Rau mầm có thực sự sạch?

Rau mầm thường được xem là thực phẩm sạch và an toàn, dễ chế biến. Tuy nhiên, ăn rau mầm không đúng cách vẫn có thể gây hại cho sức khỏe. Rau mầm có thể khiến người ăn bị ngộ độc nếu quá trình trồng hoặc chế biến, nấu rau không đảm bảo.

Rau mầm dễ bị nhiễm khuẩn

Rau mầm là loại thực phẩm chứa nhiều chất bổ dưỡng có lợi cho sức khỏe. Nhiều bà mẹ sử dụng rau mầm để chế biến các món ăn ngon cho cả gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ như sinh tố, nước ép, cháo… vì rau mầm có nhiều chất bổ dưỡng.

Có con nhỏ 1 tuổi, chị Mỹ Linh (trú ở Đan Phượng, Hà Nội) thường xuyên sử dụng rau mầm để nấu cháo cho con gái. Qua tìm hiểu, chị Linh cho biết, các chất dinh dưỡng trong rau mầm phải kể đến như protein, vitamin, carbohydrate, khoáng chất,... giúp hỗ trợ rất lớn cho hệ tiêu hóa của trẻ và rất tốt cho sức khỏe của làn da bé.

Còn với chị Thanh Mai (Dương Nội, Hà Đông) có thói quen mua rau mầm về làm món salad cho cả gia đình. Đây là món ăn giải nhiệt được gia đình chị yêu thích trong những ngày Hè nóng bức.

Nhiều người coi rau mầm là nguồn dinh dưỡng dồi dào; ăn rau mầm có thể giúp tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, rau mầm có thực sự sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe? Thực tế, rau mầm cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm khi ăn sống hoặc thậm chí nấu chín.

Bất kỳ loại mầm sống nào đều có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Hà Linh

Bất kỳ loại mầm sống nào đều có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Hà Linh

Theo các chuyên gia y tế, bất kỳ loại mầm sống nào (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành)… đều có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Điều này chủ yếu là do sự hiện diện của vi khuẩn bao gồm Salmonella, E.coli và Listeria.

Theo TS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, rau mầm rất dễ bị nhiễm khuẩn, điều này có thể xảy ra trong quá trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Ngoài ra, một số loại rau mầm, đặc biệt là mầm cỏ linh lăng rất dễ bị nhiễm các loại khuẩn gây bệnh nặng như vi khuẩn E. coli và salmonella.

Lý do khiến rau mầm có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn còn do không bảo quản đúng cách. Mặt khác, nguy cơ bị ngộ độc tăng lên do sử dụng phân bón để tăng năng suất. Nguyên nhân dẫn đến ăn rau mầm có thể bị ngộ độc là do chính đặc tính sinh học của hạt giống. Theo nhiều nghiên cứu, trong mầm khoai tây và mầm các loại dưa dây có chứa độc chất Alkaloid Solanine. Người bị ngộ độc do độc chất này sẽ có các triệu chứng buồn nôn, đau đầu, tức ngực, tiêu chảy, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, TS Nguyễn Trọng Hưng cũng lưu ý, hàm lượng glucozit bên trong rau mầm của một số loại đậu như đậu ván, đậu kiếm, đậu trứng chim, đậu mèo sẽ sản sinh ra axit cyanhydric gây ngộ độc cấp tính, biểu hiện là đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa,... nặng hơn có thể gây tử vong.

Cách lựa chọn rau mầm

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, rau mầm có thể khiến người ăn bị ngộ độc nếu quá trình trồng hoặc rau không đảm bảo. Nguồn nước, đất hoặc giá thể không đảm bảo.

Ngoài ra, nếu người trồng sử dụng hạt mầm có tẩm hóa chất hoặc quá trình trồng sử dụng dung dịch kích thích tăng trưởng để tưới thì khi rau lên mầm, nảy lá, các chất này vẫn sẽ tồn đọng (do thời gian thu hoạch ngắn ngày, hóa chất chưa kịp phân hủy) và có thể gây ngộ độc khi ăn.

Rau mầm rất giàu dưỡng chất và năng lượng nên người dân không nên sử dụng quá nhiều

Rau mầm rất giàu dưỡng chất và năng lượng nên người dân không nên sử dụng quá nhiều

Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, người dân muốn trồng rau mầm phải chọn những hạt giống sạch, dành riêng cho rau mầm. Cách lựa chọn hạt giống có ảnh hưởng quan trọng đến việc tránh nguy cơ gây ngộ độc. Nên mua hạt giống ở nơi uy tín, không lẫn hạt tạp, không có dấu hiệu bị sâu, bệnh.

Người dân nên trồng những loại rau mầm đã được nghiên cứu và chứng minh là có thể ăn. Ví dụ như rau mầm củ cải trắng, mầm lạc, đậu tương, súp lơ, rau muống,...

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau mầm rất giàu dưỡng chất và năng lượng nên mỗi người không nên sử dụng quá nhiều. Lượng rau mầm được khuyến cáo sử dụng là 50 đến 70g/ngày và nên sử dụng rau mầm xen kẽ với các loại rau thường khác.

Người dân không nên ăn rau mầm quá nhiều và hạn chế ăn sống nếu có hệ tiêu hóa và sức đề kháng yếu. Không ăn những loại rau mầm lạ, chưa được nghiên cứu chứng minh là có thể ăn và không ăn rau mầm đã quá hạn (quá 4 ngày kể từ khi thu hoạch).

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình, người dân cần tìm hiểu về cách lựa chọn cũng như chế biến rau mầm sao cho phù hợp. Khi lựa chọn rau mầm, nên chọn mua rau ở nơi uy tín, đáng tin cậy, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, in rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Một lưu ý khác, là tránh mua rau mầm có màu lạ; lá mầm vàng; thân và lá rau to, xanh, bóng mượt quá mức; phần gốc mọc rễ mới. Đây là các dấu hiệu thường gặp ở rau mầm có chứa chất bảo quản và chất kích thích sinh trưởng.

Ngoài ra, rau mầm trước khi chế biến cần được rửa nhiều lần, thật sạch, thật kỹ dưới vòi nước chảy. Sau đó, cho rau mầm vào nước muối loãng và ngâm trong khoảng 10-15 phút. Bằng cách này, chúng ta có thể loại bỏ bớt những hóa chất còn tồn đọng trong rau, giảm nguy cơ ngộ độc.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/rau-mam-co-thuc-su-sach.html
Zalo