầu hết các cánh đồng. Đến kỳ lúa chín sữa-chín sáp, trời liên tục âm u, mưa và nắng xen kẽ, càng tạo điều kiện thuận lợi cho rầy bùng phát, cháy chòm.

Mặc dù đã phun thuốc đến lần thứ 6, chi phí hơn 1 triệu đồng nhưng thửa ruộng 800m2 thuộc xứ đồng sân kho-gò độ của bà Trần Thị Thu Vân ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông, thị xã Đông Hòa vẫn bị rầy hại khô 40% diện tích, phần còn lại lép hạt, năng suất ước sụt giảm khoảng 50%.

Theo bà Vân, mấy vụ trước chỉ cần phun 2 lần là dứt điểm nhưng không hiểu sao vụ này rầy lại không chết triệt để, mà tiếp tục lan nhanh thành dịch trên diện rộng. Nếu gặp mưa, gió, lúa sẽ ngã rạp, mất trắng.

Thị xã Đông Hòa có hơn 4.500ha lúa thì có đến 1.800ha bị rầy nâu gây hại. Trong đó, diện tích bị cháy chòm hơn 65ha, năng suất dự báo giảm từ 20-30%. Bà Võ Thị Thấm, Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Chăn nuôi thị xã cho hay, đây là năm đầu tiên rầy diễn biến phức tạp, nên dù phát hiện sớm, kịp thời khuyến cáo bà con phòng trừ, nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

“Vừa rồi, lúa bị một đợt mưa, ngập nước, bà con sạ đi sạ lại, nhiều diện tích hư hỏng hoàn toàn cũng góp phần làm giảm năng suất”, bà Thấm nói.

Vụ đông xuân 2024-2025, nông dân tỉnh Phú Yên vẫn gieo sạ những giống ghi nhận nhiễm rầy như: IR17494, OM2695-2, OM269-65, MT10, BĐR27, ĐV108, QN9, TBR1, TBR97, BĐR999, CH133, ML213, PY8, PY10. Điều này góp phần làm cho mức độ gây hại của rầy nặng hơn. Rầy phát sinh gây hại trên diện rộng hầu hết các địa bàn trọng điểm lúa của tỉnh là huyện: Tuy An, Đồng Xuân, Phú Hòa, Tây Hòa, thị xã Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa, trong đó nhiều và nặng nhất là huyện Tây Hòa và thị xã Đông Hòa.

Lúa bị rầy gây cháy chòm, không thể thu hoạch được.

Lúa bị rầy gây cháy chòm, không thể thu hoạch được.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Yên, các địa phương này có hơn 4.660ha lúa bị nhiễm rầy. Trong đó, nhiễm nặng 174ha, trung bình 684,9ha, nhẹ 1.214ha. Từ ngày 14/3/2025, Chi cục Trồng Trọt và Chăn nuôi đã có công văn về việc tăng cường phòng, chống sinh vật gây hại trên cây lúa giai đoạn giữa và cuối vụ đông xuân 2024-2025, trong đó cảnh báo điều kiện phát sinh, phát triển, sẽ gây hại nặng vào giai đoạn cuối vụ, nhắc nhở các địa phương quan tâm thực hiện một số biện pháp để quản lý rầy.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Phú Yên cho biết, những diện tích bị rầy gây hại, bà con nông dân phun thuốc trừ từ 1-3 lần, nên mật độ rầy cơ bản đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, lúa trà chính vụ đang bước vào giai đoạn chín sáp-chín hoàn toàn, nguồn rầy còn trên đồng ruộng, kết hợp ban ngày nắng nóng, gió đông nam hoạt động, chân ruộng không có nước vẫn có nguy cơ tiếp tục chết cháy.

Riêng những diện tích rầy mới phát sinh thì có khả năng chống chịu được đến kỳ thu hoạch, ít ảnh hưởng đến năng suất. Đối với trà lúa giai đoạn chín sữa-chín sáp, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tiếp tục chỉ đạo các trạm trực thuộc tích cực phối hợp với địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân phòng trừ.

Phú Yên có tổng diện tích lúa đông xuân hơn 26.630ha, năng suất vụ 2023-2024 đạt 77,1 tạ/ha, tăng 4% so với năm 2023. Vụ 2024-2025 này, ngoài lúa bị rầy gây hại nặng trên diện rộng, nhiều diện tích bị ảnh hưởng bởi thời tiết âm u, gió kéo dài, dẫn đến sinh trưởng chậm, nguy cơ lép hạt cao, năng suất sẽ giảm so với cùng kỳ vụ trước. Trong khi đó, giá lúa tại thời điểm này giảm so với đầu vụ thu hoạch hè thu năm ngoái, dự báo nông dân sẽ gặp khó khăn.

PHƯƠNG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ray-gay-hai-nang-tren-cay-lua-phu-yen-post873178.html
Zalo