Rào cản với mục tiêu năng lượng sạch Ấn Độ

Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Ấn Độ vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguồn tài trợ của chính phủ và lao động có kỹ năng, có khả năng cản trở các mục tiêu năng lượng sạch của quốc gia.

Một nữ kỹ thuật viên làm việc trên dây chuyền lắp ráp tại một trung tâm sản xuất tấm pin mặt trời ở Greater Noida, ngoại ô New Delhi, Ấn Độ. Nguồn: Reuters.

Một nữ kỹ thuật viên làm việc trên dây chuyền lắp ráp tại một trung tâm sản xuất tấm pin mặt trời ở Greater Noida, ngoại ô New Delhi, Ấn Độ. Nguồn: Reuters.

Khoảng cách kỹ năng

Theo các nhà quản lý trong ngành năng lượng mặt trời, những rào cản mà các nhà sản xuất tấm pin mặt trời và pin lưu trữ phải đối mặt đang làm tăng chi phí và trì hoãn các dự án, đe dọa khả năng giảm lượng khí thải carbon và đáp ứng các cam kết quốc tế về khí hậu của Ấn Độ.

Điều này cũng làm nổi bật những thách thức mà chương trình "Make in India" của Thủ tướng Narendra Modi đang phải đối mặt, chương trình này nhằm củng cố 15 lĩnh vực, trong đó có năng lượng tái tạo và điện tử, trong nỗ lực biến quốc gia Nam Á này thành một trung tâm sản xuất toàn cầu.

Chính phủ của Thủ tướng Modi đã áp thuế 40% đối với tấm pin mặt trời của Trung Quốc và 25% đối với pin nói chung, phân bổ khoảng 3 tỷ USD cho các ưu đãi liên quan đến sản xuất cho các nhà sản xuất trong nước, như một phần của mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

Tuy nhiên, các giám đốc điều hành trong ngành cho biết, Ấn Độ - quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 thế giới - phải tăng đáng kể các chương trình tài trợ và đào tạo trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu mở rộng công suất nhiên liệu không hóa thạch thêm 50 GW mỗi năm lên 500 GW vào năm 2030.

Họ cảnh báo rằng, việc chính phủ không có hành động mạnh mẽ hơn cũng có thể cản trở động lực sản xuất rộng lớn của nước này, nơi đã đầu tư gần 24 tỷ USD tiền ưu đãi của nhà nước trong giai đoạn 5 năm, với khoảng 20 tỷ rupee khác được dành riêng hàng năm để nâng cao kỹ năng và mở rộng đào tạo.

Ông Dwipen Boruah - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn năng lượng tái tạo GSES India cho biết, tình trạng thiếu hụt nhân lực có tay nghề là một vấn đề lớn. Công ty đã đào tạo hơn 7.000 người về công nghệ tái tạo và muốn chính phủ tăng đáng kể trợ cấp cho giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực này.

"Hàng trăm học viện tư nhân đang khai thác các khoản trợ cấp này nhưng lại cung cấp chương trình đào tạo kém chất lượng" - ông Boruah nói, đồng thời cho biết thêm rằng, các khoản trợ cấp nhỏ - thường chỉ vài nghìn rupee cho mỗi sinh viên - cản trở hiệu quả giáo dục.

Ông Boruah và các giám đốc điều hành khác trong ngành lưu ý, trong khi Ấn Độ đào tạo hơn một triệu kỹ sư hàng năm, thì các trường cao đẳng truyền thống không được trang bị để giảng dạy về công nghệ năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các công nghệ tái tạo khác.

Một số giám đốc điều hành cho biết, mức ngân sách đào tạo khoảng 5 - 6 tỷ rupee hiện tại của chính phủ nên được tăng lên gấp 10 lần. Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng tái tạo Ấn Độ Pralhad Joshi đã công bố thành lập một hội đồng chung với đại diện của ngành để giải quyết các vấn đề chính, trong đó có đào tạo, nhằm đáp ứng các mục tiêu về năng lượng sạch.

Vấn đề với 1,2 triệu lao động

Theo TeamLease Services - một công ty cung cấp nhân sự hợp tác với ngành và chính phủ về đào tạo, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt kỹ năng khoảng 1,2 triệu người, với nhu cầu dự kiến sẽ tăng 26%, tạo ra nhu cầu về 1,7 triệu lao động lành nghề vào năm 2027.

Đầu năm nay, chính phủ đã đề xuất tăng cường hỗ trợ nâng cao kỹ năng và nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với các kỹ thuật viên Trung Quốc, sau khi nhiều công ty cho biết, máy móc nhập khẩu đắt tiền đang không được sử dụng do thiếu lao động lành nghề.

Bà Vaishali Nigam Sinha, đồng sáng lập của ReNew - một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất của Ấn Độ cho biết, tình trạng thiếu hụt kỹ năng là một trong những "rào cản bị đánh giá thấp" nhất đối với quá trình chuyển đổi năng lượng. "Việc thiếu các kỹ sư, kỹ thuật viên và quản lý dự án lành nghề đang đẩy chi phí hoạt động lên cao" - bà Sinha cho biết.

Sự thiếu hụt này xảy ra khi Ấn Độ đẩy nhanh kế hoạch đạt 35 GW công suất điện mặt trời và điện gió vào tháng 3/2025, do nhu cầu điện dự kiến tăng 7% hàng năm. Các nhà sản xuất cho biết, khoảng cách kỹ năng cũng có thể hạn chế kế hoạch mở rộng xuất khẩu mô-đun năng lượng mặt trời của Ấn Độ, đạt 1,9 tỷ USD trong năm tài chính 2023, chủ yếu là sang thị trường Mỹ.

Công ty phát điện Tata Power đã thành lập 11 cơ sở đào tạo, đào tạo 300.000 thanh niên về lắp đặt năng lượng mặt trời, quản lý pin và các công nghệ xanh khác. Ông Himal Tewari - Giám đốc nhân sự của công ty cho biết: "Một lực lượng lao động lành nghề là điều cần thiết để đẩy nhanh việc triển khai dự án, đảm bảo hoạt động, bảo trì hiệu quả và thúc đẩy đổi mới công nghệ".

Tại Greater Noida - một trung tâm sản xuất ở ngoại ô Delhi - các công ty đang tranh giành để tuyển dụng nhân viên mới. Các quảng cáo việc làm với vị trí kỹ sư thiết kế năng lượng mặt trời, kỹ thuật viên, thợ lắp đặt và quản lý bán hàng đang tràn ngập các trang việc làm, với mức lương dao động từ 20.000 rupee đến 100.000 rupee (239 đến 1.200 USD) mỗi tháng. Giám đốc của Alpex Solar Monica Sehgal cho biết, công ty đang cung cấp các ưu đãi và đào tạo ở nước ngoài để thu hút nhân tài.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Ấn Độ Ashwani Sehgal, khoảng cách kỹ năng trải dài trên mọi cấp độ của ngành đặc biệt là trong các công nghệ mới nổi như sản xuất pin, pin lưu trữ và tích hợp lưới điện tiên tiến. Ngành công nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng hao hụt gần 20% lao động tài năng hàng năm, gây rủi ro cho các kế hoạch sản xuất.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/rao-can-voi-muc-tieu-nang-luong-sach-an-do-10294995.html
Zalo