Ráo riết phòng, chống sốt xuất huyết

Theo dự báo, số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) sẽ tăng cao trong thời gian tới do tác động của thời tiết. Trước sự xuất hiện song hành 2 loại muỗi Aedes Aegypti và Aedes Albopictus, ngành y tế khuyến cáo cần cảnh giác, giám sát liên tục, phát hiện, báo cáo các ca bệnh với cơ quan chức năng kịp thời.

Phun hóa chất tại vùng có dịch bệnh ở Nam Đông

Phun hóa chất tại vùng có dịch bệnh ở Nam Đông

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Những ngày này, công việc của Trưởng thôn Pâr Nghi (xã A Ngo, huyện A Lưới) Hồ Thị Trình vất vả hơn thường lệ. Trong thôn đã có 10 ca bệnh SXH, nên ban ngày chị phối hợp với cán bộ y tế phun thuốc diệt muỗi, điều tra dịch tễ, thau vét bọ gậy; buổi tối chị phải tranh thủ chờ người dân đi rẫy về để truyền thông, vận động phát quang bụi rậm quanh khu vực. Việc phòng, chống SXH trên địa bàn được yêu cầu phải quyết liệt, dốc sức nhiều hơn bởi số ca bệnh có dấu hiệu tăng và tình hình thời tiết khiến muỗi sinh sôi nhanh, làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Chị Hồ Thị Tường, Trưởng thôn A Ngo, xã A Ngo kể: “Chúng tôi phải tổ chức họp dân, cảnh báo dịch bệnh, tiến hành ký cam kết. Hộ nào vắng họp thì cán bộ thôn phải đến tận nhà rà soát, nhắc nhở”.

Năm 2021, 2022, A Lưới xuất hiện một vài ca bệnh rải rác; năm 2023 không có ca bệnh; năm nay, số ca SXH tăng nhanh và diễn biến phức tạp. A Ngo là một trong hai địa bàn ở A Lưới có nhiều ca bệnh SXH. Truyền thông nâng cao nhận thức phòng bệnh, phát quang bụi rậm, diệt bọ gậy không chỉ là trách nhiệm của cán bộ y tế mà cán bộ thôn, xã, các tổ chức, ban ngành đều chung tay vào cuộc. Theo thống kê ban đầu từ Trung tâm Y tế (TTYT) huyện A Lưới, số ca bệnh SXH xác định là 73 ca (có 4 ca trực tiếp điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, 7 ca đến Bệnh viện Đa khoa Bình Điền). 11/18 xã, thị trấn của huyện A Lưới đã có ca bệnh.

Tại huyện Nam Đông, ngành y tế ghi nhận 9 trường hợp mắc SXH tại 4/10 xã, thị trấn, không có trường hợp tử vong. Xuất hiện ổ dịch SXH tại tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre (đã ghi nhận 4 ca bệnh trong 1 ổ dịch). TTYT huyện Nam Đông triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát trên địa bàn. Bên cạnh phun hóa chất diệt muỗi ở tổ dân phố 2, chính quyền địa phương cùng các ban ngành còn ra quân thu gom phế thải, phát quang bụi rậm, loại trừ ổ chứa bọ gậy theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng vật chứa”.

Theo BS. Phạm Ngọc Mai - Phó Trưởng khoa liên chuyên khoa Kiểm soát bệnh tật - Y tế công cộng và An toàn thực phẩm TTYT huyện Nam Đông, ban lãnh đạo chỉ đạo hệ thống y tế từ dự phòng đến điều trị tích cực trong giám sát phát hiện sớm, xét nghiệm chẩn đoán nhanh, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Hệ thống điều trị bảo đảm thu dung và điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong…

Xử lý diện rộng, liên tục

Đó là một trong những kiến nghị của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đối với các địa bàn vùng cao khi phát hiện ổ dịch và vùng nguy cơ trước tình hình thời tiết phức tạp, nguy cơ ca bệnh sẽ tăng vào cuối năm.

Ở thị trấn Khe Tre, Nam Đông - địa bàn trọng điểm về SXH, hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy theo chủ trương duy trì hàng tuần, lồng ghép với phong trào “Chủ nhật xanh” diễn ra từ tháng 9 cho đến khi không còn ca bệnh nào. Thị trấn Khe Tre có 12 cộng tác viên phòng, chống SXH; ngoài ra, 60/60 thôn, tổ tại 10/10 xã, thị trấn đều có cán bộ y tế thôn bản, tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh này.

BSCKI Võ Phi Long - Giám đốc TTYT huyện Nam Đông cho hay: “Chúng tôi phát huy vai trò của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, người dân trong việc phối hợp với ngành y tế triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy; duy trì hoạt động "Ngày Chủ nhật xanh" xuyên suốt mùa dịch, nhằm đảm bảo chỉ số BI < 10. Tổ chức điều tra, giám sát, xử lý các ca bệnh triệt để theo quy trình của Bộ Y tế; 100% ca bệnh được thông báo, điều tra, xử lý trước 48 giờ”.

Qua hệ thống giám sát các dịch bệnh, tháng 8 là thời điểm bắt đầu ghi nhận nhiều trường hợp SXH tại thị trấn A Lưới, xã A Ngo; đến nay vẫn có thêm các trường hợp mắc bệnh. Hiện thị trấn A Lưới có 36 ca, cao nhất trong toàn huyện. Qua kiểm tra thực tế của lực lượng chức năng, vật chứa thùng xốp, xô chậu, bể cảnh, lốp phế thải… là nơi sinh sôi lý tưởng của bọ gậy.

BSCKI Dương Minh Trí - Phó Giám đốc TTYT A Lưới cho biết, sẽ tiếp tục xử lý các ổ dịch một cách triệt để; tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân; xây dựng kế hoạch huy động các ban, ngành tham gia thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy ở các ổ dịch. TTYT huyện A Lưới cũng tổ chức tuyên truyền phòng, chống SXH cho bệnh nhân và người nhà dưới hình thức phát video ngắn, tờ rơi minh họa về triệu chứng, đường lây truyền bệnh, các biện pháp phòng tránh… Đồng thời, yêu cầu các trạm y tế cơ sở giám sát, phát hiện ca bệnh kịp thời, báo cáo cho tuyến trên.

Trước thực trạng dịch SXH diễn biến phức tạp ở vùng cao, CDC tỉnh đã cử đoàn cán bộ cùng TTYT huyện về cơ sở điều tra dịch tễ, lấy mẫu máu xét nghiệm, xử lý môi trường. Mới đây, đoàn cán bộ của Viện` Pasteur Nha Trang có chuyến làm việc, kiểm tra thực tế ở các địa phương, trong đó có Nam Đông và A Lưới.

CDC tỉnh vừa cấp thêm 24 lít hóa chất, cho mượn thêm 2 máy bơm hỗ trợ TTYT A Lưới xử lý môi trường. BS. Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng CDC tỉnh lưu ý: “Qua giám sát điều tra ổ bọ gậy, vùng cao xuất hiện song hành 2 loại muỗi Aedes Aegypti và Aedes Albopictus nên khi phun xử lý hóa chất cần thực hiện phun trong lẫn ngoài nhà. Bên cạnh chiến dịch thau vét bọ gậy triệt để, có thể xử lý diện rộng, xử lý nhiều lần liên tục và lập kế hoạch phun chủ động khi nhận thấy các vùng có nguy cơ cao”.

Bài, ảnh: L. TUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/rao-riet-phong-chong-sot-xuat-huyet-146214.html
Zalo